Góc nhìn 365: Quà Tết và quà sách

09/01/2024 08:41 GMT+7 | Văn hoá

"Thật là tuyệt vời nếu ngày đầu năm mới, vừa nhìn thấy cô chú cậu mợ hay bạn của ba mẹ đến nhà, trẻ con ùa ra, nhao nhao "Sách của con đâu?", thay vì "Tiền lì xì của con đâu?" Chỉ riêng sự thay đổi đó thôi đã đủ để các bậc phụ huynh mỉm cười".

Vào dịp giáp Tết này, mấy dòng tạp bút của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh khi trước đang liên tục được trích lại trên facebook và trang web của những đơn vị làm xuất bản. Những dòng ấy được viết từ... năm 2011, khi chuyện "mừng tuổi bằng sách" mở ra sự hào hứng trong cách nghĩ của rất nhiều người.

Ở bối cảnh hiện tại, ý tưởng mua sách làm quà Tết cho trẻ nhỏ đã được phát triển hơn khi mở rộng cả tới đối tượng... người lớn. Và cùng với ý tưởng ấy, trên thị trường xuất bản đã xuất hiện những ấn phẩm khá đa dạng trong dịp này.

Đó có thể là những cuốn sách theo cấu trúc nội dung "sách Tết" truyền thống được Đông A Books thực hiện thường niên từ vài năm qua, là những ấn phẩm đặc biệt cho thiếu nhi trong dịp Tết như của NXB Kim Đồng, hay thậm chí là những hộp quà tặng được "phối" với sách, như Tri thức Trẻ Books và Thái Hà Books đang thực hiện.

Góc nhìn 365: Quà Tết và quà sách - Ảnh 1.

Các bạn nhỏ đọc và mua sách tại Phố sách 19/12. Ảnh: Diệu Anh/Chinhphu.vn

Và như cách lập luận của nhiều người, nếu mở rộng sự lựa chọn, quà sách trong dịp Tết cũng không nhất thiết phải là các ấn phẩm chuyên biệt. Chỉ cần bước vào nhà sách, chọn vài cuốn phù hợp với các thành viên tại một gia đình mà bạn sắp ghé thăm, vậy đã đủ thành quà.

Mà việc chọn cũng dễ thôi: Trẻ nhỏ cần sách vừa chơi vừa học, giúp khám phá thế giới xung quanh. Các bạn thiếu niên sẽ thích truyện dành cho tuổi mới lớn hoặc trinh thám. Phụ nữ thích sách làm đẹp và nữ công, trung niên có thể đọc sách kinh điển, còn người cao tuổi có thể đọc sách đúc rút nghệ thuật sống hoặc dạy gìn giữ sức khỏe lúc tuổi già…

Miễn là cả người được tặng và người mua đều hào hứng với món quà Tết bằng sách ấy.

***

Trong đời thường, người Việt Nam không đến nỗi chưa bao giờ tặng nhau sách. Một chàng trai có thể tặng sách cho bạn gái khi đi dạo ở phố sách. Các thầy cô giáo có thể lấy sách làm phần thưởng vào dịp cuối năm. Và tất nhiên, với đề nghị từ trẻ nhỏ, các phụ huynh cũng ít khi ngần ngại để mua cho các em một bộ tranh truyện.

Có điều, những câu chuyện ấy vốn không xuất hiện quá nhiều trong cuộc sống đời thường - nếu nhìn sách ở góc độ một món quà tặng ngang bằng với hoa hay những vật phẩm khác. Đó không hẳn là câu chuyện về sự rẻ rúng sách (như ý kiến của những người bi quan), mà phần nào liên quan tới thói quen, và cả văn hóa đọc ở Việt Nam - điều chúng ta đã nói tới quá nhiều trong những năm qua.

Bây giờ, khi "sách Tết" hay "túi quà sách" xuất hiện trên thị trường vài năm gần đây, đó là tín hiệu vui từ một nhu cầu có thực của xã hội. Bởi, khi đời sống kinh tế đạt tới một mức độ nhất định, cộng đồng cũng đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn tới những món quà ý nghĩa và có giá trị tinh thần cao như sách trong dịp đầu năm mới.

Có lẽ, chúng ta đừng vội nói những điều vĩ mô về việc sách sẽ trở thành lựa chọn "áp đảo" mọi món quà Tết khác trong tương lai. Nhưng rõ ràng, những tín hiệu tích cực ấy đang là sự bắt đầu, để thói quen tặng sách có thể dần định hình trong tương lai và trở thành một nét văn hóa, như mong muốn của nhiều người.

Trí Uẩn

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm