Giáo sư Văn Tạo 'trao truyền' lịch sử qua 8.000 phút tự ghi âm

26/04/2015 09:00 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) – Hôm qua (25/4), Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam công bố một sự kiện đặc biệt: trong hơn 3000 tài liệu trao tặng cho Trung tâm, GS Văn Tạo, nguyên Viện trưởng Viện Sử học đã kể lại lịch sử bằng 118 băng ghi âm, tự ghi lại dần dần suốt 5 năm, từ năm 2009 đến 2013.

Bộ sưu tập băng ghi âm này có tên: Một thế kỷ qua những mẩu chuyện đời, là một bộ tư liệu di sản ký ức bằng chính giọng GS Văn Tạo. Ông kể lại qua nhiều nguồn tư liệu khác nhau, dưới góc nhìn của một nhà sử học. 

8.000 phút về ký ức

Với khoảng 8.000 phút ghi âm, bộ tài liệu này tái hiện những câu chuyện về quê hương, về quá trình xây dựng Ban Văn - Sử - Địa và Viện Sử học, về các nhân vật lịch sử như: Trần Huy Liệu, Trần Văn Giáp, Minh Tranh, Nguyễn Đổng Chi, Trần Đức Thảo, Đào Duy Anh…, về những buổi làm việc với các vị lãnh đạo nhà nước như: Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp...

Bộ băng ghi âm này cũng ghi lại những suy tư của GS Văn Tạo về quá trình nghiên cứu khoa học, giảng dạy, về các vấn đề lớn của đất nước mà ông quan tâm, trăn trở. Tất cả những câu chuyện, những kỷ niệm, những suy nghĩ được GS Văn Tạo đặt trong một bối cảnh rộng lớn về lịch sử, dựa trên các nguồn tài liệu mà ông thu thập, sưu tầm và lưu giữ.


GS Văn Tạo. Ảnh Internet

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam khẳng định, bộ tài liệu bằng lời của GS Văn Tạo có giá trị vô cùng to lớn, không chỉ về cuộc đời của một con người, mà còn chứa đựng nhiều thông tin về các vấn đề lịch sử, các nhân vật lịch sử và các sự kiện lịch sử mà tác giả chứng kiến hay có các tài liệu liên quan.

Ngoài ra, trong khối tài liệu quý của GS Văn Tạo còn có hơn 700 bức thư của các nhà khoa học như Trần Huy Liệu, Trần Văn Giàu, Nguyễn Đổng Chi, Minh Tranh… gửi cho ông, hay thư của hai vợ chồng ông gửi cho nhau trong những khoảng thời gian xa cách; hàng trăm bản thảo sách, bản thảo bài viết, giấy tờ, công văn và sách báo.

Người khởi xướng luận thuyết Công minh lịch sử và Công bằng xã hội

GS Văn Tạo, tên khai sinh là Nguyễn Xuân Đào, người làng La Tỉnh, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương, là một nhà nghiên cứu có những đóng góp xứng đáng trong nghiên cứu lịch sử và xây dựng Viện Sử học. Trong hơn nửa thế kỷ làm công tác nghiên cứu lịch sử, GS Văn Tạo đã để lại một sự nghiệp khoa học khá đồ sộ với gần một trăm cuốn sách do ông biên soạn, chủ biên hay tham gia biên soạn, hơn 200 bài viết công bố trên nhiều tạp chí trong các hội thảo khoa học trong nước và quốc tế.

Từ năm 1996, GS Văn Tạo đưa ra luận thuyết Công minh lịch sử và Công bằng xã hội. Trên quan điểm này, ông đã góp phần nhìn nhận lại một số vấn đề lịch sử như nhận thức lại về họ Khúc, về nhà Mạc và nhà Trịnh, hay nhận thức lại về các nhân vật như Thái hậu Dương Vân Nga, Trần Thủ Độ, Hồ Quý Ly, Phan Thanh Giản, Phạm Quỳnh…, nhận thức lại về một số sự kiện lịch sử như nạn đói năm 1945, quan hệ giữa hai nhân vật Phạm Bình Trọng và Nguyễn Hữu Cầu ở Hải Dương, phong trào Tự lực Văn đoàn… Những nghiên cứu của ông đã góp phần đưa ra những nhận thức mới trong nghiên cứu lịch sử.


GS Văn Tạo (phải) và PGS. TS Nguyễn Văn Huy (trái) trong buổi công bố bộ tư liệu của GS Văn Tạo. Ảnh BTC cung cấp

Một sáng kiến tuyệt vời

PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam gọi đây là “một sự kiện bất ngờ đặc biệt, bởi trong thời đại khoa học kỹ thuật này, việc ghi âm lời kể của các nhà khoa học hay của các nhân chứng là một việc làm bình thường. Nhưng trường hợp GS Văn Tạo thì khác hẳn. Ông đã dành 8.000 phút nói chuyện một mình, mặt đối mặt chỉ với chiếc máy ghi âm. 8000 phút nói không có người nghe, không người đối thoại, chỉ có ông và chiếc máy vô tri vô giác. Điều đó đặc biệt quá, bởi đã mấy ai làm được như vậy?”

PGS.TS Nguyễn Văn Huy nhấn mạnh: “Chúng tôi coi việc nhà khoa học tự ghi âm các câu chuyện của mình là một sáng kiến tuyệt vời. Bộ tư liệu tự kể chuyện bằng ghi âm của GS Văn Tạo mở ra một hướng tiếp cận mới đối với Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Đó là cách giữ gìn ký ức bằng cách tự ghi âm lưu lại cho đời sau, một hình thức thích hợp với những nhà khoa học cao tuổi mà việc viết lách đã trở nên khó khăn. Đây là một sáng kiến tuyệt vời mà nhà sử học Văn Tạo đã mở đường, để có thể áp dụng rộng rãi với các nhà khoa học khác.”

An Như

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm