16/03/2021 06:48 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Chúng ta vừa đi qua một tháng Giêng vắng bóng lễ hội vì đại dịch Covid-19. Để rồi bây giờ, khi dịch bệnh cơ bản được khống chế, mùa lễ hội 2021 dường như đến lúc... khởi động lại sau khoảng lặng ban đầu.
Cột mốc ấy có thể được tính từ thời điểm ngày 13/3 vừa qua, khi lễ hội chùa Hương – lễ hội Xuân lớn nhất miền Bắc – chính thức mở cửa đón khách. Chỉ một ngày sau, đến lượt chùa Tam Chúc (Hà Nam) đón những dòng người nườm nượp đổ về đây.
Thực tế, bên cạnh những hội Xuân bị bỏ qua của tháng Giêng, khách hành hương vẫn còn rất nhiều lễ hội khác để chờ đợi trong năm 2021, nếu chúng ta tiếp tục khống chế tốt dịch bệnh.
Sự trở lại ấy rất đáng trông đợi, khi mà lễ hội vẫn là một phần cơ bản không thể thiếu trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt - và thẳng thắn, cũng là hạt nhân để tạo nên nguồn thu từ du lịch của nhiều địa phương.
Nhưng, câu chuyện không chỉ có vậy.
Đón một mùa lễ hội - dù muộn - chúng ta cũng đón luôn những nỗi lo vẫn song hành với nó trong suốt cả chục năm qua. Đơn cử, không phải ngẫu nhiên mà trong ngày hôm qua, cơ quan chức năng tại Hà Nam đã kiểm tra và nhắc nhở ban quản lý khu du lịch chùa Tam Chúc, khi địa điểm này vừa đón lượng khách khoảng 5 vạn người trong ngày 14/3.
Bên cạnh nỗi lo thời sự về khả năng lây lan của dịch bệnh, hình ảnh dòng người chen lấn phủ kín các bến thuyền tại chùa Tam Chúc hẳn khiến nhiều người “sống dậy” cảm giác ngột ngạt từng có khi chứng kiến những biển người xô đẩy nhau để thắp hương, đội lễ, cướp lộc... tại những lễ hội lớn trên miền Bắc.
Rồi, tại chùa Hương, dù cơ quan chức năng đã bước đầu xử phạt một số khách hành hương không đeo khẩu trang và... tham gia đánh bạc trên những con thuyền vào suối Yến, chúng ta cũng chưa thể yên tâm nếu nhớ lại sự bát nháo, xô bồ, thiếu văn minh... vốn tràn lan ở các lễ hội năm trước.
Có thể chỉ là tiểu tiết, nhưng hãy nhớ: Những hạt sạn ấy luôn là hệ quả của một bài toán chưa bao giờ cũ về cách mà lễ hội truyền thống đang vận hành, trước những sức ép và thay đổi mà nhịp sống hiện đại mang lại.
Dù vậy, nếu lựa chọn, người viết vẫn sẽ nghĩ tới một điều tích cực đang chờ đợi ở mùa lễ hội này. Đó là khoảng lặng mà đại dịch Covid-19 vừa gây ra cho cộng đồng.
Ở một tháng Giêng vắng bóng lễ hội, vắng bóng các nghi thức cầu siêu, giải hạn, dâng hương... trực tiếp tổ chức tại đền chùa, chúng ta vô tình cũng đã có cơ hội soi chiếu lại nhu cầu tín ngưỡng của mình.
Nhu cầu ấy có thể gắn với những buổi cầu an trực tuyến, vãn cảnh chùa trực tuyến... - giải pháp thực tế trong mùa bệnh dịch - và có thể chỉ đơn giản là dịp để mỗi người tự mở hội trong cõi lòng thanh tịnh của mình, như cách nói của các chuyên gia.
Không phải ngẫu nhiên mà trong cả chục năm qua, ở thời điểm mỗi mùa lễ hội sắp bắt đầu, chúng ta lại vẫn phải nói mãi với nhau về sự hiểu biết và điềm đạm cần có trong mỗi khách hành hương. Tại đó, trước khi đến với sự ồn ào, náo nhiệt và xu thế “hướng ngoại” vốn đang lan tràn tại lễ hội, chúng ta vẫn được khuyến nhủ hãy có một lần “hướng nội”, để tự vấn về nhu cầu thật sự trước khi nhập cuộc.
Chắc chắn, trong 1 tháng qua, nếu bình tĩnh nhìn lại, rất nhiều người đã nhận ra: Nếu là vãn cảnh đầu Xuân, là thưởng thức nét văn hóa truyền thống của người Việt, thậm chí là tìm kiếm sự yên bình tĩnh lặng trước khi tự điều chỉnh những “tham sân si” trong đời thường, chúng ta vẫn có thể đến với lễ hội với cách riêng và tâm thế riêng, thay vì bị cuốn theo xu thế cầu tài, cầu lộc vốn đầy những a dua và lố bịch.
Hãy cùng chờ thêm những ngày sắp tới của mùa lễ hội năm nay để kiểm chứng điều này.
Trí Uẩn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất