Messi kỷ niệm 10 năm khoác áo Argentina: Từ kẻ ngoài cuộc thành người hùng

01/07/2014 18:57 GMT+7 | Vòng 1/8

(Thethaovanhoa.vn) - Gần như ở khắp Argentina, nơi Lionel Messi sống tới năm 13 tuổi, người ta nói tiếng TBN với việc thay “y” bằng “sh”, chẳng hạn đại từ nhân xưng “tôi”, “yo”, sẽ được thay bằng “sho”. Và âm “sh” đó là mối liên hệ hiếm hoi giữa Messi với quê hương anh.

Trong 9 năm qua, Messi đã góp công đưa Barcelona tới mọi danh hiệu có thể. Năm 2012, anh ghi 91 bàn trong 69 trận cho cả CLB và ĐTQG, một con số kinh hoàng. Nhưng với tất cả kỳ tích đó, anh chưa bao giờ thật sự được yêu mến ở Argentina, cho tới kỳ World Cup này.

Từ một kẻ bị ghét bỏ

Những bình phẩm về Messi ở Argentina là điều nhiều người đã nghe: Anh rời quê nhà quá sớm, anh không trưởng thành ở một CLB quê hương và chưa bao giờ chơi cho một đội hạng cao nhất Argentina, như những người hùng khác của bóng đá xứ sở Tango, như Diego Maradona, Gabriel Batistuta hay Carlos Tevez. Anh không hát quốc ca trước các trận đấu, ít cảm xúc, thiếu cá tính và sự dữ dội của một người hùng Argentina điển hình.

“Món quà lớn nhất với Messi trong suốt ngần ấy năm là anh không mất đi giọng Argentina của mình”, nhà báo bóng đá Argentina Martin Mazur nói. “Nếu anh để mất điều đó, họ có lẽ đã giết anh ấy”. Nhưng bên ngoài phi trường quốc tế Buenos Aires, và cả trong thành phố, vẫn tràn ngập các hình ảnh của Messi. Anh ở khắp nơi, nhưng cũng chẳng ở đâu cả. “Chúng tôi luôn thích cách mà Messi chơi bóng”, tài xế Dario Torrisi nói. “Nhưng chúng tôi từng không biết anh ấy là ai”.

Điều đó càng tệ khi nơi Messi ra đời, Rosario, là một trong những vùng đậm bản sắc Argentina nhất. Thành phố cách Buenos Aires 290 km này cũng là sinh quán của Che Guevara và là nơi lần đầu tiên xuất hiện quốc kỳ Argentina hiện đại (theo một cuộc thăm dò ý kiến trên mạng, Rosario còn là nơi mà đàn ông Argentina cho là có nhiều phụ nữ xinh đẹp nhất).

Năm Messi 10 tuổi, bà ngoại anh Celia qua đời. Bà là người đầu tiên hướng cho Leo một sự nghiệp bóng đá nghiêm túc. Anh đã nhiều lần nói lời cảm ơn bà, người không bao giờ được thấy anh thành công ở quy mô thế giới cùng Barcelona. Nhưng ngay cả những người thân khác của Messi cho tới giờ vẫn chưa được thấy anh thành công với ĐT Argentina.

Đã đến lúc quên đi quá khứ

Quá khứ của anh trong màu áo sọc trắng-xanh đầy những nỗi thất vọng, với điểm đáy của biểu đồ phong độ và tình cảm có lẽ là Copa America 2011 trên sân nhà, Messi bị các CĐV Argentina la ó dữ dội khi ĐTQG nước này bị loại ở tứ kết. Nhưng kể từ đó, Messi càng chơi càng hay cho Argentina. Nước đổi dòng ở trận vòng loại World Cup gặp Colombia tháng 11/2011 và từ đó tới nay, các bàn thắng đến đều đặn, bao gồm 4 bàn chỉ sau 3 trận ở World Cup 2014, khiến Messi cũng là cầu thủ có hiệu suất cao nhất giải đấu, hơn 60 phút/bàn. “Anh ấy đã cứu chúng tôi”, CĐV 24 tuổi Paula Arganaras, một nhân viên siêu thị chưa bỏ trận nào của Argentina ở World Cup lần này, nói. “Anh ấy sinh ra dưới một ngôi sao rất đặc biệt”. Và không chỉ có Arganaras thể hiện tình yêu đó ở Argentina vào lúc này. Sinh nhật của Messi, 27 tuổi, thứ Ba vừa rồi giống như một ngày quốc lễ, được đưa tin rất đậm trên nhiều kênh truyền hình. Khuôn mặt anh xuất hiện trên khắp đường phố Buenos Aires. Messi vẫn ở khắp nơi, nhưng lần này, cả trong trái tim những người hâm mộ Argentina nữa.

Tuy nhiên, Messi càng chơi hay, càng nhiều lần cứu rỗi Argentina, thì người ta lại càng so sánh anh với Maradona nhiều hơn, và với nhiều người Argentina, Leo vẫn chưa thể bén gót Diego. Để bắt đầu, anh sẽ phải giúp Albiceleste đăng quang ở Brazil, như Maradona đã làm với một đội bóng khá tầm thường vào năm 1986.

91 Năm 2012, Lionel Messi đã ghi tới 91 bàn trong 69 trận cho cả CLB và ĐTQG, một con số kinh hoàng.

0,47 Tỉ lệ ghi bàn của Messi chỉ là 0,47 bàn/trận cho ĐT Argentina. Tỉ lệ đó ở Barcelona là 0,88 bàn/trận.

13 Số danh hiệu lớn mà Messi giành được với Barcelona. Với Argentina, anh mới có một danh hiệu duy nhất là HCV Olympic 2008.


Trần Trọng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm