26/07/2022 06:45 GMT+7 | Văn hoá
Những tấm ảnh về dải cây xanh phủ kín vách đứng hầm chui Trung Hòa (đầu đại lộ Thăng Long, Hà Nội) đang liên tục được chia sẻ trên không gian mạng mấy ngày qua. Kèm theo đó là vô vàn những mỹ từ: “Xốn xang với con đường xanh”; “Bức tường xanh đẹp như trên phim”; “Con đường xanh mướt đẹp như cổ tích” hay “Vì sao bạn phải đến Hà Nội ngay lúc này?”
Quả thực, từ những góc nhìn trên cao, theo chiều di chuyển hay cận cảnh, hầm chui Trung Hòa đều hiện lên như một lá phổi xanh đặc biệt và tươi mát, thay vì cảm giác... ngạt thở bởi những lớp tường bê tông thô kệch phủ kín xung quanh.
Như những gì được chia sẻ, lớp dây leo phủ lên vách bê tông của hầm chui là những cây cúc tần Ấn Độ - loại cây gỗ thân leo mọc thành bụi, phát triển nhanh, tươi tốt quanh năm và bắt đầu xuất hiện tại nhiều tòa nhà từ dăm năm qua.
Thật ra, đây không phải là lần đầu tiên những hàng cây mới trồng tại các trục đường lớn của Hà Nội trở nên hút khách. Vài năm trước, tại nút giao Quốc lộ 5 đi Bắc Ninh (Thanh Trì) và đoạn đầu đường vành đai 2 trên cao (Cầu Giấy) sắc vàng vào cuối Xuân của những cây bàng Đài Loan trồng bên lề đường cũng từng khiến giới trẻ háo hức vì vẻ đẹp được so sánh với... mùa Thu trong phim Hàn Quốc. Để rồi, theo thời gian, những điểm đến đón lượng khách check in ngày càng đông, giống như trào lưu săn ảnh ở những cánh đồng hoa cải một thời...
***
Nhìn lại, chúng ta cũng từng có những hàng cây trồng dọc các quốc lộ quan trọng - đặc biệt là đoạn đi qua khu dân cư. Nhưng, hạn chế về điều kiện kinh tế, cũng như tính chất tự phát và thiếu đồng bộ trong quá khứ, khiến việc “phủ xanh” các trục đường lớn ở vài thập niên trước vẫn có sự manh mún ít nhiều.
Trong khi đó, với sự xuất hiện ngày càng nhiều của các cấu trúc hạ tầng hiện đại như cao tốc, hầm chui hay cao tốc đô thị, câu chuyện về cây trồng ven đường rõ ràng đã bước sang một giai đoạn khác.
Như chia sẻ của các chuyên gia, việc trồng cây xanh tại lề đường cao tốc và các nút giao là cách tiếp cận vốn rất phổ biến trên thế giới với những hiệu quả nhìn thấy rõ: Giảm thiểu tiếng ồn và khói bụi cho người dân bên đường cũng như người tham gia giao thông, tạo cảnh quan và bóng mát, chắn giảm các luồng bức xạ.
Tương tự, ở bối cảnh quỹ đất công cộng của nhiều thành phố vốn eo hẹp và khó tạo thêm cây xanh cảnh quan, giải pháp khả thi được các nước phát triển lựa chọn là tạo các mảng xanh trên mặt đứng, tầng mái hay gầm của các công trình công cộng, từ đó mang lại hiệu ứng tích cực cho cộng đồng.
Còn trong điều kiện của Việt Nam, bước đầu chúng ta cũng đã có hệ thống cây xanh đang được trồng tại một số tuyến cao tốc, cũng như đã có những hệ thống tiểu cảnh, dây leo, bồn hoa tại một số trụ cầu, lan can cầu bộ hành... của một số đô thị.
Nhưng rõ ràng, đó mới chỉ là sự khởi đầu của một quá trình vừa triển khai, vừa học hỏi và rút kinh nghiệm - để ở bước phát triển hơn, những loại cây được trồng không chỉ hợp với các tiêu chí kỹ thuật về giao thông, về thổ nhưỡng, mà còn thật sự tạo ra được bản sắc riêng của từng địa phương, từng cung đường như nhiều chuyên gia chờ đợi.
Cũng như, muốn nhân rộng những bức tường xanh như tại hầm chui Trung Hòa, hay con đường gắn với sắc vàng của bàng Đài Loan ở quốc lộ 5, mọi thứ về lâu dài chắc chắn không thể chỉ trông chờ nguồn kinh phí Nhà nước. Đó phải là câu chuyện về những cơ chế mở, thu hút tư nhân đầu tư để đổi lấy những quyền lợi tương đương về thu phí, kinh doanh tại trạm dừng nghỉ... một cách bền vững và lâu dài.
Trí Uẩn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất