Góc nhìn 365: Khi tư liệu lưu trữ 'chuyển mình'

04/01/2024 08:43 GMT+7 | Văn hoá

Chỉ ít năm trước, khái niệm "tư liệu lưu trữ" thường gắn với cách nghĩ mặc định về những kho văn bản "thâm nghiêm kín cổng cao tường". Ở đó, người có công việc chuyên môn gắn với lưu trữ đa phần đều đứng tuổi và chấp nhận sự buồn tẻ đặc trưng.

Định kiến ấy được nhắc tới trong tọa đàm "Di sản với giới trẻ" do Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I tổ chức cuối tuần qua. Nó bắt nguồn từ một thực tế: Trong quá khứ, đã có lúc nhu cầu của xã hội với tư liệu lưu trữ chưa được đặt ra một cách hợp lý, còn lĩnh vực này cũng thiếu sự cởi mở cần thiết để tiếp cận với cộng đồng.

Còn ở thời điểm hiện tại, vị thế của các tư liệu lưu trữ đang có sự thay đổi đặc biệt quan trọng - khi loại hình này không chỉ được ghi nhận dưới nhiều hình thức khác nhau mà còn xuất hiện rộng rãi trong mọi lĩnh vực của đời sống.

Đơn cử, chỉ ở các danh hiệu cấp thế giới, trong vòng 15 năm kể từ 2009, Việt Nam đã lần lượt sở hữu 9 danh hiệu Di sản tư liệu Thế giới ở các cấp khác nhau. Bên cạnh đó, Luật Lưu trữ sửa đổi cũng đang được xây dựng, với mục đích tạo cơ sở pháp lý để ngành lưu trữ phát huy sứ mệnh và tiềm năng của mình.

Góc nhìn 365: Khi tư liệu lưu trữ 'chuyển mình' - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi tọa đàm. Nguồn: QĐND

Ở góc độ đời sống, khá nhiều tư liệu lưu trữ đã được khai thác và sử dụng vào mục đích trưng bày, diễn giải các nghi thức, sự kiện văn hóa truyền thống - điển hình là tại các không gian di tích như Văn Miếu Quốc Tử Giám hay Hoàng thành Thăng Long. Không chỉ vậy, rất nhiều thông tin từ các tư liệu quý như Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn đã được ứng dụng trong các lĩnh vực ngoài di sản như bảo vệ chủ quyền biển đảo, hoặc xây dựng các nội dung giáo dục.

Điển hình, theo chia sẻ của TS sử học Vũ Đức Liêm (Đại học Sư phạm Hà Nội), dù mới ở mức độ ban đầu, cách giảng dạy lịch sử tại nhiều trường học đang có sự thay đổi quan trọng: Thay vì đánh giá, phân tích sự kiện theo nhận định "mẫu" của giáo viên hoặc người viết sách, học sinh dần được khuyến khích đọc hiểu, tiếp cận với các tư liệu gốc, văn bản gốc rồi từ đó đưa ra quan điểm của mình.

Như phân tích của các chuyên gia, một mặt, những thay đổi quan trọng trong ngành lưu trữ đến từ sự thay đổi của xã hội - khi chúng ta đang dần có ý thức về việc gìn giữ, tôn vinh những hệ giá trị truyền thống của dân tộc. Mặt khác, bản thân những người làm công tác lưu trữ cũng đã dần bắt nhịp với những cách tiếp cận, khai thác hiện đại để loại hình di sản này đáp ứng được nhu cầu thực tế và đa dạng trong đời sống.

Và cũng cần nói thêm, bên cạnh những di sản tư liệu được vinh danh, Việt Nam còn sở hữu một kho tàng "đồ sộ" các di sản tư liệu đang được lưu trữ trong các trung tâm lưu trữ quốc gia, trung tâm di sản, thư viện, bảo tàng, đình chùa, đền miếu... Có nghĩa, chúng ta vẫn còn rất nhiều tiềm năng để khai thác ở lĩnh vực này, sau những tín hiệu rất tích cực đang xuất hiện.

Trí Uẩn

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm