Hồ Hoài Anh làm HLV 'Giọng hát Việt nhí': Không ngại thí sinh, chỉ 'sợ' phụ huynh

31/05/2013 07:18 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Từng làm giám khảo của khá nhiều chương trình truyền hình thực tế như: Vietnam Idol, Sao Mai - Điểm hẹn nhưng nhạc sĩ Hồ Hoài Anh (cùng vợ - ca sĩ Lưu Hương Giang) đặc biệt hào hứng với vai trò huấn luyện viên Giọng hát Việt nhí – phiên bản Việt của The Voice Kids (phát sóng số đầu tiên vào 21h ngày 1/6 trên kênh VTV3).

“Bản thân khi phát triển sự nghiệp, tôi cũng muốn mình hướng đến một người nghệ sĩ hoạt động một cách đa dạng, từ sáng tác, sản xuất âm nhạc, đào tạo, truyền dạy. Công việc nào cũng quan trọng và có ý nghĩa với tôi nên khi tham gia The Voice Kids, tôi rất hào hứng” – nhạc sĩ Hồ Hoài Anh chia sẻ.

Ca khúc cũ không đủ “phê”

* Nhiều nhạc sĩ đã phải từ chối vai trò giám khảo các chương trình truyền hình vì áp lực của dư luận và truyền thông. Vì sao anh và vợ nhận lời làm ngồi “ghế nóng” The Voice Kids?

- Có khá nhiều lý do cho một quyết định: Hiện nay vợ chồng tôi đang có những hoạt động và dự án hướng đến vấn đề giáo dục. Tôi cũng rất thích The Voice Kids phiên bản gốc và thêm một điều nữa: vợ chồng tôi cũng là bố mẹ của một đứa trẻ nên việc mong muốn tham gia vào một chương trình với thiếu nhi là điều dễ hiểu.

Vợ chồng nhạc sĩ Hồ Hoài Anh, cặp đôi giám khảo Giọng hát Việt nhí

* Thẳng thắn trong nhận xét về tài năng của các thí sinh là một điều cần thiết trong mỗi cuộc thi. Nhưng ở độ tuổi nhạy cảm này, anh có ngại sự phản ứng của các cháu?

- Với tất cả các cuộc thi và chương trình mà tôi tham gia từ trước đến nay, tôi vẫn luôn là một người thẳng thắn. Nhưng thẳng thắn ở đây không phải là thể hiện cái tôi cá nhân vì đó là điều cấm kị. Sự thẳng thắn của tôi là để góp ý cho họ thấy họ đang gặp phải điều gì và họ cần thay đổi những gì.

Trong chương trình này, tôi nghĩ mình đủ khéo léo mà vẫn thẳng thắn với các thí sinh. Tôi nhận định thí sinh ở lứa tuổi từ 9 – 15 tuổi đã có những hiểu biết nhất định và có sự cầu tiến. Tất nhiên, các cháu không tránh khỏi sự ngô nghê vì còn nằm trong vòng tay của bố mẹ nhưng điều đó với tôi lại không đáng ngại bằng sự phản ứng của gia đình thí sinh.

Hơn nữa, so với các chương trình khác thì The Voice Kids còn có cả một quá trình tiếp xúc với thí sinh ở hậu trường và đó là lúc chúng tôi hiểu nhau hơn. Cho nên, những gì thể hiện ở hiện trường mà khán giả thấy sẽ chỉ là một phần rất nhỏ, lúc đấy dù mình có nói gì thì các em đều có thể hiểu được lý do tại sao và sẽ không cảm thấy quá nặng nề.

* Được biết, đồng hành cùng chương trình còn có cuộc vận động sáng tác ca khúc cho thiếu nhi. Phải chăng là kho tàng các ca khúc thiếu nhi hiện nay không đủ dùng?

- Ca khúc cho cuộc thi này phải nói là hiếm vì ngay từ vòng loại, các cháu hát tiếng Anh nhiều hơn tiếng Việt.

Điều này cũng dễ hiểu thôi, vì các ca khúc hiện đang có mới chỉ dành cho thiếu nhi trong khi ở lứa tuổi “lỡ cỡ” 14 – 15 bây giờ, các cháu đã biết yêu. Với những bài hát cũ, có thể hay về ý nghĩa văn học, nhưng không còn phù hợp với thời đại nên có lẽ không đủ “phê” để các cháu đem đi thi.

Vì thế, đây cũng là một trong những khó khăn của nhà sản xuất, Ban tổ chức và các huấn luyện viên.

* Và đó cũng là lý do khiến anh sáng tác theo đơn đặt hàng của chương trình?

- Việc sáng tác cho lứa tuổi này trước sau cũng phải làm thôi vì tôi còn muốn tặng con gái một album riêng. Tuy nhiên, tôi sẽ không sáng tác trước khi diễn ra cuộc thi vì việc sáng tác cần có cảm hứng. Với chương trình này, tôi phải thấy được thành viên của đội mình như thế nào rồi mới sáng tác cho phù hợp.

May mắn với những sắp đặt

* Hai huấn luyện viên trong đội của anh nghe ra thì có vẻ lợi thế nhưng biết đâu lại bất lợi nếu không cùng quan điểm?

- Trong đội của tôi, ca sĩ Lưu Hương Giang sẽ chịu trách nhiệm về tính chất âm nhạc, phong cách trình diễn, trang điểm, phục trang còn tôi sẽ chọn bài, định hướng tư duy thẩm mỹ, cách xử lý ca khúc và chuẩn bị tâm lý thi cho thí sinh.

Tôi cũng chưa hình dung được việc “đánh nhau” để bấm nút như thế nào nếu chẳng may vợ chồng tôi không trùng lựa chọn. Nhưng tôi tin sẽ không quá vấn đề vì cả hai chúng tôi đều có cái tai tương đối giống nhau, tư duy thẩm mỹ cũng chịu ảnh hưởng của nhau khá nhiều trong công việc cho đến cuộc sống.

Dù sao, tôi vẫn cho rằng mối tương tác giữa thầy với trò vẫn là quan trọng nhất.

* Anh nghĩ sao khi hai vợ chồng cùng ngồi trên ghế nóng sẽ làm tăng thêm sự “tò mò” về khả năng “phơi bày” quan hệ gia đình của anh trước công chúng?

- Tôi nghĩ gia đình mình rất bình thường, cũng giống như bao gia đình nghệ sĩ khác, cuộc sống dù yêu nhau vẫn có chuyện nọ, chuyện kia. Chỉ có điều mình làm nghề được mọi người quan tâm thì cần cư xử văn hóa đúng mực trước công chúng.

* Như hiện nay thì cuộc sống của anh có thể gọi là tròn trịa chưa?

- Tôi cảm nhận được những gì mình có của ngày hôm nay nó như một sự sắp đặt của ơn trên. Từ những đam mê thuở nhỏ khi tôi mơ mình được đứng trên sân khấu biểu diễn và ước mơ đó giờ đây đã quá mầu nhiệm. Rồi từ bé sống trong môi trường âm nhạc, học nhạc, tôi đã nghĩ về nghề giáo của mình sau này thì giờ cũng đã 10 năm tôi làm thầy. Và ngay cả việc gặp vợ tôi bây giờ, với tôi cũng là một sự sắp đặt.

Sau những hạnh phúc, khổ đau trong cuộc sống, đến giờ phút này, điều tôi cần là có được cái tâm vững vàng để “chèo lái con thuyền” gia đình và không mong muốn gì hơn là ngày nào cũng được nhìn thấy những người xung quanh mình hạnh phúc vui vẻ!

* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Lam Anh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm