Góc nhìn 365: Cột mốc từ 'hội sách online'

16/04/2020 07:07 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Chúng ta đang chuẩn bị đón Hội sách Việt Nam, sự kiện được tổ chức thường xuyên vào tháng 4 trong những năm gần đây. Chỉ có điều, ngày hội sách năm nay đánh dấu một cột mốc đặc biệt – khi được tổ chức theo hình thức online, thay vì “offline” như truyền thống.

Tổ chức hội sách 'Đọc đi cho khỏe' trên mạng

Tổ chức hội sách 'Đọc đi cho khỏe' trên mạng

Chào mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, trong điều kiện nhiều học sinh vẫn đang được nghỉ vì dịch Covid-19, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam mở hội sách tháng 3 mang tên "Đọc đi cho khỏe" bằng hình thức bán hàng online trên fanpage của NXB.

Cụ thể, Bộ Thông tin & Truyền thông đã lên kế hoạch tổ chức Hội sách trực tuyến 2020 tại địa chỉ Book365.vn trong khoảng thời gian hơn một tháng kể từ ngày 19/4. Trên không gian mạng, “hội sách” này cũng sẽ có đầy đủ gian hàng giới thiệu sách của các NXB, hệ thống bán sách online, các sự kiện giới thiệu sách mới, giao lưu, tọa đàm với tác giả...

Tất yếu, hệ lụy từ đại dịch Covid-19 là lý do trực tiếp nhất để Hội sách Việt Nam được chuyển sang tổ chức online. Nhưng, cũng phải nói thêm, một tiền đề khác của sự thay đổi ấy gắn với sự phát triển của hình thức mua bán, trao đổi sách online - vốn đã bén rễ khá sâu trong đời sống từ những năm qua.

Cần nhắc lại, hơn 1 tháng trước, Hội sách TP.HCM lần thứ 20 từng phải hoãn lại vì lý do dịch bệnh, trong bối cảnh hầu hết các đơn vị xuất bản tại đây đều đã chuẩn bị khá công phu để tham dự. Để rồi từ đó, một hội sách online “tự phát” khác lập tức diễn ra thay thế trên website hoặc fanpage của nhiều đơn vị như Đông A, Phương Nam, Fahasa, NXB Tổng hợp TP.HCM...

Tại đây, người ta có thể bắt gặp tất cả các hoạt động kích cầu, quảng bá xuất bản phẩm vốn thường gặp trong các hội sách. Đó là các chương trình mua sách đồng giá 1.000 đồng, sale (giảm giá) sâu theo ngày, mua sách kèm phiếu quà tặng, miễn phí vận chuyển sách theo những giờ nhất định.... Thậm chí, một số buổi livestream giới thiệu sách hoặc giao lưu với tác giả cũng được đưa lên để độc giả theo dõi.

Chú thích ảnh
Hội sách online sẽ được tổ chức tại book365.vn. Nguồn: Internet

Rộng hơn, nhìn lại thị trường xuất bản, không khó để nhận thấy: Dù lớn dù nhỏ, hầu như tất cả các xuất bản phẩm trong vài năm qua đều xuất hiện trên hệ thống mua bán trực tuyến, với những thông tin khá chi tiết về hình bìa, nội dung, giá bán... Ở đó, người mua có thể thoải mái lựa chọn sách và được mang tới tận nhà qua các hình thức thanh toán trực tiếp hoặc giao dịch điện tử.

Bởi thế, không có gì lạ khi hiện tại Hội sách Việt Nam 2020 đã thu hút hơn 40 đơn vị xuất bản với 10.000 đầu sách và đặt ra chỉ tiêu thu hút 5 - 10 triệu lượt khách. Tất nhiên, là khách... online.

***

Như nhiều loại hình thương mại điện tử trong thời đại 4.0, việc phát hành sách trực tuyến luôn có những ưu thế tuyệt đối từ sự phát triển của mạng Internet và công nghệ. Đó là khả năng tương tác cao, là sự tiện ích khi giao dịch qua mạng, là cơ hội để phía phát hành tiết kiệm kinh phí đầu tư và thuê mặt bằng cho cửa hàng sách truyền thống - để rồi bù lại, độc giả có thể được mua sách với giá rẻ hơn hoặc được hỗ trợ một phần chi phí giao sách tới nhà.

Tất nhiên, còn quá sớm để nói rằng hình thức ấy sẽ dần thay thế hoàn toàn việc bán sách “offline”. Nhưng chắn chắn, trong tương lai, các“chợ sách online” sẽ còn tiếp tục phát triển, như một kênh chính yếu để lan tỏa sách và văn hóa đọc tới cộng đồng.

Và để đón đầu xu thế ấy, rõ ràng những “chợ sách online”này cần được tiếp tục hỗ trợ phát triển - cho dù đó vẫn sẽ là một chặng đường dài. Bởi, như nhận xét từ chính các đơn vị xuất bản Việt Nam hiện nay, hình thức này chủ yếu chỉ thu hút khách hàng trẻ tuổi ở những đô thị lớn - vốn quen với công nghệ và mạng xã hội - trong khi những độc giả lớn tuổi hoặc ở địa phương khác thì thường có sự ngần ngại, rụt rè và bị chi phối bởi quán tính mua sách theo kiểu “truyền thống”.

Xa hơn, đó còn là câu chuyện của những bài toán về điều kiện công nghệ (để mạng Internet có thể phủ sóng tới mọi địa phương), về các cơ chế hỗ trợ hay về luật bản quyền. Cần nhắc lại, để thật sự phát huy được thế mạnh của những chợ sách online, sẽ tới lúc, các bản sách điện tử cũng cần được phát triển bên cạnh sách giấy truyền thống. Cho dù, tại Việt Nam, hình thức kinh doanh “sách điện tử” này còn khá dè dặt bởi nhiều lý do, trong đó có những e ngại về luật bản quyền.

Nhưng, một cách tự nhiên mỗi trào lưu phát triển trong xã hội đều sẽ được đánh dấu bằng một sự kiện mang tính cột mốc. Và, Hội chợ sách Việt Nam 2020 lần này chính là một cột mốc đáng nhớ của hình thức kinh doanh sách trực tuyến, trước khi có những bước tiến xa hơn.

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm