Biến tấu World Cup: Brazil nhìn từ một mascott

04/07/2014 19:22 GMT+7 | Bảng A

(Thethaovanhoa.vn) - World Cup đã để lại những hình ảnh nào trong tuổi thơ của bạn? Sẽ có không ít người (đặc biệt là những ai sinh ra trong thập niên 70s) trả lời rằng họ luôn nhớ đến những mascott (linh vật) của sự kiện đã trải qua, song hành với hình ảnh những pha bóng đẹp mắt và đầy cảm xúc.

1. Đã có thời, những đứa bé của ngày bao cấp khéo léo cắt hình chú lùn Pique trên góc tờ tin nhanh và dán vào cuốn sổ tay World Cup của mình. Trong cuốn sổ mở đầu bằng linh vật của World Cup 1986 ấy là những hình ảnh của Platini, Maradona, Zico, Falcao, Socrates… Linh vật dường như là một đường dẫn sinh động nhất để tuổi thơ ập vào bóng đá, như một người ập vào mối tình đầu, và giữ vẹn nguyên niềm mê say từ ấy.

Và điều rất lạ là ở World Cup 2014 này, mascott Fuleco có vẻ nhạt nhòa hơn rất nhiều so với logo của sự kiện, chiếc logo hiện thị rõ khao khát nắm lấy chiếc cúp vàng của chủ nhà Brazil.

Ba bàn tay, quyện trong hai tông màu chủ đạo là vàng-xanh, quấn lấy nhau, tạo hình thành chiếc cúp vàng huyền thoại mà bất kỳ ĐTQG nào cũng thèm muốn. Ba bàn tay, đứng cạnh một slogan của World Cup 2014 là “Juntos num só Ritmo” (Tất cả hòa một nhịp) như thể một thông điệp rõ ràng của nước chủ nhà, một thông điệp đầy tham vọng rằng “người Brazil sẽ chung nhịp để đoạt lấy cúp vàng”.

Tại sao lại là 3 bàn tay mà không phải là 2, là 4 hay 11? Phải chăng đó chỉ là vấn đề của bố cục hình họa?

2. Có ai còn nhớ trận mở màn của Brazil, cũng là trận khai mạc World Cup 2014, có hình ảnh ba đứa trẻ ôm 3 chú bồ câu trắng đứng giữa sân vận động Arena de Sao Paolo hay không? Tại sao lại là 3 đứa bé mà không phải là 1, 2, 4 hay 11? Phải chăng đó chỉ là vấn đề của đội hình sân khấu?

3 đứa trẻ, hay là 3 bàn tay, là biểu thị của 3 chủng dân trong đất nước Brazil, gồm người da đỏ thổ dân bản địa, người latin và người da trắng. Và ba đứa trẻ ở trận mở màn đã phục trang đúng như 3 chủng dân ấy.

Dường như, người Brazil đã quên người da màu và người gốc Phi, những người đồng chủng với Pele ngày xưa và Marcelo; Willian; Ramires… hôm nay?

Và phải chăng, vì tham vọng cúp vàng quá lớn, hình ảnh logo của World Cup đã được truyền bá rộng rãi hơn, mạnh mẽ hơn hình ảnh linh vật của sự kiện một cách vô cùng vượt trội?

Linh vật là thứ dành cho tuổi thơ nhiều hơn và sân bóng hôm nay vẫn luôn dành riêng một “sân khấu” cho tuổi thơ, dù đó là trận đấu ở cấp độ nào, giải đấu nào. Một World Cup bỏ quên tuổi thơ, một World Cup nhạt nhòa có phải là một World Cup thành công toàn vẹn không khi chính tuổi thơ hôm nay sẽ là những người kể lại về quá khứ hào hùng của nhà vô địch trong những câu chuyện hồi tưởng ở ngày tương lai?

3. Xem ra, Brazil đang làm mọi cách để đoạt lấy cơ hội mà họ đang có, kể cả là những cách khiến họ trở nên thiếu sót nhất. Điều đó đậm nét hơn trong phát ngôn khá “lạnh gáy” của Scolari gần đây là “Chúng tôi đã hiền quá rồi, đã nhường đối thủ quá rồi, đã để họ đá rát quá rồi. Bây giờ là lúc chúng tôi sẽ chơi máu lửa’. Bóng đá Brazil nổi danh không phải bằng lối chơi chặt chém mà bằng sự mẫn cảm, kể cả là khi họ đi theo hướng thực dụng nhất như năm 2002. Đó mới là Brazil đích thực, nhà vô địch vĩ đại đích thực.

Trở lại với linh vật của World Cup 2014. Nó là Fuleco, một con armadillo (thú có mai) vốn khá phổ biến ở Nam Mỹ. Tiếng TBN, armadillo là “kẻ tí hon mặc áo giáp”.

Vậy mà Brazil, một đội bóng vĩ đại và khổng lồ, lại bước ra sân với tấm áo giáp sắt ư???

Nhạc sĩ Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm