27/06/2014 14:16 GMT+7 | Hậu trường World Cup
(Thethaovanhoa.vn) - Người Nigeria yêu bóng đá, đặc biệt là nếu nó được "pha chế" với hương vị nước ngoài. Fan Nigeria theo dõi chặt các trận đấu ở châu Âu và phát sốt vì World Cup.
Mối quan tâm của họ đã thu hút nhiều sự chú ý, tới từ các công ty tiếp thị, từ giới chức chính quyền và cả... các nhóm khủng bố. Có một thực tế là fan Nigeria hiện phải xem World Cup với nửa tâm trí hướng vào trận đấu, nửa còn lại băn khoăn không biết có phải đó sẽ là trận đấu bóng cuối cùng họ được thưởng thức trong đời hay không.
Xem bóng và băn khoăn về cái chết
Trong vòng 2 tháng qua, vài trung tâm truyền hình các trận đấu World Cup ở Đông Bắc đất nước đã bị khủng bố Boko Haram tấn công. Nhóm này coi việc xem bóng đá là hành động tội lỗi và không ngại "tặng" cái chết cho những kẻ vi phạm.
Đã xuất hiện hàng loạt vụ khủng bố với dấu tay của Boko Haram. Cụ thể trong ngày 12/6, một kẻ đánh bom tự sát đã tấn công một địa điểm đông người tụ tập xem trận đấu Brazil - Mexico ở Damaturu, thủ phủ bang Yobe. Ít nhất 21 người đã chết trong vụ đó và 27 người khác bị thương nặng.
Đầu tháng Sáu này, ít nhất 40 người đã chết khi một quả bom khác phát nổ tại một điểm phát hình World Cup ở thị trấn Mubi, Adamawa. Trong tháng 5, một vụ nổ khác lại xảy ra bên ngoài một điểm phát hình khác ở Jos, thủ phủ bang Plateau, nơi chiếu trận chung kết giải Champions League giữa 2 đội Real Madrid và Atletico Madrid, làm 3 người chết.
Ismail Ibrahim, một nhà nghiên cứu ở Đại học Lagos, đánh giá các vụ tấn công kể trên chỉ là cách thức để Boko Haram gây chú ý, giúp phát tán sự sợ hãi. "Việc tấn công các điểm phát hình như thế là để đánh bóng tên tuổi tối đa, bởi sự chú ý của toàn cầu giờ đang hướng về World Cup” - Ibrahim nói.
Không dễ giết một tình yêu
Tính dễ tổn thương của các điểm phát hình khiến giới chức quản lý phải đóng bớt một số điểm, đặc biệt là tại khu vực Đông Bắc Nigeria, nơi khủng bố hoạt động mạnh. Theo phát ngôn viên cảnh sát Nigeria Frank Mba sẽ tốt hơn nếu fan xem bóng ở nhà, thay vì ra chỗ đông người và gặp nguy hiểm.
Vấn đề là những điểm phát hình lại là nơi giúp nảy mầm tình yêu với các giải bóng đá nước ngoài của Nigeria. Trong một đất nước có nguồn cung điện không phát triển tương xứng như Nigeria, rất nhiều người Nigeria, đôi khi là cả gia đình tìm tới các điểm phát hình như thế vào buổi tối để giải khuây.
Ngay cả tại các cộng đồng chưa có điện, vẫn có những điểm phát hình chạy bằng máy nổ cỡ nhỏ. Đại đa số các điểm này đều rất chật chội, nóng nực, thiết bị tồi tàn. Nhưng không khí thì lại vô cùng sôi động.
Một fan bóng đá tên Tijjani Dauda nói rằng anh thích xem bóng ở các điểm phát hình hơn ở nhà. "Bóng đá là môn thể thao của đám đông. Đây không phải là môn thể thao của gia đình để vợ chồng con cái xem riêng với nhau... Khán giả là những người tô điểm thêm sắc màu cho các trận đấu và các bình luận của họ mang tới sự thích thú cao độ ".
Có lẽ lý do này, xuất phát từ tình yêu sâu đậm của người Nigeria với bóng đá, đã khiến chiến dịch khủng bố của Boko Haram không thể ngăn bước fan túc cầu giáo nơi đây, thể hiện qua tuyên bố đầy sự can đảm của những người như Ibrahim: “Các vụ tấn công chẳng ảnh hưởng gì tới việc theo dõi World Cup ở đây".
Tường Linh (theo Qz.com)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất