30/12/2021 11:14 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Chủ động hợp tác và quảng bá các giá trị văn hóa của Việt Nam ra thế giới, phát huy sức mạnh mềm văn hóa, góp phần nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế là một trong những mục tiêu của Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.
Thực tế cho thấy, những năm qua, Việt Nam đã rất nỗ lực quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, chủ động thích ứng, hòa vào dòng chảy văn minh nhân loại và thích nghi với đại dịch COVID-19.
Đưa "màu sắc" Việt Nam hòa cùng thế giới
Năm 2021 đánh dấu lần thứ 7 Việt Nam tham dự Triển lãm thế giới World EXPO dưới sự chủ trì của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Năm nay, Nhà triển lãm Việt Nam tại World EXPO 2020 Dubai nằm ở khu chủ đề "Cơ hội" và mang thông điệp "Hội tụ quá khứ, lan tỏa tương lai".
Căn nhà gây ấn tượng với phần mặt tiền treo 800 chiếc nón lá bọc lá sen gắn đèn nhiều màu sắc và phiên bản thu nhỏ của 18 tác phẩm nghệ thuật do các nghệ sĩ đương đại có tên tuổi của Việt Nam sáng tác trong Dự án nghệ thuật Nhà Quốc hội Việt Nam "Kết nối tinh hoa xưa – giá trị ngày nay" thực hiện. Ngoài ra, các khu trưng bày được tổ chức theo nhiều nội dung khác nhau, giới thiệu đến bạn bè quốc tế về một đất nước Việt Nam giàu bản sắc văn hóa, nhiều cơ hội cho hợp tác trong khu vực và thế giới…
Ngày 30/12/2021 diễn ra Ngày Quốc gia Việt Nam trong khuôn khổ World EXPO 2020 với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn, đậm nét văn hóa Việt Nam mà điểm nhấn là chương trình nghệ thuật Dòng chảy bất tận. Chương trình góp phần giới thiệu với thế giới một Việt Nam có nền văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, tinh hoa văn hóa được hình thành, đúc kết qua hàng nghìn năm lịch sử; khắc họa bức tranh toàn cảnh về một Việt Nam rực rỡ sắc màu với những đặc trưng văn hóa trải dài từ Bắc đến Nam, tạo thành bản giao hưởng đa âm sắc.
Đáng chú ý là các sản phẩm dệt thủ công thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số được giới thiệu trong chương trình thông qua các bộ sưu tập thời trang ứng dụng độc đáo của các nhà thiết kế trong và ngoài nước sẽ thổi một làn gió mới về trang phục dân tộc của Việt Nam. Từ đó, chương trình góp phần phát huy giá trị văn hóa của nghề dệt thổ cẩm truyền thống; giới thiệu, quảng bá đến du khách về các sản phẩm ứng dụng của các đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam; hỗ trợ sản phẩm nghề dệt thổ cẩm tham gia thị trường quốc tế, hướng tới xây dựng thương hiệu quốc gia trong ngành văn hóa – may mặc từ thổ cẩm.
Độc đáo hơn, toàn bộ chương trình nghệ thuật Dòng chảy bất tận được tiếp nối bằng chuỗi câu chuyện về truyền thuyết Con Rồng Cháu Tiên trình chiếu bằng công nghệ hình ảnh và âm thanh đỉnh cao trên hệ thống mái vòm 360 độ sẽ tạo nên hiệu ứng huyền ảo, chắc chắn làm say đắm khán giả khắp nơi trên thế giới. Ngoài ra còn có triển lãm tranh của "thần đồng hội họa" Xèo Chu, dự kiến trưng bày 14 bức tranh nhằm giới thiệu, quảng bá tinh hoa văn hóa Việt Nam với bạn bè thế giới…
Nói về Nhà triển lãm Việt Nam tại World EXPO 2020 Dubai, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết: Sự hiện diện của Nhà triển lãm Việt Nam thể hiện cam kết vững chắc và những nỗ lực to lớn của Chính phủ Việt Nam trong việc quảng bá hình ảnh quốc gia, phát huy sức mạnh của giá trị văn hóa và sự sáng tạo của con người Việt Nam, đưa "màu sắc" Việt Nam hòa cùng với những gam màu rực rỡ của thế giới".
Việt Nam – Đi để yêu!
Trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã chủ động đẩy mạnh truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam trên các nền tảng số, hướng đến các thị trường du lịch quốc tế trọng điểm để duy trì cảm hứng du khách và thu hút họ quay trở lại Việt Nam du lịch.
Việt Nam: Đi để yêu! là chương trình truyền thông du lịch trên nền tảng số YouTube do Tổng cục Du lịch thực hiện với sự hỗ trợ của một số đơn vị nhằm hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động. Chương trình có sự góp mặt của nhiều nhà sáng tạo nội dung YouTube (YouTube creators) nổi tiếng, có sức ảnh hưởng trong giới trẻ với lượng theo dõi lớn, góp phần quảng bá du lịch Việt Nam qua những thước phim sống động và cảm xúc chân thật...
Gần đây nhất clip giới thiệu có chủ đề Việt Nam: Đi để yêu! – Sống trọn vẹn ở Việt Nam (Live fully in Vietnam) đã ra mắt đúng thời điểm ngành Du lịch Việt Nam đón những đoàn khách du lịch quốc tế đầu tiên của chương trình thí điểm hộ chiếu vaccine, đánh dấu bước tiến mới trong nỗ lực phục hồi ngành Du lịch, hướng đến từng bước mở cửa và phát triển kinh tế trong bối cảnh mới.
Với độ dài 2 phút, video clip đưa du khách đến với hành trình khám phá, trải nghiệm về văn hóa, thiên nhiên và con người Việt Nam. Đó là cảm xúc ngỡ ngàng trước vẻ quyến rũ và thơ mộng của những bãi biển nổi tiếng tại Phú Quốc, Nha Trang, mãn nhãn trước kỳ quan Vịnh Hạ Long - nơi có hàng nghìn đảo đá nhấp nhô trên mặt nước trong xanh như ngọc hay đắm mình trong những khu rừng nguyên sinh rộng lớn, trù phú. Bên cạnh đó, Đà Nẵng và Nha Trang - hai địa danh nổi bật trên bản đồ du lịch Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn với du khách qua nhịp sống sôi động, náo nhiệt đặc trưng của đô thị ven biển, cùng với đó là chuỗi hoạt động khám phá hấp dẫn như dù lượn, du lịch golf, lặn ngắm san hô và các môn thể thao dưới nước…Trên cung đường du lịch miền Trung, Di sản văn hóa thế giới Phố cổ Hội An (Quảng Nam) hiện lên như một bức tranh mộc mạc, nên thơ với những ngôi nhà lợp mái rêu phong, bức tường sơn vàng cổ kính và những làng nghề truyền thống lâu đời như đèn lồng, làm gốm, sơn mài, xưởng mộc…
Vào đầu tháng 12/2021, tại quảng trường Thời đại (Times Square) nổi tiếng ở New York, Hoa Kỳ, hình ảnh đất nước Việt Nam yên bình với thiên nhiên trù phú, vẻ đẹp đa dạng xuất hiện đã ngay lập tức thu hút sự chú ý, đưa công chúng lần lượt trải nghiệm ở những điểm du lịch nổi tiếng nhất. Đó là khám phá hang Sơn Đoòng huyền bí, tham quan Thành phố Hồ Chí Minh sôi động, ngắm lễ hội pháo hoa và thăm cầu Vàng độc đáo tại Đà Nẵng, leo núi ở Hạ Long, chèo thuyền tại Ninh Bình, thưởng thức món phở nóng ở Thủ đô Hà Nội trữ tình... Chuỗi hình ảnh đã để lại ấn tượng sâu sắc và truyền cảm hứng cho người xem, thu hút du khách quốc tế đến thăm Việt Nam trong thời gian tới.
Sức mạnh mềm của văn hóa quốc gia trong giao lưu và hội nhập quốc tế
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Thức, Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương: Trong một thế giới đa dạng về văn hóa, bản sắc quốc gia (National Identity), bản sắc văn hóa của từng quốc gia, dân tộc có vai trò quan trọng trong việc phát triển, xây dựng đất nước đó từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Bản sắc văn hóa tuy rất sâu sắc nhưng cũng không phải là bất biến, có thể vận động, bổ sung, phát triển để phù hợp hơn với thực tiễn sống động, bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng. Vì vậy, cần coi trọng việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của nhân loại; cân nhắc, lựa chọn, tiếp thu những giá trị khoa học, hợp lý, nhân văn, tiến bộ, phù hợp với điều kiện thực tiễn, lịch sử truyền thống văn hóa dân tộc.
Nhiều chuyên gia cho rằng, hoạt động đối ngoại và ngoại giao văn hóa đã góp phần phổ biến và lan tỏa hình ảnh đất nước, văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam; giúp bạn bè quốc tế hiểu biết, yêu mến, ủng hộ, hợp tác, giúp đỡ Việt Nam phát triển. Nhân dân ta hiểu biết nhiều hơn về các nền văn hóa trên thế giới; tiếp thu, chia sẻ tri thức và kinh nghiệm quốc tế, nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế.
Các sản phẩm công nghiệp văn hóa (quảng cáo, kiến trúc, phần mềm, trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, báo chí, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, truyền hình, phát thanh, du lịch văn hóa...) khi ra khỏi biên giới quốc gia sẽ không chỉ đơn thuần là hàng hóa văn hóa thông thường mà còn là biểu tượng, bản sắc, hình ảnh, thương hiệu quốc gia, thể hiện sức mạnh mềm của văn hóa quốc gia trong giao lưu và hội nhập quốc tế.
Những năm qua, Việt Nam đã tổ chức Ngày văn hóa, Tuần văn hóa, Lễ hội văn hóa – du lịch Việt Nam... ở nhiều nước nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Nhiều nước trên thế giới cũng đã chủ động tổ chức Ngày Văn hóa, Tuần Văn hóa ở Việt Nam, nhằm tăng cường sự hiểu biết về văn hóa, đất nước, con người của nhau. Một số nước tổ chức sự kiện văn hóa thường niên ở Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Nga...; ngoài ra còn có các nhân đảm nhiệm danh hiệu đại sứ văn hóa nhằm kết nối, lan tỏa các giá trị văn hóa của mỗi quốc gia.
Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 hướng tới việc phát triển công nghiệp văn hóa gắn liền với việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế.
Điều này hoàn toàn phù hợp với vai trò động lực của văn hóa trong phát triển kinh tế đã nêu trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng là "Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh; vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế".
Thanh Giang/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất