04/06/2020 07:04 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Cuộc thi thiết kế công trình cột mốc Km 0 (hoặc mốc 0, như cách gọi phổ biến) tại Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) vừa được quận Hoàn Kiếm phát động vào hôm qua 4/6.
Đây là một trong không nhiều cuộc thi được bảo trợ cùng một lúc bởi 2 hội nghề nghiệp lớn: Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Hội Mỹ thuật Việt Nam. Chưa hết, thành phần giám khảo của nó còn xuất hiện cả những chuyên gia về lịch sử hay di sản văn hóa.
Bản thân điều ấy đã cho thấy sự cầu thị, cũng như những kỳ vọng mà phía tổ chức đặt vào công trình này. Trước đó, ý tưởng xây dựng mốc 0 cũng đã trải qua hơn 2 năm nghiên cứu kể từ 2018.
Nếu nói rộng hơn, việc dựng một cột mốc số 0 tại Hồ Gươm đã được Hà Nội bàn tới từ trước năm 2010, trong dịp chuẩn bị cho Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Thậm chí, trong buổi phát động sáng qua, ông Cao Xuân Hưởng (nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN) còn tiết lộ một thông tin thú vị khác. Theo lời ông, trong một cuộc thi về quy hoạch không gian quanh Hồ Gươm vào năm 1996, đồ án được giải của các chuyên gia trường ĐH Kiến trúc HN đã từng đề xuất dựng một cột mốc số 0 trong khuôn viên Nhà khách Chính phủ (phố Lê Thạch).
Như thế, việc dựng mốc 0 - vừa như một công trình mang tính biểu tượng, vừa như một tác phẩm nghệ thuật công cộng hài hòa với không gian và cảnh quan quanh hồ Hoàn Kiếm - là nhu cầu có thật của Hà Nội. Và ở phía ngược lại, việc ý tưởng này vẫn chưa được triển khai trong mấy chục năm qua, cũng cho thấy rào cản mà nó phải đối diện trên thực tế.
Rào cản ấy đã được nói tới quá nhiều trong những cuộc hội thảo về vấn đề này: Với tất cả bề dày văn hóa lịch sử mang theo, từ rất lâu, không gian quanh Hồ Gươm đã mặc định trở thành tâm điểm trong ý thức giữ gìn những gì còn lại của văn hóa Hà Nội. Ở đó, bất cứ công trình nào, dù là sửa chữa hay xây mới, đều nhận được sự quan tâm và phản biện mạnh mẽ nhất từ người dân Thủ đô.
Một thống kê được ông Đào Ngọc Nghiêm (nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội) đưa ra sẽ khiến chúng ta thấm thía hơn điều ấy: Trong khoảng 20 năm qua, đã có 45 dự án xây dựng, cải tạo tại khu vực quanh Hồ Gươm được đề xuất, vậy nhưng chỉ có gần 10 dự án trong số đó trở thành hiện thực. “Không có ý kiến và sự chấp thuận của người dân, sẽ không có bất cứ công trình nào thành công khi đặt tại Hồ Gươm” - ông nói.
Nhìn vào sự thành công hay thất bại của những công trình xuất hiện quanh Hồ Gươm những năm qua, không khó để nhận ra những yêu cầu quan trọng nhất mà người Hà Nội trông đợi ở mốc 0: Giàu tính thẩm mỹ, thể hiện chiều sâu văn hóa của Hà Nội và đặc biệt, phải ăn nhập với không gian vốn có tại đây.
Thực tế, từ trước khi cuộc thi này bắt đầu, giới kiến trúc và mỹ thuật cũng đã nhiều lần góp ý và bàn cãi về mốc 0, với tất cả sự quan tâm của mình. Và ngay trong buổi phát động, người ta cũng đã được chứng kiến các chuyên gia hào hứng tiếp tục cuộc thảo luận luận về mốc 0, như nó đã từng diễn ra những năm qua.
Ở đó, có những ý kiến đề nghị dựng mốc 0 ở dạng nằm (trên mặt đất) hoặc ở dạng đứng (thành một công trình nổi). Có ý kiến đề nghị đặt nó tại một trong 3 vị trí theo “đề bài” (góc đường Hàng Khay, trước tượng đài Lý Thái Tổ và đối diện tượng đài Lý Thái Tổ, phía sát Hồ Gươm) và cũng có ý kiến đề nghị... mở rộng yêu cầu, cho phép tìm những không gian linh hoạt hơn để thiết kế, chẳng hạn như khu vực quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục...
Sự nhiệt huyết ấy là điều đáng mừng và cho phép người ta kỳ vọng vào một mốc 0 đủ thuyết phục tại Hồ Gươm trong tương lai. Cũng cần nhắc lại: Đến nay, hầu hết các kiến trúc đáng kể tại không gian này đều là di sản mà người Pháp để lại từ đầu thế kỷ 20. Và nói như KTS Trần Huy Ánh, mốc 0 là món nợ mà người làm nghề, dù không vay, nhưng luôn muốn được trả cho Hồ Gươm và Hà Nội.
Cúc Đường
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất