Góc nhìn 365: Công nghiệp văn hóa luôn cần những biểu tượng

18/08/2022 06:45 GMT+7 | Văn hoá

"Xây dựng một thương hiệu văn hoá là xây dựng một phong cách sống, một biểu tượng về văn hoá sống của người dân. Điều này cần một chiến lược và kế hoạch đồng bộ của các cơ quan quản lý và sự đồng hành của toàn xã hội” - đó là chia sẻ của nhạc sĩ Quốc Trung trong Hội nghị “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045" do UBND TP Hà Nội tổ chức 2 ngày trước.

Hà Nội đặt lộ trình đưa công nghiệp văn hóa tăng dần tỷ lệ đóng góp vào GRDP từ 5 đến 10%

Hà Nội đặt lộ trình đưa công nghiệp văn hóa tăng dần tỷ lệ đóng góp vào GRDP từ 5 đến 10%

Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TƯ ngày 22/02/2022 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, UBND thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết 09.

Cần nhắc lại, Hội nghị này diễn ra trong bối cảnh Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước từng ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa (vào tháng 2 năm nay).

Xa hơn, trong 3 năm qua, vấn đề tập trung phát triển công nghiệp văn hóa cũng luôn được các ngành quản lý và nhiều cơ quan chuyên môn nhắc tới, kể từ khi Hà Nội gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO vào năm 2019.

Với chia sẻ của mình, nhạc sĩ Quốc Trung nhắc tới việc những sự kiện lễ hội văn hóa nghệ thuật đã trở thành biểu tượng của nhiều thành phố trên thế giới. Ở đó, ngoài thưởng thức nghệ thuật, khán giả còn biết tới những nét văn hoá đặc trưng như phong cảnh, ẩm thực, con người. Và như thế, ở hướng ngược lại, những lễ hội này là là biểu đạt cho chỉ số hạnh phúc của người dân, biểu tượng về truyền thống văn hoá và là cách giới thiệu quảng bá tốt nhất cho một thành phố hay rộng hơn là một quốc gia.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội nghị

“Đã có bao nhiêu du khách đến nghỉ bên hồ Geneva qua Montreux jazz Festival, bao nhiêu người đến chiêm ngưỡng đền thờ Acropolis ở Athens thông qua Concert của huyền thoại Vangelis, hay bao nhiêu du khách đến Tử cấm thành sau khi xem show của Yanni?” - nhạc sĩ nói - “Tôi tự đặt cho minh câu hỏi tại sao Hà Nội chúng ta lại không có một lễ hội tương tự, tạo sao rất nhiều người không biết bên trong Hoàng Thành Thăng Long có gì?”

Những chia sẻ ấy tất nhiên không thể tách rời câu chuyện về 5 mùa Lễ hội Gió mùa (Moonsoon Festival) mà Quốc Trung từng tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long. Như lời anh, đó là địa điểm thỏa mãn được yêu cầu “mang cái hồn, cái không khí cũng như vẻ đẹp nhất về không gian, thời tiết, con người” của Hà Nội. Để rồi, một số thống kê được anh đưa ra: Qua 5 mùa, chương trình đã thu hút gần 3000 tình nguyện viên là sinh viên và rất nhiều em sau đó đã tham gia vào các ngành công nghiệp văn hóa. Tương tự, sau 5 mùa thực hiện, không một sự cố nào xảy ra tại chương trình - trong khi những ứng xử văn mình như việc tự giác thu dọn rác sau đêm diễn luôn được triển khai.

“Xây dựng biểu tượng văn hoá chính là xây dưng văn hoá sống. Văn hoá của người dân cũng chính là vẻ đẹp đáng ngợi ca và quảng bá nhất, là di sản phi vật thể giá trị nhất” - anh nói.

***

Thực tế, sau nhiều năm, những băn khoăn từng có của dư luận về việc tổ chức Lễ hội Gió mùa tại Hoàng Thành Thăng Long cũng đã lắng xuống. Nhưng, những nhận xét của nhạc sĩ Quốc Trung lại mở ra một câu hỏi mới: Phải chăng, chúng ta vẫn chưa khai thác đúng tiềm năng của những không gian di sản tại Hà Nội như phố cổ, Văn Miếu, Hoàng Thành Thăng Long... trong sự kết hợp với dòng chảy của văn hóa đương đại?

Bởi ai cũng biết, chính sự có mặt thường xuyên của khán giả và du khách sẽ làm các không gian di sản ấy “sống lại”, để rồi giúp những giá trị văn hóa, lịch sử của nó lan tỏa tới cộng đồng.Và ngược lại, cách làm ấy cũng có sự cộng hưởng để mang lại cho chương trình một màu sắc mới.

Những không gian di sản ấy không nên - và không thể - tự giới hạn du khách ở những người đứng tuổi, yêu chuộng sự trầm mặc tĩnh mịch. Vậy ở hướng ngược lại, cũng là không sai, nếu các di sản được tiếp cận với khán giả trẻ qua những hoạt động nghệ thuật trẻ trung chứ không chỉ giới hạn trong nghệ thuật truyền thống - miễn là có sự chọn lọc kỹ lưỡng về tiêu chí và nội dung, cũng như có những đạo diễn đủ giỏi và tự biết được giới hạn trong sự kết hợp của chương trình....

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm