Góc nhìn 365: Chờ về quê

09/01/2025 07:12 GMT+7 | Văn hoá

Còn ít tuần nữa là Tết. Là sum vầy. Là đoàn viên. Là những chuyến du Xuân đến những miền đất mới. Là những chuyến du Xuân trong tâm tưởng, kết nối hiện tại với quá khứ. Và còn hàng tỷ thứ nữa đáng mong chờ.

Nghĩ vậy thôi đã thấy háo hức. Bởi, với những người con xa quê để theo đuổi chuyện học hành, làm ăn, mưu sinh, không gì đáng chờ mong bằng được về quê vào ngày Tết. Nhất là về với tâm thế vui vẻ, hầu bao rung rỉnh, cùng gia đình đón năm mới bình an.

Nhiều khi tâm lý "chờ về quê" còn vui hơn "được về quê". Bởi lẽ chúng ta đang sống trong những ngày cuối của năm cũ, chuẩn bị bước sang năm mới. Khởi sự làm gì lớn cũng phải tính toán để không bị lỡ mất một nhịp vì kỳ nghỉ dài. Cho nên "chờ Tết" là khoảng thời gian thích hợp để vừa tất bật sửa soạn cho năm mới, và cũng không quên nhìn lại một năm thành bại, được mất vừa rồi.

Góc nhìn 365: Chờ về quê - Ảnh 1.

Hành khách với vali, hành lý đến Bến xe Nước Ngầm. Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN

Nhưng dù thành công hay thất bại, dù là một năm huy hoàng hay có nhiều phiền muộn, mỗi thứ rồi cũng thành quá khứ. Bởi dòng đời không ngắt khúc bởi những mùa Tết mà vẫn không ngừng chảy về phía trước. Và chúng ta không được phép để mình đứng mãi ở phía sau.

Khoảng thời gian "chờ Tết" bao giờ cũng có cái nôn nao nhất định. Đặc biệt với những ai có đến hai quê. Một quê nơi chúng ta sinh ra, lớn lên, để rồi rời đi tìm một quê nơi ta đang sinh sống, làm việc. Có hai ngôi nhà để chăm sóc. Nhiều gia đình để lo toan. Là quét dọn, lau chùi ngôi nhà mình đang ở, sửa soạn trang trí cho có không khí ngày Tết, dù Tết nhất thì mình cũng chẳng ở đó.

Nhưng ta là một phần của ngôi nhà cũng như ngôi nhà là một phần trong ta. Để nó trông bừa bộn, nhạt nhòa như bao ngày bình thường khác trong năm quả thật không đành. Vậy là cũng phải sắm sửa, trang hoàng. Dẫu chỉ là một ngôi nhà/ căn phòng đi thuê chăng nữa. Để khi những ngày Tết trôi qua, lại rời quê để về phố, mở cửa nhà, ta cũng cảm nhận Tết dường như cũng dài ra một chút.

Chờ được về quê là chờ gặp lại người thân, thăm lại họ hàng, bạn bè. Cảm nhận thời gian trôi qua, chúng ta và mọi người xung quanh đều già hơn một chút, trong khi những đứa trẻ đang lớn lên. Dù công nghệ thông tin cho phép chúng ta không cần "đến tận nơi sờ tận tay". Nhưng chỉ có gặp gỡ trực tiếp, chúng ta mới cảm nhận hết những đổi thay của những người thân, người quen, của khung cảnh nơi chốn thân thương.

Chờ được về quê để thấy trong lòng có chút bồi hồi, xao xuyến. Biết chăng cha mẹ ta bằng xương bằng thịt có khác gì khi gặp qua một lớp màn hình không? Biết quê nhà có đổi khác gì không? Những khung cảnh xưa có còn? Hay ngôi nhà, nơi chốn nào đã được sửa sang, thay đổi?

Ôm bao nhiêu câu hỏi, ta chờ đợi ngày được về quê. Tâm trạng đó hẳn mỗi người có những cung bậc khác nhau, nhưng nhìn chung đều có điểm tương đồng. Đặc biệt khi quê hương đó cách trở đò giang, là vài tiếng đi xe, là nửa ngày đi tàu hỏa, hay thậm chí cách ta ngàn dặm đường bay.

An Kha

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm