Góc Anh Ngọc: Người bán nước dạo trong khu chợ Việt

20/06/2012 14:27 GMT+7 | Ăn, ngủ cùng Euro

(TT&VH) - Người ta bảo rằng, chỉ cần nhìn vào mắt của người đối thoại khi người ấy cười, là hiểu được người ấy thực sự vui hay không. Tôi tin niềm vui ấy là thật khi nhìn sâu vào anh Nguyễn Văn Long, một trong số hơn 150 người bán nước và cà phê lưu động ở chợ Barabasova của Kharkov, khu chợ lớn nhất Ukraina và Đông Âu mà người Việt Nam làm chủ.

Chiếc xe đẩy không lớn, nhưng trên đó gần như là cả một thế giới những thứ đồ uống và ăn nhẹ để phục vụ các tiểu thương người Việt (và cả Ukraina) bán hàng trong khu chợ ấy: mấy cái bánh ngọt, cà phê, kẹo, nước chè, sữa, nước ngọt. Phích nước của anh phải luôn nóng để đảm bảo sẵn sàng pha ngay cà phê hay chè khi có khách yêu cầu, bánh ngọt phải vẫn còn "tươi" để ai đấy có thể ăn ngay, sữa cũng luôn phải trong tư thế sẵn sàng để ai đó gọi.


Anh Long với quầy giải khát lưu động

Cái quầy hàng nhỏ lưu động ấy đã luôn theo anh trong nhiều năm qua. Anh bảo, anh đã làm nghề bán nước dạo ở chợ này 15 năm nay, và những ngày đầu tiên "lập nghiệp" ở đây, anh chưa có xe đẩy "hoành tráng" như bây giờ, chỉ có một chiếc túi dứa xách đồ. 15 năm với mỗi ngày đi khoảng 30 km, anh bảo đủ để đi vòng quanh Trái đất mấy lần. Kiếm sống chưa bao giờ là việc dễ dàng, với bất cứ ai, ở bất cứ đâu.

Anh Long và những người cùng làm nghề như anh không bao giờ hết khách hàng. Hơn 2 ngàn đồng bào mình ở Kharkov là tiểu thương bán quần bò, áo phông, áo da, thắt lưng và kính mắt trong chợ Barabasova và chính họ nuôi sống những người bán nước chè và cà phê dạo như anh Long. Họ giúp nhau, nuôi nhau và che chở lẫn nhau trong cuộc sống hàng ngày.

"Đồng nghiệp" với anh còn có vài chục người bán hoa quả, rau dưa dạo cũng trên những chiếc xe đẩy quanh khu chợ phục vụ đồng bào. Barabasova cũng có một chợ nhỏ bán thịt thà và rau quả, và quy mô vừa phải của nó đủ để khiến cho những ai đã sang đây nghĩ rằng, trong không gian này là một khu chợ Việt Nam, của người Việt Nam. Ngoài kia mới là Kharkov, là Ukraina.

Một tiểu thương bảo, những người như anh Long và những người bán rau quả dạo phải chọn cách ấy để sống, bởi họ không đủ vốn để kinh doanh quần áo hay vải vóc như những tiểu thương khác. Không ít trong số những người ấy chính lại là những tiểu thương gặp khó khăn trong cuộc sống và để trụ lại ở đất này mà không về hẳn lại Việt Nam, họ kiếm sống theo cách ấy. Với khoản lãi mỗi tháng cũng được dăm ba nghìn USD, họ đủ tiền để sống vừa phải, nhưng cũng có không ít người gửi được tiền về quê.

Chúng tôi đến Barabasova trong những ngày tháng Sáu. Chính chuyến công tác EURO đã cung cấp một cái nhìn gần gụi hơn nữa về cuộc sống của nhiều người trên mảnh đất rất xa Việt Nam này. Có những người thành công, thậm chí đầu tư về nước. Có những người thất bại. Có người không trụ lại được phải trở về. Cũng có những người kiếm sống vất vả với một số vốn ít ỏi như anh Long.

Anh bảo, anh và những người như anh cũng có EURO của riêng mình, vẫn xem các trận đấu và có những ước mơ bóng đá riêng. Anh hẹn tôi uống với anh một cốc cà phê do anh tự pha một ngày nào đó tôi trở lại Kharkov. Lần ấy, hy vọng cái cớ cho cuộc gặp gỡ không phải là bóng đá. Như những tháng ngày này.

Xem chi tiết phóng sự ảnh về anh Long tại đây

Bài và ảnh: Anh Ngọc (từ Donetsk)




Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm