16/12/2021 07:13 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Một tin vui đã đến với Việt Nam vào chiều qua, 15/12: Trong phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 16 của UNESCO diễn ra tại Pháp, di sản Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Để hiểu thêm về loại hình di sản này, Thể thao & Văn hóa ( TTXVN) đã có cuộc trao đổi với GS-TS Từ Thị Loan (nguyên Quyền Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam), một trong những người đầu tiên khởi dựng Dự án xây dựng hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái trình UNESCO.
Kết tinh bản sắc văn hóa của dân tộc Thái
GS-TS Từ Thị Loan cho biết:
- Nói đến Xòe Thái là nói đến một nét văn hóa rất riêng của dân tộc Thái. Xòe Thái với nghĩa “múa Thái” được các cộng đồng Thái gọi theo các cách khác nhau: Xe, Xé, Xék, Xòe, Múa Xòe, Múa Then, Mố... Nó giúp chúng ta cảm nhận được rõ nét bản sắc văn hóa độc đáo của tộc người Thái, từ phong tục, tập quán, tín ngưỡng, nghi lễ đến trang phục, âm nhạc, múa, nhạc cụ…
Chủ thể thực hành Xòe Thái gồm cả người Thái Đen và Thái Trắng, tập trung đông nhất ở các tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La. Một số địa danh được coi là trung tâm của Xòe Thái là Mường Lò (Yên Bái), Mường So, Phong Thổ (Lai Châu), Mường Lay, Mường Thanh (Điện Biên). Xòe Thái cũng có rải rác ở các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, tuy nhiên không trở thành sinh hoạt văn hóa phổ biến.
Về nguồn gốc của Xòe, nhiều người Thái hiện nay cũng không biết các điệu Xòe cổ có từ bao giờ. Họ chỉ biết là từ đời ông bà, tổ tiên đã có Xòe và Xòe cứ thế trao truyền tự nhiên qua các thế hệ.
Xòe được thực hành trong nhiều không gian và thời gian khác nhau, như trong các lễ hội cộng đồng: Xên mường, Xên bản (lễ cúng mường, cúng bản), Xên Lẩu Nó (lễ cúng rượu măng), Hết Chá (lễ tạ ơn), Kin Pan Then (lễ cúng của các thầy Then), các lễ hội cầu mưa, xuống đồng, các nghi lễ trong phạm vi gia đình như lễ cúng tổ tiên, lễ tang ma, lễ cúng vía, cúng ruộng hay các tiệc vui như đám cưới, lễ mừng nhà mới, mừng sinh nhật,…
Hiện nay, Xòe Thái rất phát triển trong các cuộc vui, liên hoan văn nghệ, các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch, các lễ hội mới như lễ hội Hoa ban, Tuần văn hóa, Ngày hội văn hóa các dân tộc Tây Bắc. Nổi tiếng nhất phải kể đến là Hội Xòe Phong Thổ (Lai Châu), Hội Xòe Mường Lò (Yên Bái).
Trong các điệu Xòe cổ thì không có nhảy sạp, nhưng có thể coi đó là một hình thức phát triển mới của Xòe Thái trong bối cảnh đương đại, bởi trước đây Xòe Thái chỉ do các cô gái trình diễn, còn trong nhảy sạp thì cả nam và nữ ở mọi lứa tuổi đều có thể tham gia.
* Thưa bà, từ 1945 trở về trước, xã hội bản mường bị phân hóa thì Xòe Thái có bị phân hóa theo không? Và từ năm 1954 đến nay, sinh hoạt Xòe được thực hành trong cộng đồng như thế nào?
- Trước năm 1945, xã hội bản mường người Thái có sự phân chia đẳng cấp rõ rệt. Thống trị xã hội là hệ thống phìa tạo cha truyền con nối, bên dưới là các tạo mường làm bang tá, chánh tổng. Trực tiếp cai quản ở làng, bản là các tạo poọng, tạo bản. Còn tầng lớp bị trị là người nông dân bị bóc lột nặng nề và bị bần cùng hóa. Do vậy, trong sinh hoạt cộng đồng cũng có sự phân biệt, thường là dân Xòe với dân, quan Xòe với quan. Các đội Xòe đều do bản thân hoặc các con cháu Phìa (đầu mường) được quan chức chính quyền Pháp cho phép đứng ra tổ chức. Người xòe gọi là Gái Xòe (Xao Xé). Gái Xòe được tuyển chọn rất kỹ, phải là những cô gái còn trinh, đẹp người, có khiếu Xòe ở độ tuổi từ 13 đến 17. Người đệm đàn gọi là Báo Khỏa, họ có chức năng đệm đàn cho Gái Xòe luyện tập và biểu diễn.
Bước sang chế độ mới, sự phân biệt đẳng cấp bị xóa bỏ, sinh hoạt Xòe trở nên bình đẳng hơn. Xòe được thực hành tại hầu hết các buổi sinh hoạt bản làng, những ngày lễ tiết trong năm, những sự kiện văn hóa nghệ thuật. Đặc biệt từ khi hòa bình lập lại sau năm 1954, dưới bàn tay của các biên đạo múa, Xòe được chỉnh lý và dần dần hoàn thiện, được nâng lên thành nghệ thuật biểu diễn, trở thành sản phẩm đại chúng trên các sân khấu lớn, đài truyền hình, sự kiện văn hóa - nghệ thuật… Nhiều câu lạc bộ, đội văn nghệ Xòe được thành lập. Hầu hết các bản đều có đội Xòe biểu diễn. Theo báo cáo của các địa phương, đến đầu năm 2019, tỉnh Điện Biên có 1.273 đội Xòe, Lai Châu có hơn 100 đội, Yên Bái có hơn 180 đội, Sơn La có khoảng 1.700 đội.
Xòe Thái hiện nay đã trở thành một hình thức sinh hoạt văn hóa phổ biến trong đời sống người Thái Tây Bắc, trở thành sợi dây kết nối cộng đồng và thể hiện bản sắc tộc người.
Cần bảo vệ tính nguyên bản của Xòe truyền thống
* Môi trường diễn xướng Xòe Thái đang thay đổi do quá trình giao lưu văn hóa, ít nhiều phá vỡ tính nguyên bản của điệu Xòe truyền thống. Đây có phải là điều đáng lo ngại không, thưa bà?
- Rõ ràng, môi trường diễn xướng của Xòe Thái đang có sự thay đổi lớn cả về không gian diễn xướng, thời gian sinh hoạt, các điệu múa cũng như trong đạo cụ, trang phục, nhạc cụ đệm... và đương nhiên không tránh khỏi ít nhiều phá vỡ tính nguyên bản của Xòe truyền thống.
Các nhà nghiên cứu đã tổng kết có ba hình thức Xòe chính là: Xòe nghi lễ, Xòe biểu diễn và Xòe giải trí. Nếu trong quá khứ chủ yếu phổ biến là Xòe nghi lễ và phần nào là Xòe biểu diễn, thì hiện nay Xòe biểu diễn và Xòe giải trí chiếm ưu thế.
Trong bối cảnh đương đại, Xòe Thái đương nhiên có sự vận động và biến đổi. Sinh hoạt Xòe đã có nhiều sắc thái mới thể hiện cả trong chức năng, hình thức trình diễn, tiết tấu âm nhạc, động tác múa, môi trường diễn xướng. Trước đây chỉ có nữ giới Xòe, bây giờ cả nam và nữ cùng Xòe. Người dân cũng ít tự chế tác trang phục dân tộc, đồ trang sức bằng phương thức thủ công như xưa. Vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa tộc người nhiều khi biến thành sự “tạo dựng bản sắc”, “sáng tạo truyền thống”. Đó quả thật là những vấn đề đáng lo ngại.
Do vậy, chúng ta cần nghiêm túc thực hiện những cam kết với UNESCO khi đệ trình hồ sơ ghi danh và cần xây dựng Chương trình hành động về các biện pháp bảo vệ di sản hậu vinh danh.
* Theo ý kiến của các nhà nghiên cứu văn hóa, di sản nghệ thuật Xòe Thái có tiềm năng to lớn để phát triển du lịch văn hóa ở vùng Tây Bắc, và việc phát triển du lịch cộng đồng sẽ như một phương pháp bảo tồn, phát huy nghệ thuật xòe Thái trong bối cảnh hiện nay. Bà có nghĩ vậy không?
- Chúng ta đang chủ trương khai thác và phát huy giá trị kinh tế của văn hóa nói chung, di sản văn hóa nói riêng như một nguồn lực nội sinh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch. Đó là chủ trương đúng, tuy nhiên, cần xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, giữa mục tiêu kinh tế và mục tiêu văn hóa.
Xòe Thái có thể trở thành một sản phẩm văn hóa mang đặc sắc Tây Bắc và phát triển du lịch cộng đồng có thể là một phương thức tốt để bảo tồn và phát huy nghệ thuật Xòe Thái. Tuy nhiên, sự phát triển đó chỉ có thể bền vững khi nó không làm tổn hại, sai lệch, bóp méo bản chất của di sản. Bản thân UNESCO cũng luôn cảnh báo về sự cẩn trọng khi khai thác di sản phục vụ phát triển du lịch, nhất là không khuyến khích xu hướng “hoành tráng hóa di sản” để thu hút du khách theo kiểu lập các kỷ lục Guinness như: Dàn đồng ca Quan họ đông nhất, màn đại Xòe lớn nhất thế giới… và coi đó là những “thực hành xấu” trong bảo vệ di sản.
3 hình thức Xòe chính Xòe nghi lễ thường gắn với các lễ hội bản, mường, lễ Kin Pang Then, các nghi lễ do các thầy cúng (thày Tào, thày Mo, thày Phựt, thầy Then) thực hiện. Xòe nghi lễ có nhiều điệu múa như: Múa dâng lễ, múa cầu vong, múa chào mời các hồn vía về, múa dâng lễ cám ơn các thiên binh cứu mệnh cho người ốm... Xòe biểu diễn thì do một nhóm nhỏ biểu diễn, còn số đông là khán giả đứng xem, mang tính trình diễn sân khấu nhiều hơn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn nghệ của người dân. Xòe biểu diễn thường kết hợp với các đạo cụ và được gọi theo tên đạo cụ như: Xòe khăn, Xòe nón, Xòe quạt, Xòe sạp, Xòe nhạc, Xòe gậy... Xòe giải trí diễn ra trong các sinh hoạt vui chơi, giải trí của cộng đồng, trở thành một hình thức cộng cảm và giao lưu, kết nối. Phổ biến nhất là các điệu Xòe vòng (xoé voóng) với số lượng người tham gia không giới hạn. |
Phát huy tính đại chúng của Xòe trong đời sống đương đại
* Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, các biện pháp bảo vệ các hình thức nghệ thuật biểu diễn truyền thống Xòe Thái cần tập trung vào sự chuyển giao tri thức và kiến thức, các kỹ năng biểu diễn, sản xuất nhạc cụ và thúc đẩy mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa các nghệ nhân và những người học nghề. Còn ý kiến của bà?
- Đúng như vậy, UNESCO rất coi trọng các biện pháp bảo vệ từ phía cộng đồng, từ các chủ thể đích thực của di sản, trong đó tập trung vào việc trao truyền, chuyển giao các tri thức, hiểu biết, kỹ năng thực hành di sản (không chỉ trong hoạt động biểu diễn, mà cả trong các nghi lễ, tập quán xã hội, các biểu đạt văn hóa liên quan), trong sản xuất và sử dụng nhạc cụ, đặc biệt là mối quan hệ gắn kết, cộng cảm giữa nghệ nhân và các thế hệ kế tục. UNESCO cho rằng các cộng đồng bản địa đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo ra, bảo vệ, duy trì và tái sinh di sản văn hóa phi vật thể, từ đó làm giàu thêm sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người.
Tuy nhiên, Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể năm 2003 của UNESCO cũng đưa ra một số biện pháp bảo vệ khác, đó là: nhận diện, tư liệu hóa, nghiên cứu, bảo tồn, phát huy, củng cố, chuyển giao, đặc biệt là thông qua hình thức giáo dục chính thức hoặc phi chính thức cũng như việc phục hồi các phương diện khác nhau của di sản.
* Cuối cùng, phải làm sao để Xòe Thái hội nhập được với đời sống đương đại, được giới trẻ và công chúng thưởng thức, sử dụng như một sản phẩm văn hóa mới, phát huy tính đại chúng nhưng không bị xói mòn những giá trị cốt lõi tạo thành bản sắc của Xòe Thái, thưa bà?
- Theo tinh thần Công ước của UNESCO, việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể không nhất thiết phải là sự bảo tồn nguyên trạng, “nguyên gốc” như truyền thống, mà có thể có sự vận động, thay đổi, thích nghi. Theo đó, khi chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác, di sản văn hóa phi vật thể “được các cộng đồng không ngừng tái tạo để thích nghi với môi trường và mối quan hệ qua lại giữa cộng đồng với tự nhiên và lịch sử của họ”.
Do vậy, để Xòe Thái hội nhập được với đời sống đương đại, được giới trẻ và công chúng quan tâm, Xòe Thái có thể có những sáng tạo mới để gia tăng tính nghệ thuật và sự hấp dẫn, phát huy tính đại chúng. Tuy nhiên, điều cốt lõi cần tuân thủ như khuyến cáo của UNESCO là di sản phải hình thành được trong cộng đồng ý thức về bản sắc dân tộc và sự kế tục của di sản, qua đó khích lệ sự tôn trọng đối với đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người. Cái gì cộng đồng thấy đúng là bản sắc, là văn hóa, là truyền thống của họ thì nên khuyến khích, hỗ trợ. Còn những gì xa lạ, lai căng, “hiện đại hóa”, “sân khấu hóa” thái quá thì không nên cổ xúy.
* Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!
Đôi nét về GS-TS Từ Thị Loan Nguyên Quyền Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam. Hiện nay là Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo của Viện; Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia. Các công trình chính nổi bật của bà có thể kể đến: Ca dao, dân ca vùng mỏ và vùng biển Quảng Ninh (2013); Di sản văn hóa tranh dân gian Đông Hồ (2016); Các loại hình giải trí trên phương tiện truyền thông mới tác động đến lối sống, (2017)… GS-TS Từ Thị Loan còn chủ biên, in chung nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa như Phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam (2017); Internet và sự tác động đến văn hóa Việt Nam (2019); Hệ giá trị văn hóa và con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế (2021); Văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (2010) Bảo tồn di sản văn hóa làng tranh dân gian Đông Hồ (2013) Xây dựng nhân cách văn hóa - Những bài học kinh nghiệm trong lịch sử Việt Nam (2014); Sự xuống cấp đạo đức ở nước ta hiện nay, nguyên nhân và giải pháp khắc phục (2016). Ngoài ra, GS-TS Từ Thị Loan đã công bố hơn 80 bài viết trên các Tạp chí khoa học chuyên ngành, sách và Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế. Trong đó liên quan đến chủ đề Xòe Thái có: Vai trò của Xòe Thái trong đời sống cộng đồng và sự vận động trong bối cảnh đương đại (2020); Giá trị của Then Tày, Nùng, Thái nhìn từ các tiêu chí của UNESCO (2016). |
Huy Thông (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất