16/03/2018 16:00 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) – Trưa nay (16/3), giới họa sĩ Việt gồm nhiều họa sĩ, nhà nghiên cứu như: Thành Chương, Phạm Văn Hải, Đào Hải Phong, Phan Cẩm Thượng, Đặng Tiến... đã “tụ họp” tại Hà Nội đồng loạt lên tiếng “tố” việc ngang nhiên chép tranh rồi rao bán trên mạng là không thể chấp nhận được.
Mới đây, giới mỹ thuật Việt Nam lại “dậy sóng” khi phát hiện tranh của mình bị sao chép, làm giả và rao bán công khai trên trang web http://xuongtranh.vn. Họa sĩ Đặng Tiến (Hải Phòng) ngay khi biết tranh của mình được bán công khái với giá “khuyến mại” đã lập tức viết email phản hồi, yêu cầu trang web phải gỡ ngay hình ảnh tranh của ông. Nhiều tên tuổi của làng hội họa cũng là nạn nhân bị rao bán tranh giả, tranh nhái trên trang web này như Nguyễn Thanh Bình, Khổng Đỗ Duy, Mai Huy Dũng…
Sau phản hồi đầy bức xúc của nhiều họa sĩ, web xuongtranh.vn đã xin lỗi và số tranh giả được rao bán công khai đã bị tháo gỡ. Tuy nhiên, các họa sĩ vẫn cho rằng, việc tập hợp đội ngũ sáng tác để cùng lên tiếng phản đối nạn tranh chép là cần thiết. Dù như muối bỏ biển thì một gợn sóng nổi lên cũng sẽ mang tới niềm hy vọng cho giới họa sĩ, trong việc đẩy lùi nạn sao chép các tác phẩm nghệ thuật một cách vô tội vạ như hiện nay.
Chia sẻ với báo giới, họa sĩ Thành Chương bức xúc: “Hiện trạng tranh chép, tranh giả của các họa sĩ có hơn 30 năm, từ khi đất nước đổi mới và khi các họa sĩ bắt đầu sống được bằng vẽ tranh. Việc tranh chép, tranh giả bao nhiêu năm qua đã làm thiệt thòi cho cả nền mỹ thuật của dân tộc, làm hình ảnh mỹ thuật Việt Nam xấu xí trong mắt những nhà sưu tập tranh thế giới và đây là cái giá đắt vô cùng với giới làm nghệ thuật biết bao đời mới gây dựng được”.
Tuy nhiên cũng theo họa sĩ Thành Chương, phản đối thì chỉ là phản đối vì lĩnh vực này để xử lý được là vô cùng khó, không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới. Các chuyên gia, máy móc thẩm định… cũng rất khó khăn trong việc phát hiện tranh giả và ngay cả có phát hiện cũng cũng không có cách gì dẹp được. Chính vì thế, họa sĩ Thành Chương cho rằng: “Hôm nay chúng tôi tự tập ở đây để anh em tiếp tục lên tiếng, nhưng cuối cùng cũng chả hi vọng gì, sẽ rơi vào khoảng không và lại mất công vô ích. Vì các cơ quan có thẩm quyền động đến chỗ nào đều lảng ra hết…"
Bên cạnh họa sĩ Thành Chương, các họa sĩ khẩn thiết kêu gọi Hội Mỹ thuật Việt Nam - cơ quan tập hợp các nhà sáng tác cần chính thức nêu vấn đề tranh chép này ra để phối hợp với các cơ quan chức năng làm rõ nhằm bảo vệ quyền lợi các họa sĩ, chấm dứt nạn tranh chép, đồng thời đảm bảo một xã hội văn minh, an toàn và sáng tạo...
Hoài An
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất