'Chiếc áo không làm nên thầy tu'

28/09/2016 06:27 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Tôi còn nhớ ngày xưa của mình, vốn tiếng Việt của tôi (dĩ nhiên không tính vào những giờ học ở trường) không đến từ những tác phẩm văn học kinh điển dịch từ Nga hay của Việt Nam… mà đến từ những cuốn tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung. Thứ ngôn ngữ ấy có màu sắc, sự sống động đủ để say mê và hấp dẫn một cậu bé nhà nghèo ở tỉnh lẻ.

Tuổi thơ của tôi là truyện võ hiệp và xem phim chưởng của Hong Kong... Mãi về sau này, có thể nói là tận khi vào đại học, có cơ hội vào Sài Gòn tôi mới bắt đầu đọc nhiều hơn các tác phẩm văn học trong và ngoài nước...

Nhưng có một điều may mắn nhất trong suốt quá trình trưởng thành của mình là tôi rất chăm đọc báo, từ báo chí của anh chị trong nhà mua cho đến mượn của người khác. Nếu nói về cái hay cái đẹp của tiếng Việt thì có lẽ tôi đã ở tuổi được cho là “học” muộn nhất bên cạnh những trang sách giáo khoa đầy chuẩn mực. 

Trong công việc thường nhật mà tôi đang làm liên quan đến chuyện viết báo, viết sách, làm công việc về PR & marketing mảng điện ảnh trong và ngoài nước… những cuộc gặp gỡ hay E-mail công việc thì việc có đệm thêm một vài từ tiếng Anh nó bình thường đến mức cả tôi và các đối tác cũng không bao giờ để ý.

Tôi nghĩ việc những người trẻ hiện nay đang đệm từ tiếng Anh trong giao tiếp hằng ngày, hay dùng nghệ danh tiếng nước ngoài hoặc đặt ca từ bài hát không chỉ thuần tiếng Việt… là một điều rất bình thường của cuộc sống hiện đại. Thế hệ đã khác, xã hội đã khác, xu hướng giao tiếp của con người cũng đã khác trước rất nhiều. Không thể nào dùng một cái chuẩn cho tất cả các trường hợp.


Trẻ em được học tiếng Việt. Nguồn: Internet

Tôi hiểu rõ sự lo ngại về việc đánh mất ý nghĩa và sự trong sáng của tiếng Việt. Nhưng, để bảo tồn và phát huy những điều này thì nhà trường chính là nhân tố quan trọng nhất.

Tiếng Việt chưa bao giờ ngừng phát triển nhưng những cuốn sách giáo khoa tiếng Việt của chúng ta qua một thời gian rất dài rất ít sự thay đổi và cập nhật. Một giá trị văn hóa muốn phát triển nó phải đi cùng với nhịp sống của từng thời kỳ chứ không phải bảo tồn nó bằng cách đóng khung và mặc định kiểu bảo tàng.

Nếu cứ phải đi lo ngại cho việc tại sao dùng từ tiếng Anh này mà không dùng từ tiếng Việt kia, tại sao phải nói “bái bai” với con mà không là tạm biệt… thì câu chuyện ấy sẽ không có hồi kết vì văn hóa giao tiếp của con người ngày nay cũng giống như sự phát triển của công nghệ thông tin vậy. Mọi thứ được tính bằng từng phút từng giờ.

Thay vì vậy, chúng ta dạy dỗ con trẻ trên ghế nhà trường bằng những điều hay và điều đẹp của tiếng Việt qua sự hun đúc của từng thời kỳ với sự thoải mái về tư duy, chứ không phải là rập khuôn những “áng văn mẫu” đầy rẫy khắp nơi.

Chúng ta dạy cho trẻ con cách đọc những tác phẩm văn học hay, biến việc đọc thành một thói quen như đánh răng, rửa mặt mỗi ngày. Chúng ta dạy cho trẻ con hiểu ngôn ngữ trên mạng xã hội có đặc thù riêng biệt với bối cảnh riêng biệt mà không đại diện cho tất cả. Chúng ta dạy cho trẻ con tập viết từ những điều nhỏ nhặt cho đến lớn lao để biết cách chia sẻ được điều mình nghĩ trong đầu. Chúng ta dạy cho trẻ con dù giỏi đến mấy ngoại ngữ thì khi nói tiếng Việt phải tròn vành rõ chữ…

Tôi vẫn luôn tin rằng “chiếc áo không làm nên thầy tu”, thế giới bây giờ là thế giới phẳng, hãy để mọi thứ tự nhiên như nó vốn có. Điều gì không tốt tự động sẽ bị sàng lọc và mất đi theo thời gian. Tôi không tin rằng một người trẻ Việt dùng một nghệ danh nước ngoài hay nói chuyện thỉnh thoảng đệm từ tiếng Anh là một người Việt xấu xí. Nhân cách và tài năng con người mới là quan trọng nhất!

Nguyễn Phong Việt (nhà thơ)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm