30/03/2023 08:08 GMT+7 | Văn hoá
Những thông tin liên quan tới danh hiệu di sản Thế giới của Việt Nam đã liên tục xuất hiện vào nửa cuối tháng 3 này.
Cụ thể, theo Bộ VH,TT&DL, trong kỳ họp vào tháng 9 tới đây, hồ sơ đề nghị ghi danh Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà vào danh mục Di sản Thế giới sẽ chính thức được UNESCO xem xét.
Ít ngày trước đó, trong chuyến làm việc tại Hải Dương, Thủ tướng Chính phủ cũng vừa yêu cầu địa phương này phối hợp với các bên liên quan để triển khai, hoàn thiện hồ sơ đề cử quần thể di tích và danh thắng "Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc" là Di sản Thế giới, hoàn thành trong quý II/2023.
Đáng nói, ở cả 2 trường hợp này, các di sản đều mang tính chất liên vùng, nghĩa là trải rộng phạm vi trên 2 (hoặc nhiều hơn) tỉnh, thành phố - và tất nhiên, đều có sự tham gia xây dựng hồ sơ của các địa phương liên quan.
Sự liên kết giữa các địa phương quanh các quần thể di sản này là một câu chuyện thú vị. Trên thực tế, dù được UNESCO công nhận là "khu dự trữ sinh quyển thế giới" vào năm 2004, quần đảo Cát Bà lại từng không thành công trong hành trình đề nghị tổ chức này công nhận danh hiệu Di sản thiên nhiên thế giới. Bởi vậy, như các chuyên gia phân tích, việc Cát Bà đươc "gộp" vào Di sản Thế giới vịnh Hạ Long để trình UNESCO tái công nhận danh hiệu này (theo những tiêu chí và diện tích bổ sung) là một chiến lược vừa hợp lý, vừa phát huy được thế mạnh riêng của từng khu vực.
Ở trường hợp còn lại, từ khá sớm, tỉnh Quảng Ninh đã theo đuổi ý tưởng đề cử danh hiệu Di sản Thế giới cho quần thể Yên Tử tại Uông Bí và Đông Triều. Để rồi, khi nghiên cứu về lịch sử của các vương triều thời Trần, cũng như sự ra đời thiền phái Trúc Lâm, hồ sơ di sản đã được mở rộng sang khu vực Tây Yên Tử (Bắc Giang) và Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương) để bao quát hơn 70 di tích gắn với không gian tôn giáo, văn hóa đặc trưng của thiền phái này. Đáng nói, trong số đó có chùa Vĩnh Nghiêm, nơi sở hữu kho mộc bản gắn với các kinh sách do Trúc Lâm Tam Tổ biên soạn và từng nhận danh hiệu Di sản Tư liệu thế giới.
***
Như thế, cách lập hồ sơ "liên vùng" đã phát huy được thế mạnh của các địa phương góp mặt trong việc đảm bảo các tiêu chí khoa học mà UNESCO yêu cầu với một Di sản Thế giới. Và tất nhiên, trong trường hợp thành công, sức lan tỏa của danh hiệu ấy cũng sẽ được mở rộng hơn nhiều, so với việc giới hạn trong một tỉnh, thành phố như trước đây.
Thực chất, mô hình "liên vùng" này không quá mới tại Việt Nam. Trước đó, UNESCO cũng công nhận các danh hiệu Di sản Văn hóa phi vật thể Thế giới cho các di sản như Quan họ (các tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang lập hồ sơ), Đờn ca tài tử Nam Bộ (14 tỉnh, thành phố phía Nam) hay Dân ca Ví Giặm (2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh).
Nhưng, với danh hiệu Di sản Thế giới, cách tiếp cận này đòi hỏi sự phức tạp và công phu hơn rất nhiều. Ngoài việc đảm bảo tính khoa học của hồ sơ, các địa phương tham gia còn cần có sự thống nhất, đoàn kết để lên kế hoạch phát huy giá trị và bảo vệ di sản trong trường hợp nhận danh hiệu. Cụ thể, như chia sẻ từ phía UNESCO, các bộ hồ sơ "liên vùng" luôn được quan tâm đặc biệt về phương án vận hành, quản lý sau khi nhận danh hiệu - khi lượng khách du lịch sẽ bị hút tới rất đông và tạo ra nhiều sức ép lớn trong khâu bảo tồn.
Bởi thế, sự kỳ vọng vào danh hiệu cấp thế giới của quần thể Hạ Long - Cát Bà năm nay cũng đồng nghĩa với kỳ vọng nó mở ra một cột mốc mới, để xu thế kết nối di sản "liên vùng" được khích lệ và phát triển.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất