Đằng sau bức bích họa đang hút giới trẻ 'selfie'

23/10/2018 08:03 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - 28 bức bích họa trên phố Phan Đình Phùng đang được dư luận đón nhận theo những cách rất khác nhau.

Xuất hiện từ đầu tháng 10, số bích họa này được các cựu học sinh của trường PTTH Phan Đình Phùng lên kế hoạch thực hiện nhân kỉ niệm 45 năm thành lập trường. Mang chủ đề “Hà Nội xưa và nay”, các bức tranh đều được vẽ bởi các họa sĩ chuyên nghiệp – trong đó đa phần gắn với những hình ảnh tiêu biểu của Thủ đô trong quá khứ như cầu Long Biên, chùa Một Cột, gánh hàng hoa, tàu điện…

Thế nhưng, dù thu hút một lượng lớn bạn trẻ tới để “selfie”, những bức tranh này vẫn nhận được sự đánh giá dè dặt, thậm chí là ít nhiều chưa ủng hộ, từ một số họa sĩ.

Chú thích ảnh
Kỷ niệm 45 năm thành lập, nhà trường cùng nhóm họa sĩ thực hiện 28 bức tranh bên ngoài tường bao quanh trường PTTH Phan Đình Phùng. Ảnh: Lê Phú/ Báo Tin Tức

Không đến nỗi gay gắt, những ý kiến chủ yếu gặp nhau ở một điểm chung: những bức bích họa này chưa thật đẹp, thậm chí là không cần thiết khi được đặt trên một trục phố vốn dĩ đã cổ kính và lãng mạn nhất Hà Nội. Nghe qua, câu chuyện tưởng như chỉ thuộc về phạm trù thẩm mỹ - nghĩa là phụ thuộc vào sự đánh giá cảm tình của mỗi người.

Nhưng, nếu đặt dự án này trong sự xuất hiện của hàng chục “phố bích họa”, “làng bích họa” đang mọc lên khắp cả nước, chúng ta sẽ đồng ý: loại hình bích họa cũng cần có những nguyên tắc riêng của nó để đạt được hiệu quả cao nhất.

***

Là loại hình mỹ thuật công cộng, bích họa gây hiệu ứng thị giác trực tiếp tới người xem. Và, khi được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa, tại những địa điểm vốn không có gì đặc biệt (thậm chí là xuống cấp) về cảnh quan, một cách tự nhiên, bích họa lập tức cho thấy những ưu điểm của mình. Đó là một trong những lý do để vài năm gần đây, bích họa xuất hiện tại khá nhiều địa phương.

Thế nhưng, rõ ràng, vẫn phải có khoảng cách giữa các bức bích họa được một cộng đồng nhỏ tổ chức theo kiểu “tự làm, tự hưởng” và những trường hợp được trông đợi để trở thành điểm nhấn nghệ thuật cho một không gian điển hình.

Bởi, dù được vẽ thế nào, những bức bích họa vẫn chỉ được đề cao khi có chất lượng thẩm mỹ và bản sắc riêng. Đặc biệt, để cuốn hút cộng đồng từ nơi khác, bích họa lại càng có giá trị khi kết nối với văn hóa bản địa, với vùng đất và con người nơi nó đang tồn tại.

Vì thế, làng bích họa Tam Thanh (Quảng Nam) từng trở thành hiện tượng của du lịch địa phương với những bức vẽ về cuộc sống, nhịp điệu sinh hoạt, hay chân dung của chính những con người tại một vùng quê nghèo miền Trung. Trong khi, chọn vẽ về những hoa anh đào, ngựa vằn, cá voi… một dự án khác tại làng chài Thanh Thủy (Bình Sơn, Quảng Ngãi) lại bị coi là xa lạ ngay với những người trong cuộc.

Hoặc, nếu những dự án bích họa nhằm đem lại màu sắc mới cho những góc tường cũ, bãi đất hoang… ở các khu tập thể, tổ dân phố vẫn được “thông cảm” về chất lượng mỹ thuật, thì dự án “thay áo” cột điện bằng cách vẽ hoa sơn màu tại một số tuyến phố của TP.HCM (năm 2017) lại từng nhận khá nhiều lời chê.

Bởi, ngoài vấn đề thẩm mỹ, cách làm này còn vướng vào một nguyên tắc cơ bản của bích họa: tạo ra sự mất tập trung khi vận hành giao thông.

Thậm chí những dự án vẽ bích họa được dư luận đánh giá cao cũng có những vấn đề riêng của mình. Cụ thể, tại “làng bích họa Tam Thanh”, nhiều nhà dân tại đây đã nằm trong tình trạng xuống cấp từ trước, nên có nhu cầu chỉnh sửa nhà và làm ảnh hưởng tới các tác phẩm trên tường. Còn tại “phố bích họa Phùng Hưng” của Hà Nội, do chưa được tổ chức thành tuyến phố đi bộ, du khách tới đây vẫn gặp khó khi phải băng qua luồng giao thông trên đường để tiếp cận tranh.

***

Trở lại trường hợp các bức bích họa tại Phan Đình Phùng. Thực tế, những chủ đề về cầu Long Biên, gánh hàng hoa, tàu điện… tại đây không phải là mới so với người xem, khi đã từng xuất hiện tại phố bích họa Phùng Hưng trước đó. Vì thế, đã có ý kiến rằng những bức bích họa này sẽ hấp dẫn hơn, nếu chọn chủ đề cụ thể, gắn với lịch sử của chính con phố này hay những kiến trúc lịch sử như cửa Bắc thành Hà Nội, vốn chỉ cách đó vài chục bước chân.

Thẳng thắn, nếu được bàn thảo kĩ về ý tưởng, lấy ý kiến tư vấn từ giới chuyên môn rồi “đặt hàng” các họa sĩ triển khai, như cách làm mà nhiều trường hợp đã áp dụng, rất có thể những bức bích họa ở tại Phan Đình Phùng đã nhận được nhiều sự tán đồng hơn.

Phố bích họa Phùng Hưng - nơi nối dài ký ức

Phố bích họa Phùng Hưng - nơi nối dài ký ức

Dài chưa đầy 200 mét, đoạn phố Phùng Hưng nối từ Lê Văn Linh tới Hàng Cót đã trở thành điểm đến đặc biệt của Hà Nội trong nửa năm qua. Ở đó, ký ức của thành phố được nối dại và cộng hưởng cùng sắc màu của nhịp sống hiện đại, qua 19 bức bích họa khổ lớn.

Và sự nuối tiếc ấy cũng gắn với một thực tế: khi phát triển tới một giai đoạn nhất định, bích họa cũng cần được “chuyên nghiệp hóa” với những đầu tư để có giá trị về chiều sâu, thay vì chạy theo chiều rộng.

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm