23/01/2019 07:04 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Mới đây ở Hà Nội, tại cuộc tọa đàm “Giáo sư Hoàng Phê với tiếng Việt và chuẩn hóa tiếng Việt”, lại có nhiều ý kiến trái chiều về việc làm sao để chuẩn hóa, luật hóa, hoặc làm trong sáng tiếng Việt.
Thời gian qua, bên ngoài cuộc tọa đàm này, cũng đã có quá nhiều ý kiến, hoặc thái cực này hoặc thái cực kia, mà xuất phát điểm có lẽ đến từ chính niềm yêu mến tiếng Việt, ai cũng muốn làm một điều gì đó. Tuy nhiên, ở khía cạnh chuẩn hóa, luật hóa, đang có khá ít ý kiến xem tiếng Việt là một sinh ngữ, mà thường xem nó như là một thực thể bất di bất dịch.
Bên lề cuộc tọa đàm này, PGS-TS Phạm Văn Tình (Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam) chia sẻ với Thể thao & Văn hóa (TTXVN) một ý khá hay về sinh ngữ, theo nghĩa ngôn ngữ sinh động, ngôn ngữ đang sản sinh, đang sống. Ông nói: “Lấy mốc 1986 đến nay thì tiếng Việt bổ sung khoảng 3.000 từ mới, bao gồm cả từ mới nảy sinh và từ của tiếng nước ngoài du nhập vào, chủ yếu là tiếng Anh. Như thế là nhiều, khi ngày xưa có lẽ cả thế kỷ mới có thêm mấy ngàn từ”.
Theo Global Language Monitor, có khoảng 5.400 từ mới được tiếng Anh tạo ra mỗi năm. Thế nhưng trong số này chỉ có 1.000 hoặc hơn một chút được coi là từ vựng thực thụ, vì có mức sử dụng đủ rộng rãi để xuất hiện trong các văn bản in, thay vì tiếng bồi, tiếng lóng.
Hai hệ thống lớn về từ điển tiếng Anh cũng thể hiện khá rõ điều này, nếu Oxford chuyên về từ mới, thậm chí có riêng từ điển tiếng lóng - tạm gọi là từ điển sinh ngữ, thì Merriam-Webster chuyên về những từ đã định hình, đã ổn định trong các văn bản hàn lâm, văn chương, nghệ thuật - gần với tử ngữ.
Sinh ngữ khác tử ngữ ở nhiều khía cạnh, trong đó có khía cạnh chủ đạo nhất là sản sinh ra từ mới, cách dùng mới, thậm chí ngữ pháp mới. Chính điều này mà nước Nhật phải liên tục dịch lại kiệt tác “Genji Monogatari” (viết khoảng năm 1008-1010) từ tiếng Nhật cổ sang tiếng Nhật hiện đại, gần 600 năm họ đã dịch ít nhất 5 lần.
Điều này cũng xảy đến với các kiệt tác của William Shakespeare, vì đa số người Anh ngày nay không thể nói, không thể đọc được tiếng Anh cổ, nên phải liên tục dịch sang tiếng Anh hiện đại. Tiếng Hoa hiện đại và tiếng Hán phồn thể cũng có một khoảng cách quá lớn, nên Trung Quốc cũng phải dịch từ cổ văn sang kim văn thì người đời nay mới đọc, mới nói được.
Xét về độ sản sinh từ vựng và ngữ pháp mới, tiếng Việt ổn định hơn rất nhiều, vì ngày nay chúng ta vẫn đọc Nguyễn Trãi - xuất hiện trước William Shakespeare khá lâu - không mấy khó khăn, chỉ cần một ít chú giải về điển cố điển tích là xong. Điều này cho thấy tính ổn định của tiếng Việt qua thời gian, nghĩa là tự thân nó đã chuẩn hóa, đã trong sáng.
Theo quan điểm của chuyên gia ngôn ngữ Phạm Văn Tình thì 3.000 từ mới cho hơn 30 năm là khá nhiều. Điều này cũng cho thấy sự chuẩn hóa, sự trong sáng trong 30 năm đó, vì từ mới, cách dùng mới sẽ có những chệch choạc lúc ban đầu, khó để gọi là chuẩn hóa, trong sáng ngay được. Nghĩa là, nếu nhìn riêng ở khía cạnh sáng tạo từ vựng, ngữ pháp, sự chuẩn hóa chưa hẳn là một điều tối ưu để kích thích sự phát triển.
Theo xu thế chung của thế giới, từ ngày có Internet và toàn cầu hóa, việc sản sinh từ vựng và cách dùng mới sẽ rất nhiều. Nói như ông Tình, vài thế kỷ trước có rất ít từ mới, 30 năm sau đổi mới đã có 3.000 từ, thì chắc chắn từ sau khi Internet vào Việt Nam (cuối thế kỷ 20), sức sản sinh từ vựng và cách dùng sẽ còn tăng trưởng nhanh hơn nữa.
Nói ra điều này chỉ muốn góp một ý nhỏ rằng hãy vui lòng nhớ tiếng Việt đang là một sinh ngữ, nghĩa là nó đang có nhiều thay đổi và tính bất toàn của một thực thể sống động, nếu có chuẩn hóa, luật hóa thì cũng nên lưu ý, kẻo rơi vào tình trạng “lấy thúng úp voi”.
Vô Ưu
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất