30/10/2020 15:05 GMT+7 | Bóng đá Anh
(Thethaovanhoa.vn) - Chính phủ Anh không đơn độc trong cuộc đấu tranh đối phó với đại dịch Covid-19 và tác động của nó. Thế nhưng, ít ai có thể dự báo rằng họ sẽ bị một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp làm bẽ mặt.
Tuy vậy, đó chính xác là những gì đã xảy ra, khi tiền đạo của MU, Marcus Rashford nhiều lần khiến chính quyền của Thủ tướng Boris Johnson phải xấu hổ. Lí do là anh đứng đầu chiến dịch kéo dài các bữa ăn miễn phí ở trường để trang trải cho những ngày học sinh nghỉ học.
Tiết kiệm không phải chỗ
Mặc dù việc Chính phủ Anh từ chối gia hạn các bữa ăn miễn phí ngoài thời gian học kì ngày càng có vẻ không thể chấp nhận được, vì từ lâu quyết định này đã trở nên vô lí, họ vẫn phải đối mặt với những lời chỉ trích ngày càng tăng, thậm chí từ chính nội bộ Chính phủ.
Và trong quá trình này, những người ủng hộ đường lối của Chính phủ xem như tự cho phép mình bị coi là kẻ phản đối việc cho trẻ em đói khát ăn.
Căn nguyên của sự bối rối từ Chính phủ có thể thấy rõ vào đầu mùa hè, thời điểm Rashford bắt đầu nỗ lực thuyết phục các bộ trưởng thực hiện việc cung cấp bữa ăn miễn phí cho học sinh vào kỳ nghỉ hè. Mọi chuyện trở nên rõ ràng hơn khi các trường phải đóng cửa trong thời gian giãn cách xã hội. Điều đáng nói là với một số em, bữa ăn ở trường lại là bữa ăn duy nhất mà chúng có.
Nên nói thêm, khoảng 1,4 triệu trẻ em ở Anh, 1/6 học sinh học trường công lập, nhận bữa ăn miễn phí, với quy định dựa trên thu nhập của gia đình.
Và ở Rashford, trẻ em từ những gia đình khó khăn không chỉ tìm thấy một tiền đạo giỏi, thông minh, có cá tính mà còn hơn thế, một người từng trải qua và hiểu rõ bữa ăn ở trường quan trọng như thế nào đối với mỗi học sinh. Vì thế, sau khi từ chối cấp ngân sách ban đầu, Chính phủ Anh đồng ý nhượng bộ và kéo dài những bữa ăn miễn phí qua mùa hè, đồng thời trao tặng Rashford danh hiệu MBE nhân ngày sinh nhật của Nữ hoàng do những nỗ lực của anh.
Có điều, nếu các bộ trưởng nghĩ rằng vinh dự đó sẽ khiến chân sút của MU nhượng bộ, họ đã đánh giá thấp con người anh. Thay vào đó, Rashford đã trở lại nhận trách nhiệm một lần nữa vì Chính phủ không lường trước được việc học sinh tiếp tục nghỉ kì nghỉ nửa học kì trong tuần này.
Chính phủ đã phải tập hợp các nghị sĩ nhằm đối phó nỗ lực của Đảng Lao động đối lập nhằm đảo ngược chính sách của họ. Thế nhưng, cuộc tranh cãi đã không dừng ở đó bởi cuộc bỏ phiếu diễn ra nhiều ngày sau đó với những tít báo không mấy hay ho và mức độ phản đối ngày càng tăng lên nhằm vào Johnson và những người ủng hộ ông.
Và như để khiến Johnson và chính phủ của ông bẽ mặt hơn, các quán cà phê và nhà hàng đã vào cuộc để cung cấp các bữa ăn miễn phí cho học sinh, cũng như chính quyền địa phương, trong đó có một số thuộc Đảng Bảo thủ cầm quyền.
Chưa hết, điều khiến Johnson trở nên tồi tệ hơn trong con mắt mọi người là các quốc gia thuộc của Vương quốc Anh - Scotland, Wales và Bắc Ireland - đều quyết định kéo dài các bữa ăn miễn phí ở trường trong các kì nghỉ. Động thái này chẳng khác gì tất cả đang biến nước Anh trở nên kẻ kém cỏi nhất trong vấn đề an sinh xã hội, bảo đảm cuộc sống của người dân.
Người hùng và kẻ thất bại
Và thật khó để nghĩ rằng chi phí là yếu tố quyết định trong việc bóp nghẹt quyết tâm của Chính phủ. Ước tính chi phí cho các bữa ăn miễn phí ở trường học là 20 triệu bảng một tuần (26 triệu USD), quá nhỏ so với con số 500 triệu bảng (651 triệu USD) mà Kho bạc đã chi cho một chương trình giảm giá nhằm khuyến khích mọi người đi ăn ngoài hồi tháng 8 để giải cứu lĩnh vực dịch vụ đang khủng hoảng. Hay so với 12 tỷ bảng Anh (15,6 tỷ USD) đã ném vào một hệ thống theo dõi và truy vết Covid-19 mà cho đến nay vẫn không thể theo dõi hoặc truy vết hiệu quả.
Rốt cuộc, sự bảo thủ của Chính phủ chỉ có thể được giải thích bằng quyết tâm là nhà nước không nên nhận trách nhiệm chăm sóc trẻ từ cha mẹ chúng.
Thế nhưng, khác xa với việc đặt ra một tiền lệ, hầu hết mọi người đều nhận ra rằng, chúng ta đang sống trong một thời kì đặc biệt, có thể cần đến những biện pháp đặc biệt.
Cho đến nay, Johnson vẫn từ chối cấp ngân sách, bất chấp áp lực từ nhiều người bên phía ông, nhưng thách thức lớn tiếp theo sẽ là việc liệu ông có chấp nhận thấy trẻ em bị đói trong dịp Giáng sinh hay không. Vậy mà ông đã hứa sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để đảm bảo không có trẻ em nào bị đói.
Vì thế, cho đến khi tình hình thay đổi, Johnson và chính phủ của ông đã bị đánh bại hoàn toàn bởi một cầu thủ bóng đá đã thu hút được tình cảm và sự ủng hộ của công chúng theo cách mà không một chính trị gia nào có thể làm được. Thậm chí, cho dù có sửa chữa những sai lầm của mình, tất cả vẫn sẽ xem ông là một kẻ thất bại và Rashford là một người hùng.
Hưởng ứng hành động của Marcus Rashford, nhiều fan của các đội bóng tại Premier League đã tẩy chay chương trình truyền hình trả tiền để lấy 14,95 bảng tiền phí quyên góp từ thiện thay vì theo dõi các trận đấu. CĐV của Newcastle và MU là những người đầu tiên làm vậy, trong khi trận Liverpool - Sheffield United cuối tuần qua cũng đã quyên góp được hơn 120.000 bảng để giúp đỡ những gia đình khó khăn. Vì thế mà một số chương trình truyền hình trả tiền chứng kiến số khán giả sụt giảm trầm trọng, trong đó có chương trình chỉ đạt 100 thuê bao. Được biết, nhiều nhóm CĐV của 20 đội tại Premier League đã tẩy chay chương trình truyền hình trả tiền. Từ Newcastle tới Brighton, thông điệp là rất rõ ràng: CĐV là linh hồn của thể thao và họ có thể hành động như một cộng đồng khi cần thiết. Thế mới nói, các dự án Big Picture, European Super League của các ông chủ liệu có rút ra được bài học nào từ cuộc tẩy chay này? |
Mạnh Hào
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất