Giới chức và học giả Hàn Quốc đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong Chính sách hướng Nam của Seoul

24/11/2019 12:16 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Từ ngày 25 - 26/11, Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt ASEAN-Hàn Quốc sẽ được tổ chức tại thành phố cảng Busan, miền Nam Hàn Quốc, nhằm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương, bên cạnh đó là Hội nghị Cấp cao Hàn Quốc - Mekong.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên 2019: Học giả Hàn Quốc lạc quan về kết quả hội nghị lần 2

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên 2019: Học giả Hàn Quốc lạc quan về kết quả hội nghị lần 2

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần 2 tại Hà Nội, nhiều học giả Hàn Quốc đã nhận định khá lạc quan về kết quả của sự kiện chính trị quan trọng này.

Để tìm hiểu thêm về quan hệ giữa Hàn Quốc và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nói chung, cũng như quan hệ giữa Hàn Quốc và Việt Nam nói riêng, phóng viên TTXVN tại Seoul đã phỏng vấn Tiến sĩ Lee Jaehyon (Li Chê Hiên), Giám đốc Trung tâm ASEAN và châu Đại dương, Viện Nghiên cứu chính sách Asan của Hàn Quốc, và ông Joo Hyung Chul, Chủ tịch Ủy ban Chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc.

Tiến sĩ Lee Jaehyon cho biết ASEAN có 10 đối tác đối thoại, trong đó có một số đối tác đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh đặc biệt 2 lần với ASEAN, nhưng Hàn Quốc sẽ là quốc gia đối tác đầu tiên của ASEAN tiến hành việc này 3 lần. Chính phủ Hàn Quốc đang chuẩn bị bước vào giai đoạn thứ hai thực hiện Chính sách hướng Nam mới được công bố vào cuối năm 2017 vì vậy, hội nghị thượng đỉnh sắp tới sẽ là dịp để Tổng thống Moon Jae-in công bố giai đoạn hai, những đường hướng mới và nội dung chi tiết.

Chú thích ảnh
Tiến sỹ Lee Jaehyon, Giám đốc Trung tâm ASEAN và châu Đại dương, Viện Nghiên cứu chính sách Asan trả lời phòng vấn. Ảnh: Hữu Tuyên-PV TTXVN tại Hàn Quốc

Trong khi đó, đây là lần đầu tiên Hàn Quốc tiến hành hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc-Mekong, nếu không kể một số Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc-Mekong. Tiến sĩ Lee Jaehyon cho rằng đây có thể là cơ hội để Chính phủ Hàn Quốc thể hiện những đóng góp to lớn hơn của mình cho các nước có sông Mekong chảy qua, sau khi một số quốc gia đã tiến hành hội nghị thượng đỉnh tương tự như Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản.

Về phần mình, ông Joo Hyung Chul cho biết Hàn Quốc đang tập trung chuẩn bị cho sự kiện ngoại giao lớn, gồm Hội nghị Cấp cao Đặc biệt Hàn Quốc-ASEAN và Hội nghị Cấp cao Hàn Quốc- Mekong. Đặc biệt, Hội nghị Cấp cao Hàn Quốc - ASEAN năm 2019 được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ đối thoại Hàn Quốc-ASEAN. Bên cạnh đó, Hội nghị Hàn Quốc- Mekong năm nay cũng đã được nâng tầm lên cấp lãnh đạo cấp cao, và dự kiến sẽ đánh giá lại những thành tựu đạt được trong hợp tác Hàn Quốc- ASEAN trong 30 năm qua và đưa ra những dự báo triển vọng hợp tác trong 30 năm tới. 

Chú thích ảnh
Tiến sỹ Lee Jaehyon, Giám đốc Trung tâm ASEAN và châu Đại dương, Viện Nghiên cứu chính sách Asan trả lời phòng vấn. Ảnh: Hữu Tuyên-PV TTXVN tại Hàn Quốc

Đánh giá quan hệ Việt Nam và Hàn Quốc hiện tại và xu hướng phát triển quan hệ song phương về chính trị, kinh tế và văn hóa, Tiến sĩ Lee Jaehyon cho biết quan hệ giữa Hàn Quốc với Việt Nam ở mức cao trong số các nước ASEAN. Nếu nhìn vào một số chỉ dấu như quan hệ kinh tế, văn hóa xã hội, mối quan hệ Hàn - Việt rất sâu sắc và rộng lớn. Kim ngạch thương mại song phương chiếm 50% tổng kim ngạch thương mại với các nước ASEAN. Nói cách khác, một nửa thương mại của Hàn Quốc với ASEAN là với Việt Nam, trong khi hơn một nửa số vốn đầu tư vào ASEAN cũng là vào nền kinh tế Việt Nam. Về quan hệ văn hóa xã hội giữa Hàn Quốc và Việt Nam, điểm đến số 1 của người dân Hàn Quốc trong số các nước ASEAN là Việt Nam. Hai bên cũng đang hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác như quốc phòng và an ninh. Tiến sĩ Lee Jaehyon hy vọng quan hệ Hàn - Việt sẽ đi xa hơn và sâu hơn nữa trong những năm tới. 

Ông Joo Hyung Chul cho biết trong bối cảnh toàn cầu đang có nhiều diễn biến thay đổi như xảy ra cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, Nhật Bản siết chặt quy chế xuất khẩu đối với Hàn Quốc, Việt Nam đang là đối tác hợp tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Hàn Quốc. Có thể nói hai nước Việt Nam và Hàn Quốc là đối tác hợp tác kinh tế không thể tách rời. Ông bày tỏ hy vọng sự tăng cường hợp tác theo nhu cầu và thế mạnh của mỗi bên sẽ đóng vai trò chủ đạo trong việc tăng cường kết nối chuỗi giá trị giữa các quốc gia trong khu vực trong Chính sách hướng Nam Mới.

Theo ông Joo, với nhu cầu công nghệ, phụ tùng, vật liệu gia tăng của Việt Nam, trong năm nay Hàn Quốc có kế hoạch thành lập Trung tâm tư vấn công nghệ và giải pháp từ Hàn Quốc (TASK) nhằm nâng cao năng lực công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam và tăng cường hợp tác phát triển công nghệ giữa hai quốc gia. Hàn Quốc cũng đang tiến hành hợp tác hướng tới tương lai như bồi dưỡng nhân lực và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực công nghệ thông tin, thành lập V-KIST nhằm mục đích cùng thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần tư. Lĩnh vực giao lưu văn hóa giữa hai nước có những bước phát triển vượt bậc.

Đặc biệt, việc ông Park Hang Seo đang hoạt động với tư cách là Huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam đã khiến Hàn Quốc nhận được nhiều sự yêu mến hơn từ người dân Việt Nam. Thông qua những sự kiện như “Lễ hội du lịch văn hóa Việt Nam” được tổ chức tại Seoul vào tháng 6 năm nay, hay “Triển lãm mỹ thuật hiện đại Hàn-Việt” sẽ được tổ chức vào cuối năm, mối quan hệ văn hóa song phương cũng sôi động hơn. Gần đây, Chính phủ Việt Nam cũng dành nhiều sự quan tâm đến ngành nội dung số do đó Hàn Quốc đang kỳ vọng vào sự mở rộng hợp tác trong ngành này trong tương lai.

Theo ông Joo, nhận thức được tầm quan trọng của khu vực miền Trung Việt Nam, Hàn Quốc đang thúc đẩy mở rộng hợp tác với khu vực miền Trung bằng việc thành lập văn phòng của Cơ quan Thúc đẩy Đầu tư và Thương mại Hàn Quốc (KOTRA) tại Đà Nẵng hồi tháng 1 vừa qua, ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Ủy ban Phát triển cân bằng quốc gia Hàn Quốc và Bộ Kế hoạch Đầu tư Việt Nam hồi tháng 7/2019. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng mong muốn tổ chức nhiều sự kiện giao lưu và chào mừng ở cả hai nước hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Hàn-Việt vào năm 2022.

Nhận định vai trò của Việt Nam và vai trò của Việt Nam - Hàn Quốc đối với sự phát triển quan hệ ASEAN - Hàn Quốc và quan hệ các nước sông Mekong với Hàn Quốc, Tiến sĩ Lee Jaehyon cho biết Việt Nam đã dẫn dắt sự phát triển quan hệ Hàn Quốc-ASEAN trên cơ sở các quan hệ kinh tế, văn hóa, xã hội giữa Hàn Quốc và Việt Nam. Việt Nam là một trong những quốc gia quan trọng nhất trong ASEAN, vì vậy, Tiến sĩ Lee Jaehyon cho rằng Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển quan hệ Hàn Quốc-ASEAN, và trong những năm tới, vai trò của Việt Nam trong việc làm sâu sắc quan hệ giữa Hàn Quốc với các nước ASEAN còn quan trọng hơn. Hàn Quốc quyết tâm đẩy mạnh nỗ lực phát triển và tăng trưởng kinh tế của các nước có sông Mekong chảy qua. Tiến sĩ Lee Jaehyon nhấn mạnh Việt Nam là một trong những nước đóng vai trò lớn trong khu vực này, nên để Hàn Quốc hợp tác thành công với các nước này, Việt Nam nên chia sẻ kinh nghiệm của mình trong khu vực và cũng có thể hướng dẫn để Hàn Quốc trở thành đối tác thành công ở khu vực này.

Chú thích ảnh
Ông Joo Hyung Chul - Chủ tịch Ủy ban Chính sách hướng Nam Mới của Hàn Quốc trả lời phòng vấn. Ảnh: Hữu Tuyên-PV TTXVN tại Hàn Quốc

Đồng quan điểm trên, ông Joo đánh giá mối quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng nhất trong quá trình thúc đẩy Chính sách hướng Nam Mới và thúc đẩy hợp tác Hàn Quốc-Mekong, Hàn Quốc-ASEAN. Có thể thấy rằng mối quan hệ hợp tác giữa Hàn Quốc và Việt Nam những năm gần đây trở nên tốt đẹp hơn bao giờ hết, là hình mẫu thành công lý tưởng nhất mà Chính sách hướng Nam Mới của Chính phủ Hàn Quốc, cũng như mối quan hệ hợp tác Hàn Quốc- ASEAN và Hàn Quốc- Mekong, hướng tới và theo đuổi. Ông cho biết dựa trên hình mẫu mối quan hệ hợp tác Hàn-Việt, Hàn Quốc sẽ thúc đẩy phát triển không ngừng mối quan hệ hợp tác với các quốc gia khác trong tiểu vùng sông Mekong. Trong quá trình đó, Hàn Quốc sẽ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để có thể thúc đẩy, đạt tiến bộ hướng tới sự phát triển cùng thịnh vượng giữa Việt Nam – Hàn Quốc và Mekong-Hàn Quốc. Đặc biệt, sang năm 2020, Việt Nam sẽ cùng lúc trở thành Chủ tịch ASEAN và là nước điều phối hợp tác giữa Hàn Quốc và các nước sông Mekong, do đó vai trò của Việt Nam sẽ ngày càng quan trọng hơn.

Liên quan đến Chính sách hướng Nam Mới của Hàn Quốc, Tiến sĩ Lee Jaehyon cho biết từ năm 2020, Hàn Quốc sẽ bắt đầu giai đoạn 2 của chính sách này và đóng góp của Việt Nam là rất quan trọng đối với sự thành công của Chính sách hướng Nam Mới của Hàn Quốc trong giai đoạn mới. Tiến sĩ Lee Jaehyon cũng lưu ý một khía cạnh quan trọng khác về vai trò của Việt Nam trong sự thành công của Chính sách hướng Nam mới, đó là những đóng góp của Việt Nam cho hòa bình và thịnh vượng trên Bán đảo Triều Tiên. Tiến sĩ nhấn mạnh Việt Nam có quan hệ chặt chẽ với Triều Tiên và là một trong những quốc gia tốt nhất có thể mang lại cho Triều Tiên những lời khuyên về mở cửa, cải cách và phi hạt nhân hóa, do đó, Việt Nam đóng vai trò quan trọng không chỉ đối với sự thành công của Chính sách hướng Nam Mới, mà còn đối với hòa bình và thịnh vượng trên Bán đảo Triều Tiên.  

Tiến sĩ Lee Jaehyon bày tỏ mong muốn khi làm Chủ tịch ASEAN, Việt Nam sẽ dẫn dắt các nước ASEAN phát triển quan hệ chiến lược với Hàn Quốc trong khuôn khổ Chính sách hướng Nam Mới, thảo luận cách thức giảm tác động tiêu cực từ tranh cãi thương mại Mỹ-Trung, giảm bớt tác động từ cuộc cạnh tranh chiến lược giữa hai siêu cường này.

Về phần mình, ông Joo cho biết Việt Nam là nước có mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp với cả hai miền Triều Tiên và đã đứng ra tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội hồi tháng 2 vừa qua, Việt Nam là đối tác quan trọng giúp xây dựng nền hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên. Ông bày tỏ tin rằng trong thời gian tới, Việt Nam có thể tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân và xây dựng hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên.

Mạnh Hùng - Hữu Tuyên (TTXVN)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm