Góc nhìn 365: Cuối năm nói chuyện vàng mã

16/01/2020 07:25 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Chúng ta đang ở những ngày cuối cùng của năm Âm lịch. Trước mắt đã là ngày ông Táo lên trời 23 tháng Chạp.

Cúng ông Công ông Táo ở 3 miền Bắc-Trung-Nam

Cúng ông Công ông Táo ở 3 miền Bắc-Trung-Nam

Cúng ông Công ông Táo, Mâm cúng ông Công ông Táo, Văn khấn Ông Công Ông Táo, Ông công ông táo cúng gì, Mâm lễ ông Công ông Táo, Bài cúng Ông Công Ông Táo, ông táo, Tết

Như mọi năm, không có gì lạ khi vào dịp này, thị trường vàng mã đang “nở bung” với đủ mọi món hàng khác nhau. Theo một dòng chảy đồng hành với sự hối hả của người mua, từ những lò sản xuất, loại mặt hàng đặc biệt ấy ồ ạt xuất hiện trên mọi con phố, mọi làng quê, để rồi len lỏi đến với các gia đình. Chúng sẽ được đốt, không chỉ trong ngày cúng ông Táo, mà còn trong một chuỗi dài của những ngày Tết sau đó.

Và, đó cũng là điểm khởi đầu cho câu chuyện thường niên về việc lạm dụng vàng mã trong dịp đầu Xuân…

Chưa năm nào, khi chuẩn bị đón Xuân, ngành quản lý không nhắc tới việc xiết chặt tình trạng đốt vàng mã tại các cơ sở tín ngưỡng. Để rồi, khi tổng kết mỗi kỳ lễ hội, thực tế cho thấy, ở không ít nơi, vàng mã vẫn được đốt một cách bừa bãi theo nhu cầu của người hành hương.

Mà đó mới chỉ là câu chuyện ở những cơ sở tín ngưỡng. Tính rộng cả tới lượng vàng mã, đồ mã được đốt tại mọi gia đình, đã có thống kê sơ bộ cho rằng, mỗi năm, người Việt đốt khoảng… 50.000 tấn vàng mã, với giá trị tương đương 5.000 tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Vàng mã ngày ông Táo. Ảnh: Internet

Lãng phí tiền của, ảnh hưởng tới sức khỏe và môi trường, tiềm ẩn khả năng hỏa hoạn… đó là những hệ lụy mà dư luận thường xuyên đưa ra khi nói tới mặt trái của tục đốt vàng mã.

Nhưng đó chỉ là bề nổi. Đáng buồn hơn, thị trường vàng mã cũng là một minh chứng về sự kệch cỡm, lố bịch pha lẫn màu sắc dị đoan trong xã hội hiện đại, khi mà từ những nén vàng, xấp tiền, ngựa giấy khi xưa, vàng mã và đồ mã dần đã được thiết kế mô phỏng mọi vật dụng hiện có trong cuộc sống, với những tòa biệt thự, ô tô, điện thoại thông minh, máy bay hay thẻ ngân hàng...

Thực tế, trong 2 năm qua, vào dịp Xuân mới, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đều có văn bản đề nghị các Phật tử loại bỏ tục đốt vàng mã tại chùa chiền. Và thực tế, điều này cũng là sự quay lại của một câu chuyện từng diễn ra gần 90 năm trước, khi phong trào chấn hưng Phật giáo vào thập niên 1930 cũng coi việc đốt vàng mã, hàng mã là một hủ tục cần ưu tiên xóa bỏ.

***

Vàng mã đã có lịch sử tồn tại hàng trăm năm tại Việt Nam. Như những gì được nghiên cứu, loại vật dụng tín ngưỡng ấy có nguồn gốc từ phương Bắc - khi nó được đưa ra để thay thế tục chôn những vật dụng quý giá theo người chết.

Để rồi, khi du nhập vào Việt Nam, vàng mã được tiếp nhận bởi sự phù hợp với đạo đức và tình cảm của người Việt. Gắn với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, dù có thể không quan tâm tới những khái niệm quá siêu hình, chúng ta vẫn luôn thấy xúc động và ấm lòng khi thắp một nén hương, đốt một chút vàng mã để nhớ về tiền nhân trong những ngày Tết đến.

Như thế, khi gắn với khái niệm tâm linh, tập tục đốt vàng mã không còn là việc đúng - sai mà là câu chuyện về niềm tin từ tâm thức. Mọi thứ chỉ thay đổi khi trong dòng chảy xã hội hiện đại, sự biến đổi về niềm tin khiến tục đốt vàng mã trở nên mang nặng tính thương mại. Nó giống như một “kênh đầu tư” cho cõi âm, chạy theo những biến tướng của tâm lý “tốt lễ dễ kêu” để người ta tìm kiếm những phù trợ cho mình trong cuộc đời thật…

***

Thực ra, không chỉ vàng mã, nhiều tập tục ngày Tết cũng dần biến tướng theo thời gian bởi chính con người. Tục đốt pháo ngày Tết, hay những chén rượu mừng Xuân là các ví dụ điển hình. Nhưng, nếu chúng ta có thể không mấy khó khăn để loại bỏ pháo ra khỏi đời sống, cũng như hạn chế những tác hại của bia rượu bằng Nghị định 100 vừa qua, thì vấn đề của vàng mã lại không đơn giản như thế. Bởi đó không phải là câu chuyện thiết thân về an toàn tính mạng, mà là câu chuyện về niềm tin trong nhận thức.

Sơn Tùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm