Góc nhìn 365: Ký ức và phù điêu

14/04/2022 07:09 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Trong câu chuyện phá dỡ tòa nhà 61 Trần Phú đang thu hút dư luận, kế hoạch bảo tồn bức phù điêu gắn trên tường nhà bỗng được nhiều người kỳ vọng như giải pháp lưu lại một phần dấu tích của không gian xưa cũ này.

Góc nhìn 365: Giữ di sản đô thị thế nào?

Góc nhìn 365: Giữ di sản đô thị thế nào?

Ngày hôm qua 6/4, lãnh đạo Hà Nội vừa có chỉ đạo yêu cầu các bên liên quan tạm dừng phá dỡ tòa nhà 61 Trần Phú, đồng thời kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra vi phạm (nếu có) và báo cáo kết quả trước ngày 15/4 tới.

Với hình ảnh đắp nổi một nhóm bộ đội dân quân tự vệ đang khoác súng, những dòng chữ trên phù điêu cho biết: Trong chiến tranh chống Mỹ, tại địa điểm này, bộ đội dân quân tự vệ Thủ đô đã bắn rơi một chiếc máy bay Mỹ đúng dịp sinh nhật Hồ Chủ tịch ngày 19/5/1967. Đặc biệt, chiếc máy bay RA-5C này cũng là trường hợp máy bay trinh sát điện tử đầu tiên bị bắn hạ trên bầu trời Hà Nội.

Như thế, dù chưa xác định được cụ thể, nhưng với phong cách tạo hình và nội dung này, chắc chắn bức phù điêu đã xuất hiện tại đây từ rất nhiều năm.

Trao đổi với người viết, họa sĩ Lương Xuân Đoàn (Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam) cho rằng bức phù điêu vốn có cách tạo hình khá bình dị và đơn giản, với ngôn ngữ đậm tính hiện thực. Tuy nhiên, đó là chứng tích nghệ thuật gắn liền với tình cảm và cảm xúc của người Hà Nội trong một giai đoạn lịch sử bi tráng. “Những gì của ngày hôm qua nên được lưu giữ trong những gì có thể của ngày hôm nay”, họa sĩ nhận xét.

Chú thích ảnh
Bức phù điêu đắp nổi trên bức tường phía mặt đường giao cắt Nguyễn Thái Học - Lê Trực của công trình tại số 61 Trần Phú là minh chứng lịch sử ghi lại sự kiện bộ đội dân quân tự vệ Thủ đô bắn rơi máy bay Mỹ vào ngày 19/5/1967. Ảnh: TTXVN

Ở mức độ cụ thể hơn, giám tuyển nghệ thuật Nguyễn Thế Sơn (Đại học Mỹ thuật Việt Nam), cho biết mình cũng đã thử tìm kiếm, nhưng khó xác định được tác giả cụ thể của phù điêu.

“Bức phù điêu có phong cách tạo hình khá chung chung, giống với nhiều phù điêu theo xu hướng hiện thực Xã hội chủ nghĩa giai đoạn ấy. Theo một nghĩa nào đó, đây là trường hợp gắn với sáng tác tập thể, chứ cũng không hẳn in đậm phong cách của một tác giả nào” - ông nói - “Nhưng phù điêu này vẫn mang giá trị lưu dấu ký ức”.

***

Như những thông tin được đưa ra, sau yêu cầu bảo tồn bức phù điêu từ phía UBND quận Ba Đình, phía chủ đầu tư xây dựng công trình mới tại đây khẳng định đã giữ nguyên trạng, đồng thời nếu cần sẽ có phương án di chuyển hợp lý hoặc bảo vệ bức phù điêu tại đúng vị trí khi công trình hoàn thành.

Những gì đang diễn ra hẳn khiến nhiều người nhớ về câu chuyện tương tự tại ngã tư chợ Mơ (Hà Nội) năm 2020. Đó là một bức tranh cổ động ghép gốm và một phù điêu đắp nổi đều của cố họa sĩ Trường Sinh, với chất lượng nghệ thuật khá đặc biệt. Thời điểm mở rộng đường, 2 bức tranh này cũng đều đứng trước nguy cơ bị đập bỏ - khi không thuộc danh mục được bảo tồn theo Luật Di sản văn hóa.

Để rồi, trước những phản biện và đóng góp của cộng đồng, một cái kết khá đẹp đã tới: Hai bức tranh được ngành văn hóa Hà Nội cho hạ giải, và đưa về tạm bảo tồn tại khu vực vườn hoa đường Trần Nhật Duật, phía đầu cầu Long Biên. Trong tương lai, chúng hi vọng sẽ được tôn tạo để xuất hiện với vai trò một tác phẩm nghệ thuật cộng đồng, giống như một gạch nối giữa quá khứ và hiện tại.

Với câu chuyện của bức phù điêu tại 61 Trần Phú, những ý tưởng tương tự cũng được đặt ra. Chẳng hạn, có ý kiến đề xuất nhà đầu tư nên giữ hẳn một đoạn tường có bức phù điêu để “ghép” vào phần tường của công trình mới, từ đó tạo ra một điểm nhấn thú vị kết nối với lịch sử đô thị, như trường hợp khách sạn Horison (nay là Pullman) tại Cát Linh với chiếc ống khói của một nhà máy gạch cũ được bảo tồn.

Hoặc, theo giám tuyển Nguyễn Thế Sơn, nếu khó bảo tồn tại chỗ, phù điêu nên được di dời tới khu vực dự kiến sẽ đặt 2 bức tranh tường của cố họa sĩ Trường Sinh - để rồi cùng với những phù điêu có thể được bổ sung sau này, một không gian gợi nhớ ký ức đô thị sẽ hiện diện cùng cộng đồng...

Hy vọng, những cách ứng xử ấy sẽ tạo ra một tiền đề tích cực, để chúng ta trân trọng một mảng di sản đô thị từng có lúc bị bỏ quên trong xã hội đương đại.

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm