12/05/2023 08:17 GMT+7 | SEA Games 32
"Doping và tình trạng mua bán, chuyển nhượng" vận động viên giữa các quốc gia sẽ trở thành vấn đề lớn của thể thao thế giới trong thế kỷ 21", Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) Juan Antonio Samaranch đã từng đưa ra nhận định như vậy trong một cuộc họp đại hội đồng với sự góp mặt của đầy đủ các thành viên từ những năm 2000. Và đúng như nhận định của ông Samaranch, doping giờ đây trở thành vấn nạn của thể thao thế giới, đe dọa tới sự phát triển chung của thể thao trên toàn cầu.
1. Doping hiểu theo một cách đơn giản nhất, đó là sử dụng những chất bị cấm và phương pháp bị cấm để tạo ra thành tích trong thi đấu thể thao. Việc tạo ra thành tích cao không xuất từ tài năng, sức lực và sự ngay thẳng trong thi đấu đi ngược lại với tinh thần cao thượng, trung thực mà IOC cũng như nền thể thao của thế giới vẫn theo đuổi. Việc sử dụng doping tạo nên thành tích giả tạo, lẫn lộn trắng đen về thành tích và cản trở sự phát triển, vậy nên IOC luôn kêu gọi và cũng là tổ chức đầu tiên đưa ra các biện pháp để phòng, chống doping.
Công ước Copenhagen về phòng chống doping đã được các quốc gia thành viên của IOC cùng ký kết vào năm 2003 và Việt Nam cũng tham gia Công ước này, tuyên bố Việt Nam gia nhập Cơ quan phòng chống Dopping thế giới (WADA), đồng thời cam kết phối hợp toàn diện với WADA trong việc phát triển thể thao không Doping. Nhưng từ đó đến nay, tình trạng sử dụng doping trong thi đấu thể thao trên bình diện thế giới ngày một tinh vi hơn và đã thực sự trở thành vấn nạn.
Danh sách các chất cấm trong danh mục của WADA ngày một nối dài hơn trong bối cảnh xuất hiện thêm nhiều loại thuốc, thực phẩm chức năng có chứa các loại chất giúp tăng thể lực, sức mạnh, sức bền mà không phải do quá trình tập luyện của VĐV hình thành. Trong nhiều năm gần đây, những vụ sử dụng doping quy mô lớn kể cả ở những cường quốc thể thao bị phát hiện là minh chứng cho việc, luôn xuất hiện tình trạng tìm mọi cách để chống lại nỗ lực phòng chống doping trong thể thao.
2. Với thể thao Việt Nam, việc triển khai công việc cụ thể về phòng chống Doping ngay sau thời điểm ký kết Công ước Copenhagen còn khá chậm và chỉ thực sự được đẩy mạnh trong khoảng 10 năm gần đây, khi yêu cầu phòng chống Doping ngày một đòi hỏi cao hơn. Có nhiều yếu tố tạo nên sự chậm trễ nhưng cơ bản nhất vẫn là thành tích thi đấu trên các đấu trường lớn còn hạn chế.
5 VĐV điền kinh bị kết luận sử dụng Doping ở SEA Games 31 thực sự là điều đáng buồn và đáng tiếc. Nhưng nó cũng chỉ ra những hạn chế trong công tác phòng chống Doping của Thể thao Việt Nam mà lẽ ra chúng ta cần phải quan tâm nhiều hơn từ trước. Việc chuẩn bị cho các vận động viên đi thi đấu quốc tế ngoài yếu tố chuyên môn, thì kiểm tra doping cũng cần được thực hiện thường xuyên liên tục.
Trước SEA Games 31, tôi là người đề xuất ý kiến lãnh đạo Đoàn Thể thao Việt Nam cần kiểm tra doping cho lực lượng vận động viên dự kiến được triệu tập vào đội tuyển quốc gia thể hình và 7 vận động viên trong số 20 người nằm trong kế hoạch triệu tập có kết quả dương tính. Họ tập luyện tại địa phương, thiếu kiến thức về doping nên mọi thứ đều có thể xảy ra.
Vậy nên, Thể thao Việt Nam cần phòng chống doping với quyết tâm và sự kiên quyết trước hết, từ các cơ quan quản lý. Kế đó, các biện pháp phòng chống phải được thực hiện đồng bộ, thường xuyên liên tục. Các nhà quản lý thể thao, các Trung tâm HLTT của trung ương, địa phương, các HLV, VĐV cần được phổ biến kiến thức, hiểu biết và nắm rõ danh sách chất cấm và tác hại của doping để từ đó chủ động phòng tránh. Cuối cùng, cần dành riêng 1 khoản kinh phí để thực hiện công tác kiểm tra, xét nghiệm, dù tốn kém nhưng cần tính toán. Bởi chỉ có làm như vậy, mới thực sự phòng chống được doping.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất