19/11/2024 07:31 GMT+7 | Văn hoá
Tôi nhìn lên tấm lịch tường. Ngày mai, 20/11, sẽ là ngày Nhà giáo Việt Nam. Tôi muốn chia sẻ một trắc nghiệm này: nếu bạn là người vào năm lớp 12 từng bịn rịn chia tay bạn bè ngày bế giảng; nếu bạn từng đến và thấy những buổi họp lớp vắng dần qua từng năm; nếu có ngày bất giác bạn tự hỏi: Cô giáo chủ nhiệm mình năm lớp Một tên là gì? Thì bạn hãy nhẩm lại xem, đã bao lâu rồi bạn chưa hỏi thăm các thầy cô, ý tôi muốn nói là tất cả các thầy cô từng dạy mình, từ lớp Một đến khi hết phổ thông, vào đại học, rồi sau đại học... (tuỳ con đường học hành của mỗi người)?
Trong tấm hình cũ chụp ngày tổng kết năm học, đám học trò hồn nhiên cười tươi rói kết thúc đời cấp sách, đứng giữa là thầy chủ nhiệm trung niên hiền hậu, sắp sửa đón đưa thêm một chuyến đò.
Mười mấy năm nhìn lại, tưởng chừng như cái chớp mắt. Vậy mà học trò ngày đó nay tóc cũng bạc ít nhiều. Bao nhiêu chuyện bể dâu, có đứa lâu rồi không biết thông tin liên lạc. Họp lớp cuối năm, lúc đầu thì đông, sau cứ dần thưa vắng, sau nữa thì không còn ai nhắn tổ chức họp hành gì nữa.
Đến thăm thầy cô cũ cũng vậy, ra trường được 1, 2 năm, cứ 20/11, hay mùng 3 Tết đều ráng về trường hay đến thăm nhà thầy cô. Rồi học hành, rồi công việc, bao nhiêu chuyện tủn mủn quẩn quanh, ngày Tết Nhà giáo cũng cứ vậy trôi qua, mà mình cũng quên dần thầy cô cũ.
Thôi thì cũng đành, nhất là với ai không sống ở quê nhà, gần trường xưa lớp cũ, thì chuyện về thăm trường, thăm thầy đúng ngày đúng dịp lại càng khó hơn.
Và thêm vài năm nữa, con cái bạn lại có những người thầy của riêng chúng. Đời sống của bạn giờ đây xoay quanh đời sống của chúng. Chuyện mái trường xưa, những thầy học cũ, bạn bè thuở thiếu thời ít khi nào ghé thăm tâm trí bạn.
Chỉ có thi thoảng vô tình đọc mấy câu thơ như những gì Yến Lan viết dưới đây, bất giác bao kỷ niệm lại ùa về: Một buổi tan trường gặp trận mưa/ Tôi ngồi nán tạnh giữa ban trưa/ Thầy thấy lại giờ từng trang sách/ Tóc phủ mây hờn như buổi xưa.
Cái dáng điệu trầm tư trước trang giáo án, mái tóc hoa râm lòa xòa trán, và cả tiếng thở dài nữa, phải chăng đều gợi lại bao điều thân thuộc bên trong bạn?
Năm tháng dần qua, mái tóc hoa râm ấy giờ bạn cũng đang nặng mang. Còn thầy cô xưa có người còn người mất. Bạn chợt nhớ lần cuối cùng mình gặp người thầy đó cách nay cũng phải hơn chục năm. Bao lần Tết đến Xuân về, bao lần định bụng hẹn bạn hẹn bè đến chúc Tết thầy nhưng cứ lần khất.
Vậy đó, thời gian nào có đợi ai đâu. Thời gian bạc mái đầu. Bạc cả chút hoài niệm cũ. Trường xưa còn đây, nhưng thầy xưa thì không còn nữa. Bục giảng nhớ một dáng người. Phấn trắng bảng đen luyến thương một tuồng chữ quen thuộc đã lâu không còn viết.
Ngày Nhà giáo Việt Nam, ta thường nhắc chuyện thầy, chuyện trò, chuyện học đường, giáo dục... Nhưng với những ai không còn được ngồi dưới mái nhà trường, không còn được nghe lời dạy của thầy cô, ngày này trong năm như một lời nhắc.
Rằng giữa bộn bề cuộc sống, giữa 365 ngày tất tả đến nhiều khi quên cả bản thân mình, ta vẫn có thể dành thời gian thăm hỏi thầy cô. Giờ đây công nghệ phát triển, một cuộc điện thoại hỏi han, vài tin nhắn ôn lại chuyện cũ… cũng không phải điều gì quá khó khăn.
Trong ngày Nhà giáo Việt Nam, bất kể ai còn có thầy trên đời, có thể dành một lời chúc đến thầy. Hoặc chỉ là nhớ lại hình ảnh người thầy xưa cùng những bài học đã theo mình suốt cả cuộc đời. Và giữ mãi trong hồi ức một hình ảnh đẹp như câu thơ Yến Lan: Mái tóc hoa râm rũ xuống mày/ Trán buồn như núi ẩn sau mây:/ Từng ô chữ ngắn trong pho sách/ Sao khiến thầy buông tiếng thở dài?
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất