14/06/2013 07:33 GMT+7 | Tennis
(Thethaovanhoa.vn) - “Vua sân đất nện” Rafael Nadal đã dành cho cầu thủ bóng rổ đồng hương nổi tiếng, Pau Gasol, hiện đang khoác áo cho CLB Angeles Laker, một cuộc trả lời phỏng vấn thú vị sau khi anh trở thành tay vợt đầu tiên trên thế giới lần thứ 8 đăng quang tại Grand Slam Roland Garros.
Nadal & Grand Slam thứ 12 trong sự nghiệp, Roland Garros 2013
- Anh cảm thấy như thế nào khi một đối thủ buộc anh phải chơi tới cùng cực giới hạn, như Novak Djokovic ở trận bán kết ?
- Điều duy nhất tôi cảm thấy lúc đó là phải chịu đựng thêm một chút. Đó là cảm giác duy nhất. Kháng cự thêm đi, vì không biết đối thủ sẽ chịu đựng thêm được bao lâu nữa. Tôi rất mệt nhưng có thể bên kia cũng thế. Cần phải cố thêm để xem đối thủ kết thúc thế nào. Sự nỗ lực ngoài giới hạn luôn xứng đáng, dù thắng hoặc thua. Sự hài lòng khi về phòng thay đồ thật dễ chịu.
- Anh không chịu thua...
- Không phải là không chịu thua, mà là không chịu tung khăn trắng. Tôi không chấp nhận việc đầu hàng. Điều làm tôi hạnh phúc là đã làm tất cả những gì có thể, còn sau đó, có thua cũng không sao.
Tôi được như hôm nay nhờ tennis
- Trước đây, để có thể cạnh tranh, anh cần tập luyện và thi đấu rất nhiều. Có vẻ giờ đây anh không cần như vậy mà vẫn chinh phục được Roland Garros. Phải chăng các phẩm chất kỹ thuật của anh đã là yếu tố chính, chứ không phải thể lực và tinh thần ?
- Đó là một sự tiến triển logic trong sự nghiệp. Càng nhiều tuổi hơn thì mọi thứ cũng có tính tự động hóa cao hơn, lối chơi cũng hoàn thiện hơn và sự chuẩn bị không còn nhiều như trước. Thực lòng mà nói, sức mạnh tinh thần và thể lực cũng là những giá trị tuyệt vời và đáng được ngợi ca. Ngoài tinh thần quyết chiến và quyết thắng, khát vọng vươn lên không ngừng cũng rất quan trọng. Nhưng tất cả những điều đó không thể giúp tôi có được những thành tích như ngày hôm nay nếu thiếu những quả bạt thuận tay, những quả trái sang hai mang hoặc sự kiểm soát với trái bóng. Đôi khi những phẩm chất kỹ thuật đó lại ít được đánh giá cao bằng những yếu tố khác.
- Vậy yếu tố chính là...
- Sức mạnh tinh thần và thể lực có thể giúp ta trong một thời điểm nào đó của trận đấu, nhưng ta luôn chiến thắng bằng thứ tennis của mình chứ không phải bằng tinh thần. Để vượt qua Djokovic ở bán kết, cần phải đi đến những giới hạn cùng cực về tinh thần và để cái giới hạn cùng cực đó có kết quả thì kỹ thuật cũng phải tốt đến cùng cực. Đó là một sự phối hợp cần thiết. Tennis đưa tôi đến nơi tôi đang đứng và sức mạnh tinh thần, cùng với kỹ thuật, giúp tôi giành được những điều ngoài tưởng tượng.
- Người ta không đánh giá cao kỹ thuật của anh vì anh không có quả trái một tay như Federer?
- Có thể người ta luôn đề cao sức mạnh tinh thần nhiều hơn vì tôi chơi nhiều trận đấu dài, hơn 5 giờ, trong đó tôi lội ngược dòng và nghẹt thở đến phút cuối cùng. Những trận như vậy thường được nhắc tới nhiều hơn. Tất nhiên là như vậy. Phong cách quyết chiến và cống hiến của tôi thường được thể hiện trong những trận như vậy. Lối chơi của Federer thì khác. Anh ấy luôn muốn dứt điểm nhanh, bằng ba quả tấn công. Về kỹ thuật mà nói, rõ ràng Federer hơn tôi nhưng cũng rõ ràng tôi hơn phần lớn những tay vợt khác trên lĩnh vực này. Nếu không tôi đã không thể có được vị trí ngày hôm nay.
Wimbledon nhiều bất ngờ và trắc trở nhất
- Sắp tới là Wimbledon (từ 24/6), nơi anh bị chấn thương năm 2012.
- Năm ngoái tôi tới Wimbledon với sự chuẩn bị không tốt, bị chấn thương nhưng vẫn cố tiêm giảm đau để thi đấu. Tôi đã cố gắng hết sức vì ý nghĩa của giải đấu này với tôi. Không phải những gì xảy ra sau đó đều là tiêu cực. Còn năm nay, riêng việc có mặt ở Wimbledon đã là một tin tốt lành. Đây là một giải đấu tuyệt vời. Dù không có sự chuẩn bị tốt nhất ( không tham dự giải Halle, tiền Wimbledon), riêng việc góp mặt đã làm tôi háo hức.
- Nghĩa là anh thoải mái cái đầu
- Tôi thích cái cảm giác đặt chân trên nền cỏ. Nó là một cảm giác khác. Với tôi, dù kết quả thế nào, được chơi đã là tốt. Tôi không có sự chuẩn bị tốt nhất so với các lần khác ư ? Tựu chung lại thì vẫn thế: đó luôn là tham dự với sức khỏe và tâm lý tốt nhất. Sau đó, nếu tôi có may mắn vượt qua vài vòng đầu, thì có thể việc không tham dự giải Halle lại trở thành một điểm tích cực, vì tôi có sự tươi mát về tinh thần. Ở đó, trận đấu nào cũng rất khó khăn. Đây là giải đấu gây nhiều trắc trở nhất trong năm. Niềm tin giành được tại đây (Roland Garros) tiếp thêm sức mạnh cho tôi ở Wimbledon.
Thể thao là phải có mục tiêu cụ thể
- “Anh từng nói thể thao mà không đặt mục tiêu cụ thể thì thật nực cười”...
- Đó là điều tôi luôn nghĩ và sống cùng nó. Chơi tennis mà không có mục tiêu... thôi thì cũng được, nhưng giá trị rất ít. Các môn thể thao nói chung sẽ rất ít giá trị nếu người ta không đưa nói tới tận cùng. Điều cao nhất phải là chơi với một mục tiêu rõ ràng, với khát vọng và niềm tin. Cả đời mình tôi đã nghĩ như vậy. Khi tôi đi chơi golf, tôi cũng cố đánh một cách tốt nhất. Nhiều người rất hay nhầm lẫn. Họ nói “điều vui sướng nhất là chiến thắng”. Tất nhiên, tôi cũng thích chiến thắng, nhưng điều làm tôi hạnh phúc nhất là biết mình đã chơi một cách tốt nhất có thể. Nếu không như vậy, dù chiến thắng tôi cũng kém phấn khởi.
- Anh cảm thấy như thế nào khi được các tay vợt khác coi như một thần tượng?
- Tôi không nghĩ mình là một thần tượng. Tôi cảm thấy mình gần gũi với các đồng nghiệp, nhất là những người nói tiếng Tây Ban Nha , vì mối quan hệ dễ dàng hơn. Tôi cũng không nghĩ các tay vợt khác coi tôi là thần tượng. Tôi không biết. Tôi chỉ thấy mình gần gũi với họ và nghĩ rằng các đồng nghiệp cũng thấy tôi dễ gần.
- Trong thời gian nghỉ thi đấu, lời khuyên tốt nhất mà anh nhận được là gì ?
- Khi tôi nghỉ thi đấu, tôi may mắn có gia đình bên cạnh và điều đó rất quan trọng. Cả ê-kíp làm việc của tôi nữa. Họ giúp tôi tiếp tục làm việc với niềm tin và khát vọng để không đánh mất phong độ. Tôi có những người bạn và những người bảo trợ tiếp tục tin tưởng vào tôi. Đó là nguồn động lực giúp tôi tin tưởng thêm vào khả năng chiến thắng.
- Anh đã yêu cầu công bố toàn bộ các cuộc kiểm tra doping với từng tay vợt. Anh có cảm thấy khó chịu trong thời gian nghỉ thi đấu có người bóng gió rằng anh đã bị “mất tích” ?
- Tôi nghĩ nên công khai các kết quả kiểm tra. Như vậy sẽ không tạo ra sự nghi ngờ, tránh được tình huống ai đó nói “tôi ít bị kiểm tra” người đó được coi là tốt, còn “ai đó bị kiểm tra nhiều”, người đó bị nghi ngờ. Điều logic là công khai tất cả. Như vậy sẽ chẳng có câu hỏi nào cho đề tài này nữa. Còn mất tích ư ? Tôi chẳng bao giờ mất tích cả. Những ai yêu mến tôi đều biết gặp tôi ở đâu. Đó là nhà của tôi và nơi tôi tập luyện hàng ngày.
- Câu hỏi cuối: Nadal năm 2008 có hay hơn Nadal năm 2013?
- Nói riêng về tennis thì có thể. Năm 2008 tôi có những cái mà năm 2013 không có và ngược lại. Nếu nói riêng về Roland Garros thì 2013 là năm tôi chơi hay nhất trong sự nghiệp của mình.
Khang Chi (lược dịch từ El Pais)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất