Vụ "bóc mẽ" Giọng hát Việt dưới góc độ luật

12/09/2012 11:09 GMT+7 | Truyền hình thực tế



Lộ bí mật hậu trường Giọng hát Việt kèm đời tư giám đốc âm nhạc Phương Uyên là trường hợp phải nói là hi hữu từ khi truyền hình thực tế xuất hiện ở Việt Nam.



Giọng hát Việt tiếp tục thành công với sự trụ lại của Phương Uyên (giữa)? Chụp trong họp báo chiều 11.9 tại TPHCM. Ảnh: Tiền Phong.

Người tung thông tin đã làm ảnh hưởng tương đối nghiêm trọng đến các nạn nhân, nhưng rõ ràng đã đem lại một góc nhìn khác cho công chúng.

Về việc công bố thư riêng, đoạn ghi âm lén, ảnh… của người khác mà không được phép của họ liệu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hay không? Theo luật sư Trần Anh Dũng (Công ty luật TNHH Yulchon) thì xét trên khía cạnh dân sự, việc này về cơ bản đã xâm phạm đời tư, quyền nhân thân đối với hình ảnh của một cá nhân rồi. Nhưng xét về mặt hình sự, hành vi này đã cấu thành tội phạm hay không thì chưa thể xác định được, vì khó phát hiện ai là người lấy được những thông tin mà đoạn clip đưa ra và cũng khó xác định yếu tố cấu thành tội phạm.

Thứ nhất, nếu xét về tội vu khống thì những thông tin ở đây đưa lên là thật, phía người bị hại - Phương Uyên cũng xác nhận thông tin là có thật (không bịa đặt) thì chưa đủ cơ sở cấu thành tội phạm.

Thứ hai, nội dung thông tin được đưa lên mạng cũng không phải là những thông tin bị coi là trái pháp luật hay bí mật nhà nước để xem xét vào những tội tương ứng.

Còn xét đến nguồn gốc thông tin, chúng ta chưa biết những thông tin người đưa lên mạng có được bằng cách nào. Nếu họ nhận thông tin này hợp pháp, không truy cập trái luật vào máy tính, mạng thiết bị của người khác thì cũng không cấu thành tội truy cập bất hợp pháp (tin tặc) tại Điều 226a Bộ luật Hình sự được.

Trong trường hợp người bị đưa thông tin khởi kiện, Bộ luật Dân sự có những quy định để cá nhân có thể bảo vệ quyền nhân thân của mình.

Theo đó, họ có thể kiện dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại về quyền nhân thân, danh dự, uy tín, bí mật đời tư mà hành vi xâm phạm này gây nên. Tuy nhiên, họ phải chứng minh thiệt hại về vật chất và tinh thần từ hành vi này, và để chứng minh được những thiệt hại này là rất khó khăn.

Trường hợp xác định thông tin có được là do lấy trộm, thì người có được thông tin phạm vào tội truy cập mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số của người khác bất hợp pháp.

Do vậy, trừ phi giám đốc Phương Uyên nhờ công an can thiệp và cho rằng bị lấy trộm thông tin thì cơ quan điều tra mới có thể truy tìm thủ phạm và chỉ khi có kết luận của cơ quan điều tra mới có thể xem xét hành vi của người đó có cấu thành tội phạm hay không.

Khi đã biết ai tung thông tin ra, thì Phương Uyên có thể kiện dân sự bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền nhân thân. Tuy nhiên, những thông tin này thực tế không phi đạo đức, cũng không phải là thông tin vu khống bất lợi hay có vấn đề gì nghiêm trọng đến mức cấu thành tội phạm theo luật định.

Theo Tiền Phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm