26/10/2023 11:00 GMT+7 | Văn hoá
Ngày Halloween (31/10) của năm 2023 đang tới khá gần. Vài tuần qua, dù online trên mạng xã hội hay dạo bước qua những trục phố lớn, chúng ta bắt gặp vô vàn hình ảnh quảng cáo cho đủ loại mặt nạ, bí ngô, đồ hóa trang… hoặc các lễ hội được tổ chức vào dịp này.
Nhưng trước khi nói tới Halloween tại Việt Nam, hãy nhắc lại một sự kiện liên quan tới nó vào năm ngoái. Đó là thảm kịch tại khu phố thương mại Itaewon, (Seoul - Hàn Quốc), khi nơi này tổ chức tiệc Halloween và để xảy ra tình trạng giẫm đạp hỗn loạn khiến cả trăm người thiệt mạng.
Khá bất ngờ - nhưng cũng đủ hợp lý: Từ thảm kịch tại Hàn Quốc, nhiều độc giả của chúng ta đã có dịp luận bàn về những "hạt sạn" đang tồn tại trong cách đón Halloween ở Việt Nam. Dường như với họ (đặc biệt là các bậc phụ huynh), sự bất bình từ những "hạt sạn" ấy đã tích tụ từ trước, và chỉ chờ dịp thích hợp để được chia sẻ.
Như để củng cố cho luồng ý kiến ấy, một trò đùa quá trớn và phản cảm vào dịp Halloween năm ngoái tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM) đã trở thành tâm điểm gây phẫn nộ trên mạng xã hội. Những bức ảnh ghi lại cho thấy, trong tạo hình hóa trang, một nhóm thanh niên tươi cười "tự sướng" trước một mẫu người nằm đắp chiếu, bên cạnh là bát hương, giống như một vụ tai nạn trên đường…
Để rồi vào năm nay, khi dịp Halloween tới gần, câu chuyện ấy lại tiếp tục được hâm nóng trên mạng xã hội, với sự lai căng, xàm xí, chơi theo mốt - "đú" theo trend… từ những người thiếu thiện cảm với nó.
***
Xu thế đón Halloween đang phát triển mạnh ở Việt Nam trong hơn chục năm qua và ngày càng hướng tới sự chuyên nghiệp về cách đầu tư lẫn sản phẩm, dịch vụ và mô hình tổ chức.
Khá dễ hiểu, ở một xã hội bắt đầu mang màu sắc tiêu dùng, cả giới trẻ lẫn hệ thống kinh doanh đều tìm ra ở Hallowen những cơ hội lớn cho mình. Ngược lại, phần nào, sự xuất hiện của nó cũng là một minh chứng về cách chúng ta cởi mở với những yếu tố văn hóa mới trong dòng chảy hội nhập.
Nhưng cần nhìn rõ: So với nhiều ngày lễ được du nhập từ phương Tây vào Việt Nam, Halloween vẫn còn một khoảng cách khá xa về khả năng "bén rễ" để được đại đa số cộng đồng đón nhận. Bởi, nếu trong những Noel, Valentine's day, Mother's day.. vốn cũng rất gần với những hệ giá trị đạo đức của người Việt Nam khi đề cao sự sum họp, tình yêu, tình mẫu tử thì những yếu tố văn hóa đặc thù gắn với tôn giáo và truyền thuyết phương Tây của Halloween lại không dễ để lan tỏa rộng rãi ở một nền văn hóa Á Đông như Việt Nam.
Và khi không được "trang bị" một chiều sâu văn hóa - triết lý cần thiết, chẳng lạ khi Halloween tại Việt Nam vẫn dừng ở hình thức của một ngày hội hóa trang dành cho giới trẻ.
Vẫn biết những "nốt trầm" đang có của Halloween khiến một số người khắt khe - thậm chí cực đoan - khi nhìn về lễ hội này. Nhưng không sai, khi nói rằng nó cần được đặt đúng vị trí để đón nhận với tâm lý "vui vừa đủ", thậm chí là có những hướng dẫn và kiểm soát nhất định để tránh thành phản cảm, kệch cỡm.
Có thể, rồi cũng tới lúc lễ hội này được đón nhận nhiệt tình hơn, với những triết lý nhất định về việc dùng các hình thức hóa trang để xóa đi nỗi sợ trong tâm thức của con người trước ma quỷ hay cái chết. Nhưng đó là câu chuyện của tương lai.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất