Italia- Đức: Sự cân bằng giữa tấn công và phòng ngự

29/06/2012 11:00 GMT+7

(TT&VH Online)- Có những cuộc tranh cãi xưa như trái đất, giữa thắng lợi và tính hấp dẫn, giữa bóng đá cống hiến và tư duy thực dụng, giữa bóng đá tấn công và lối chơi phòng ngự. Trong khi không thể chê trách được gì màn trình diễn của các cầu thủ Italia, Đức đã đánh mất đi sự cân bằng trong một cặp phạm trù đó.

Đó là một cuộc gặp gỡ kinh điển của hai nền bóng đá lớn vào loại nhất, nhì thế giới. Truyền thống lịch sử phân định Đức là một đội bóng dựa trên sức mạnh, lối chơi mạnh mẽ và tổ chức chặt chẽ, hiếm khi sử dụng các đường truyền về và ở một góc độ nào đó, là hơi khô khan. Italia được biết đến bởi những hàng phòng ngự xuất sắc,  quả cảm, cách chơi khôn ngoan và có tính toán.



Italia đã khai thác được điểm yếu trong hàng phòng ngự của ĐT Đức- Ảnh Getty

Nhưng truyền thống cũng có thể thay đổi. Khi nước Đức đăng cai giải World Cup 2006, họ đã đón chào thế giới bằng một khuôn mặt cởi mở và thân thiện về mặt tổ chức. Tinh thần này còn nằm ngay trong đội tuyển quốc gia Đức năm đó. Một đội Đức do HLV Juergen Klinsmann dẫn dắt, khai triển một lối đá tốc độ cao, chú trọng tấn công và pressing đối thủ. Đội tuyển ấy đã chiếm được cảm tình của rất nhiều khán giả trung lập. Và chỉ có danh hiệu là lý do duy nhất khiến cho đội Đức dưới triều đại Klinsmann không trở thành hoàn hảo.

HLV Joachim Loew đã tiếp nối con đường ấy, duy trì lối chơi để đi tìm kiếm danh hiệu. Rất hiếm khi người ta gặp hình ảnh một đội Đức trễ nải ở trên sân, hoặc câu giờ theo kiểu nhùng nhằng như thế hệ đàn anh thường làm. Thay vào đó, là lứa cầu thủ luôn hướng về phía trước, nhấn mạnh tốc độ và các pha xử lý nhanh. Họ cũng đã hai lần đến gần thắng lợi sau cùng và thất bại. Trận bán kết ngày 29/06 là lần thứ ba đội Đức của Joachim Loew phải dừng bước trước những ngưỡng cửa cuối cùng.

Rất nhiều cổ động viên đã tỏ ra thất vọng. Họ cho rằng Italia cáo già đã khôn ngoan khi chọn lối chơi phòng ngự và cầm bóng chắc. Thực ra, đó có thể là một nhận định không khách quan. Đội bóng thiên thanh đã không đá phòng ngự tiêu cực, cũng không dùng các trò tiểu xảo nhằm phá hủy lối chơi của đối phương. Vấn đề ở đây là đội tuyển Đức đã dâng lên nhanh và quá cao trong hiệp một của trận đấu. Họ đã giữ lối chơi tấn công như đúng phương châm của “thế hệ Loew”. Phần thưởng cho thành công sẽ rất lớn, vì Đức sẽ chủ động hơn trong phần còn lại của trận đấu. Nhưng điều ngược lại đã xảy ra. Italia, ngoài việc biết khai thác hai vị trí yếu trong hàng phòng ngự của Đức, là vị trí hậu vệ phải của Jerome Boateng và của trung vệ Badstuber, đã nhận được cơ hội lớn là khoảng trống khi Đức dâng đội hình lên tấn công trước. Và các mũi nhọn của Azzurri đã đủ sắc bén để kết liễu Đức ngay khi hiệp 1 kết thúc.

Dẫu sao vẫn ủng hộ đoàn quân của ông Loew, vì những gì ông mang lại cho bóng đá Đức trong suốt những năm qua. Một lối chơi tấn công như vậy, sẽ luôn dành được cảm tình của người hâm mộ trung lập, nhất là trong một môi trường nặng tính thực dụng và nhiều toan tinh như hiện nay. Chỉ tiếc là Loew đã không “hạ volume tấn công” xuống một chút trước đối thủ sắc sảo như Italia. Không biết ông có còn cơ hội cho lần sau?

Hiền Long

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của độc giả. Bạn đọc có thể phản hồi ngay trong mục comment dưới đây, hoặc gửi ý kiến, bài vở về địa chỉ hòm thư điện tử [email protected].

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm