28/01/2021 07:30 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Chúng ta bước vào năm 2021 với một tin vui về phố đi bộ, khi thêm 8 tuyến đường tại khu vực phố cổ Hà Nội được xác lập chức năng này.
Chưa hết, những ngày qua, thông tin về ý tưởng lập tuyến phố đi bộ quanh Hồ Thiền Quang ở thủ đô, cũng như 2 không gian quanh Hồ Con Rùa và tại đường Nguyễn Thượng Hiền (TP.HCM) cũng đang được dư luận rất quan tâm.
“Lược sử” phố đi bộ tại Việt Nam là một câu chuyện thú vị, khi mà cho đến trước thập niên 2010, chúng ta mới chỉ có một trường hợp thành công duy nhất tại khu phố cổ Hội An với đề án“Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ”, triển khai từ năm 2004…
Để rồi, từ giữa thập niên 2010, mô hình này bỗng phát triển rất mạnh và luôn được các đô thị quan tâm, đặc biệt là sau thành công của 2 không gian đi bộ tại đường Nguyễn Huệ (TP.HCM) năm 2015 và khu vực Hồ Gươm (Hà Nội) năm 2016.
Sự phát triển ấy không chỉ gắn với việc những tuyến phố đi bộ mới lần lượt được thiết lập tại 2 đô thị lớn nhất cả nước. Đó còn là những không gian đi bộ nối nhau xuất hiện (hoặc đề xuất triển khai) từ các thành phố du lịch như Huế, Đà Nẵng, Hội An cho đến những đô thị ở Đồng bằng sông Cửu Long như Cần Thơ hay ở vùng cao phía Bắc như Lào Cai, Lạng Sơn.
Một mặt, xu hướng này cho thấy nhu cầu thật sự về phát triển thương mại và du lịch của mỗi địa phương. Mặt khác, bản thân những tuyến phố đi bộ cũng là minh chứng cho việc đời sống tại các đô thị được nâng cao, khi người dân dần có thêm những không gian công cộng làm nơi vui chơi và thư giãn cho mình.
Nhưng, đến thời điểm hiện tại, Bộ Xây dựng và các cơ quản quản lý cũng chưa có những tiêu chí cụ thể để xác lập mô hình một “phố đi bộ” hay “phố đêm” chuẩn. Thay vào đó, dựa trên thực tế, mỗi địa phương sẽ chọn một mô hình phố đi bộ phù hợp để vận hành. Bởi vậy, đã có những câu hỏi: Chúng ta sẽ “đón đầu” xu hướng phát triển phố đi bộ thế nào cho phù hợp, thay cho nguy cơ phát triển tràn lan nhưng thiếu hiệu quả và bản sắc?
Điểm nổi bật ở một số mô hình phố đi bộ đang hoặc sắp được triển khai là vị trí phù hợp tại vùng lõi đô thị, đồng thời có sẵn những giá trị về văn hóa, thương mại, lịch sử... được hình thành theo thời gian.
Ý tưởng về phố đi bộ tại Hồ Thiền Quang ở Hà Nội là ví dụ điển hình: Đối xứng với không gian quanh hồ qua trục phố Trần Nhân Tông chính là công viên Thống Nhất, “lá phổi xanh” và địa chỉ văn hóa lâu đời của Hà Nội. Và, như đề xuất, việc biến phố Trần Nhân Tông thành phố đi bộ vào dịp cuối tuần chính là một cách để kết nối 2 không gian ấy và hình thành một quần thể đặc biệt tại trung tâm thành phố để phục vụ cộng đồng. Tương tự, tại TP.HCM, phố đi bộ Bùi Viện được xác lập trên cơ sở đã trở thành khu du lịch và lưu trú của khách quốc tế từ nhiều năm trước.
Và ở hướng ngược lại, chúng ta cũng có những ví dụ về các phố đi bộ chưa hoặc không thành công, như trường hợp phố Trịnh Công Sơn (Hà Nội).Như phân tích, đó là nơi văn hóa chưa đủ tính bản địa, riêng biệt để hấp dẫn du khách bởi đặc trưng về không gian gắn với các đầm sen Tây Hồ không bền vững và chỉ có tính thời vụ.
Thực tế ấy gắn với điều mà nhiều chuyên gia từng chỉ rõ: Phố đi bộ không thể được xác lập theo kiểu “phong trào” và duy ý chí. Và, về cơ bản, những không gian ấy cần được khảo sát, nghiên cứu và quy hoạch ở tầm thành phố, thay vì chia nhỏ lẻ, manh mún thiếu kết nối ở quy hoạch của tầm quận, huyện. Cần nhắc lại:Đến thời điểm này, dù đã có thành công, những không gian đi bộ tại trung tâm các đô thị lớn như phố đi bộ Hồ Gươm, đường Nguyễn Huệ, đường Bùi Viện... vẫn chưa hoàn chỉnh và còn rất nhiều tiềm năng, dư địa để phát triển.
Như thế, bước sang một thập niên mới, rõ ràng những trục phố đi bộ của chúng ta sẽ phải mang theo những đòi hỏi ngày một cao, để thật sự trở thành điểm đến trong từng đô thị. Đó cũng là điều tất yếu - khi mà sau mỗi giai đoạn phát triển, các đô thị đều có thêm những bài học và định hướng riêng cho mình.
Anh Bảo
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất