Góc Anh Ngọc: Đi tìm những người "vắng mặt" ở EURO

14/06/2012 14:07 GMT+7 | Ăn, ngủ cùng Euro

(TT&VH) - EURO 2012 đến, và yếu tố hình ảnh trở nên cực kì quan trọng với Ukraina: những đứa trẻ đường phố cùng với người vô gia cư biến mất, chó hoang bị thu gom hoặc tiêu diệt trong một chiến dịch làm cho các thành phố trở nên đẹp mắt hơn.

Phóng sự đặc biệt này được thực hiện sau thông tin được cung cấp từ một đồng nghiệp người Italia.




Cánh cổng dẫn vào khu trại bị bỏ hoang, nhưng có thể là nơi chứa những
người vô gia cư được chuyển về đây vì EURO 2012

* Điều bí hiểm ở mỏ Makeevka   

Con đường đến khu mỏ ở Makeevka, thành phố vệ tinh của Donetsk, gập ghềnh, lởm chởm với những cú xóc kinh người, trong một đám bụi trắng mờ bay lên dày đặc từ những chiếc xe tải chở đầy xà bần đi phía trước. Tiếng nhạc disco được mix lại xập xình trong loa của chiếc Rexton đưa chúng tôi đến đó bỗng dưng có vẻ hợp với những cú lắc và những con đường ngoằn ngoèo chạy trong một khu đất dường như không có điểm tận cùng.

Núi đất cao ngất và những chiếc xe goòng gợi nhớ rằng đây đã từng là một trong những khu mỏ của Donetsk. Một dãy xe Volga và Lada các kiểu những năm 1980 dựng phía ngoài của dãy nhà kho dường như mách bảo, rằng thế giới của những năm gắn bó với quá khứ vẫn còn tồn tại một cách sinh động.

Những người phụ nữ già và một số người khác trong bộ đồ công nhân đang đứng chờ xe bus cũ rích mà lát nữa sẽ chạy qua đón họ lại cho thấy rằng nơi trước kia là một khu công nghiệp khai khoáng lớn này vẫn còn thoi thóp hoạt động. Bao trùm lên tất cả là một cảm giác rất mơ hồ về thời gian: Chẳng nhẽ thời hiện đại, với một tư duy sống khác và một chế độ chính trị khác, đã bỏ rơi nơi này, lãng quên cả những ai đang sống ở đây? Nhưng chúng tôi không quên họ.



Khuôn viên vắng lặng của khu trại bỏ hoang


Sau một hồi tìm kiếm, xe dừng trước một cánh cổng đóng kín mà những dấu hiệu bên ngoài cho thấy dường như nó vẫn được mở cách đây chưa lâu. Bên trong im ắng, như đã bị bỏ hoang từ lâu, nhưng vẫn có cảm giác lao xao tiếng người trong gió. Căn phòng bảo vệ mà cửa kính vỡ nát phải chèn bìa các tông ấy trông chẳng khác những căn nhà khác bên cạnh, được bảo vệ bởi một lớp tường cao, tạo cảm giác nơi đây bị bỏ hoang.

Nhưng điều lạ là trong căn phòng mà tôi phải đu người vào để ngó ấy vẫn có một bếp ga bẩn thỉu, một cái niêu nhỏ để nấu ăn và dăm ba lọ mứt trông cứ như mới được mở ngày hôm qua.

Và rồi có tiếng chó sủa, tiếng mở cửa và một người đàn ông bước ra đầy vẻ khó chịu và xua đuổi. Ông già bảo vệ cái khu để hoang ấy từ chối cung cấp mọi thông tin và rồi bực tức đi vào. Cánh cửa đóng sập lại. Cuộc điều tra kết thúc, nhưng không ít người khẳng định những nghi vấn của chúng tôi...


Một người vô gia cư chưa bị "hốt" trên đường phố Kiev.

Tôi không đến Makeevka trong bụi mù đất này để xem EURO hay để gây sự với ông già nọ, mà là để kiểm chứng nguồn tin từ một đồng nghiệp Italia ở Kiev: vì EURO này, để các CĐV và du khách nước ngoài đến Ukraina không phải nhìn thấy những góc nhếch nhác, nhà chức trách gom hết tất cả những người vô gia cư, ăn mày và trẻ em không nhà ở Donetsk, Kharkov, Kiev cũng như các thành phố khác vào những khu trại ở ngoại ô.

Một tờ tờ báo mạng ở Ukraina cho biết, ở Donetsk, khu trại ấy được đặt trong một khu mỏ bỏ hoang ở Makeevka. Có lẽ nó đúng là nơi chúng tôi đã tìm kiếm cả một buổi chiều và cuối cùng đã tới cái cổng sắt đó. Những khu trại ở các thành phố khác cũng được đặt rất xa trung tâm, trong những khu vực ít người lui tới và gần như không ai biết sự tồn tại của chúng, bởi chúng được tạo ra trong im lặng, xa tầm mắt của tất cả.

Không ai biết số phận của những người ấy sẽ ra sao trong một tháng EURO, và cả sau EURO nữa, hàng trăm nghìn người như thế, rất nhiều. Họ có được xem EURO không, được đối xử tốt không, và liệu cuối cùng có theo một cách tệ hại nào đó, là rơi vào tay tội phạm?

* Hai thế giới trái ngược của Ukraina

Trong một đất nước có 46 triệu dân, những người nghèo và hoàn cảnh khó khăn tột cùng như thế không ít. Những đứa trẻ vô gia cư thậm chí đối với nhà chức trách còn không tồn tại trên giấy tờ, bởi chúng không có giấy khai sinh, không nhận bất cứ trợ cấp nào, không được xã hội thừa nhận. Những người ăn xin, vô gia cư và Di gan lang thang cũng rất nhiều.



Một bà cụ ăn xin đi qua tấm biển quảng cáo EURO 2012 ở gần khu Fanzone Kiev.

Nhưng những ngày EURO này, không ai nhìn thấy họ trên phố. Họ ở đâu? Liệu chuyện thu gom ấy là sự thật, hay chỉ là một "sự thật" được tô vẽ theo cách tiêu cực của Phương Tây nhằm bôi xấu hình ảnh của Ukraina, đất nước mà họ tìm mọi cách để vùi dập trong những tháng qua, trước và trong EURO?

Những người mà chúng tôi hỏi khi đi trên con đường bụi bặm ấy đều khẳng định họ biết một cách mơ hồ đến sự tồn tại của những khu trại như thế ở Makeevka, biết rằng chính quyền có cả một chiến dịch lớn để "quét dọn" đường phố, nhưng họ chưa hề nhìn thấy một người nào như thế ở bất cứ đâu, bởi có lẽ những chiếc xe đưa người đến trại chủ yếu vào ban đêm. Bao trùm tất cả cuối cùng vẫn là một màn im lặng bí hiểm không có lời đáp.

Ở gần con đường đi Makeevka là dinh thự rộng lớn và tráng lệ như một lâu đài của Rinat Akhmetov. Đấy là một thế giới khác, hoàn toàn khác, bởi chủ của nó là người giàu nhất đất nước với tài sản trị giá 16 tỷ USD (theo tạp chí Mỹ Forbes). 50 người giàu nhất, trong đó có 17 người là thành viên chính phủ và quốc hội, nắm tới 67 tỷ USD tài sản, bằng nửa GDP mỗi năm của Ukraina, xem ra là một điều không thể tin được đối với một đất nước có 12 trong 46 triệu dân có thu nhập hàng tháng trung bình dưới 100 USD, nợ của Chính phủ đạt 53 tỷ USD và năm nay phải vay nợ 15 tỷ USD từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).

EURO này được coi là một cơ hội ngàn vàng để Ukraina cho thế giới thấy hình ảnh đẹp đẽ của mình. Trên sân cỏ, đội tuyển của Sheva đã chiến thắng trận đầu ra quân. Ngoài sân cỏ, công tác tổ chức chưa gặp bất cứ phàn nào và những vụ phân biệt chủng tộc cũng không diễn ra như cảnh báo của truyền thông Phương Tây, vốn tìm cách thổi bùng những mâu thuẫn giữa chính phủ Kiev và EU xung quanh vấn đề Tymoshenko. Trong khi ấy, những con phố sạch bóng, và dù nhiều người ca cẩm rằng tìm kiếm một ai đó nói tiếng Anh ở đây quá khó, thì EURO cũng để lại nhiều ấn tượng đẹp cho tất cả.



Khu mỏ Makeevka, nhìn từ xa.

Nhưng EURO khó lòng thay đổi được nhiều về những vấn đề xã hội và kinh tế của đất nước bị kẹp giữa Đông và Tây ấy.

Sau một tháng EURO, những người lang thang vô gia cư bị "quét dọn" ấy có thể sẽ trở về "nhà" của họ: gầm cầu, hè phố, những khu đất bị bỏ hoang, công viên...Cuộc sống bên lề xã hội của sẽ họ lại tiếp tục, như chưa hề có EURO.

Những con số

12: Trong số 46 triệu dân Ukraina, thì 12 triệu người sống dưới mức nghèo khổ, với thu nhập trung bình dưới 100 USD/tháng.

16:Tổng tài sản của Rinat Akhmetov, người giàu nhất Ukraina là 16 tỷ USD, theo tính toán của tạp chí Mỹ Forbes (trong khi tạp chí Ukraina Korrespondent cho rằng, con số này là 23,6 tỷ USD).

61.3: Akhmetov được cho là giàu lên nhanh chóng nhờ kiểm soát phần lớn mỏ than ở Donetsk, sau đó bung ra khống chế hầu hết khu vực khai mỏ và khai khoáng của Ukraina. Hiện tại, Akhmetov nắm giữ 61,3% khu vực khai khoáng và mỏ của Ukraina, 25,1% khu vực năng lượng. 2009 Đội bóng Shaktar ở Donetsk mà Akhmetov làm chủ đã đoạt Cúp UEFA năm 2009. Đây cũng là đội bóng đầu tiên ở Ukraina đoạt được Cúp này. Shaktar đã đoạt chức vô địch Ukraina các năm 2002, 2005, 2006, 2008, 2010, và 2011, đoạt Cúp quốc gia các năm 1997, 2001, 2002, 2004, 2008, 2011, đoạt Siêu Cúp Ukraina năm 2005, 2008 và 2010.

10.000:  Theo chính phủ Ukraina, có khoảng 10 nghìn trẻ em vô gia cư đang sống ở Kiev (2,6 triệu dân), trong khi một số nguồn tin khác cho hay, con số này xấp xỉ 50 nghìn. Tổng số có khoảng 160 nghìn trẻ em không nhà cửa lang thang ở Ukraina.


                            Bài và ảnh: Anh Ngọc(từ Kharkov)

  

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm