Góc nhìn 365: "Mảnh ghép" quan trọng cho Hoàng thành Thăng Long

01/01/2025 07:04 GMT+7 | Văn hoá

Một sự kiện quan trọng, đánh dấu bước chuyển giao giữa Bộ Quốc phòng và chính quyền Hà Nội nhằm bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của Hoàng thành Thăng Long vừa diễn ra giữa tuần qua.

Theo đó, gần 14.000m2 diện tích đất quốc phòng, trong đó có trụ sở cũ của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, và đặc biệt là khu Cột cờ Hà Nội, đã được bàn giao cho Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội.

Đồng thời, từ ngày 1/1/2025 tới, Cột cờ Hà Nội - biểu tượng gắn với lịch sử và văn hóa của Thủ đô - cũng sẽ chính thức mở cửa đón khách.

Cần nhắc lại, từ vài năm qua, phần diện tích vừa được bàn giao vẫn được coi là "mảnh ghép" cuối cùng cần được nhất thể hóa về quản lý của khu Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long.

Như lời các chuyên gia, việc "nhất thể hóa" này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi để bảo tồn và phát huy giá trị của quần thể di tích này, mà còn là một phần cam kết của Việt Nam với các khuyến nghị từ Ủy ban Di sản thế giới UNESCO, khi Hoàng thành Thăng Long được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 2010.

Góc nhìn 365: "Mảnh ghép" quan trọng cho Hoàng thành Thăng Long - Ảnh 1.

Hình ảnh quảng bá di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội

Thực chất, trong 58 năm qua, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cũ vẫn tọa lạc tại vị trí gắn với không gian Cột Cờ Hà Nội và trở thành một địa chỉ văn hóa - lịch sử quen thuộc của Thủ đô. Và thông thường, khi ghé thăm Hoàng thành Thăng Long, du khách vẫn thường xuyên ghé qua Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam để chiêm ngưỡng nội dung trưng bày, đồng thời chụp "check-in" cùng một kiến trúc đã có trên 200 năm tuổi như Cột Cờ Hà Nội.

Chỉ có điều, phần diện tích không quá rộng của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam khi đó thường khiến cho các nội dung trưng bày khá cô đọng và ít nhiều chưa thỏa mãn sự háo hức của những khán giả muốn tìm hiểu sâu. Ở một góc độ khác, do thuộc các đơn vị quản lý khác nhau nên Hoàng thành Thăng Long và khu vực Bảo tàng - Cột Cờ Hà Nội rơi vào cảnh "gần nhà xa ngõ", khiến du khách phải đi vòng giữa 2 cổng tại các trục đường Hoàng Diệu và Điện Biên Phủ.

***

Bây giờ, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam mới tại khu vực Đại lộ Thăng Long (phường Tây Mỗ) đã được Bộ Quốc phòng đầu tư xây dựng xong giai đoạn 1 và hoạt động từ tháng 11 vừa qua - để rồi nhanh chóng trở thành một điểm đến "hot" của du khách bởi quy mô hoành tráng và nội dung trưng bày đa dạng.

Đặt trong bối cảnh ấy, khi trở thành một phần của quần thể Hoàng thành Thăng Long, khu vực Cột Cờ Hà Nội - và rộng hơn là phần diện tích vừa được bàn giao - đang hứa hẹn bổ sung thêm cho không gian này những điểm nhấn mới, mà việc mở cửa đón khách từ đầu năm 2025 là minh chứng điển hình.

Xa hơn, nếu nhìn lại những đồ án đề xuất quy hoạch Hoàng thành Thăng Long từ 10 năm qua, có thể thấy rõ: Hầu hết các ý tưởng đều chọn khu vực Cột Cờ Hà Nội là "xuất phát điểm" để bố trí những tour tham quan quần thể này trong tương lai.

Bởi, một cách tự nhiên, đây không chỉ là khu vực có diện tích rộng để cung cấp dịch vụ, thuận tiện về giao thông (kết nối với vườn hoa Lê Nin phía bên kia đường Điện Biên Phủ) mà còn là không gian mang tính biểu tượng lớn của Hà Nội, với Cột Cờ Hà Nội.

Và ở một góc độ khác, Cột Cờ Hà Nội sẽ cùng những Đoan Môn, Hậu Lâu, nền điện Kính Thiên, hầm D67 và hầm T1... tạo thành một hệ thống kiến trúc mang tính biểu trưng cho vai trò lịch sử của khu vực Hoàng thành, xuyên suốt từ các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn... cho tới giai đoạn kháng chiến chống Mỹ thời hiện đại.

Hãy cùng chờ những gam màu mới mà "mảnh ghép" này mang về cho Hoàng thành Thăng Long trong năm 2025.

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm