Giáo sư Ngô Bảo Châu: 'Về hưu, tôi sẽ dịch sách hoặc... bán sách'

02/08/2013 13:22 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Nhà toán học đoạt giải Fields chưa bao giờ hết hào hứng khi nói về tình yêu của anh với sách. Theo tiết lộ của nhà văn Phan Việt, GS Ngô Bảo Châu từng thử dịch sách, đó là cuốn Khởi sinh của cô độc (Paul Auster).

GS Ngô Bảo Châu và nhà văn Phan Việt, đồng sáng lập tủ sách Cánh cửa mở rộng của NXB Trẻ, vừa có buổi trò chuyện về tủ sách với độc giả tại Thư viện Hà Nội chiều 1/8.

Nhân dịp này, tủ sách ra ba đầu sách mới: Núi thần của Thomas Mann, Khởi sinh của cô độc của Paul Auster, Tất cả chúng ta đều là cá của Neil Shubin.

Nhà toán học từng tập làm dịch giả

Ngoài Núi thần vốn là tác phẩm văn học mà GS Châu yêu thích nhất (như TT&VH đã đưa tin), thì Khởi sinh của cô độc cũng là cuốn sách mà anh có kỷ niệm riêng tư sâu sắc. GS biết đến quyển sách qua một bài viết của họa sĩ Trần Trọng Vũ ghi lại cảm nhận khi lần giở lại các di cảo của người cha là cố nhà văn Trần Dần. Trong Khởi sinh của cô độc, người kể chuyện cũng ở trong hoàn cảnh tương tự với họa sĩ Vũ.

GS Ngô Bảo Châu (phải) chụp ảnh kỷ niệm cùng nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán, ở giữa là cuốn Khởi sinh của cô độc. Ảnh: Mi Ly

Còn GS Châu? Anh kể: "Biết cuốn sách từ khi đó nhưng đến năm ngoái, tôi mới tìm đọc, vì đó là lúc tôi cảm thấy quá khứ của mình đang đổ vỡ, sắp tan biến. Tôi đọc cuốn sách vì có nhu cầu níu kéo lại quá khứ".

Sau khi đọc xong, GS đã thuyết phục nhóm thực hiện đưa cuốn này vào tủ sách. Chính anh dịch chương đầu, theo nhà văn Phan Việt thì "anh Châu dịch đoạn đó rất hay nhưng không thể tiếp tục công việc vì quá bận".

Không có lý do gì để nghi ngờ lời kể này vì GS Châu từng viết các đoạn giới thiệu sách ngắn đều cuốn hút và đậm chất văn chương, khiến người đọc ngạc nhiên về khả năng viết của một nhà toán học. Về sau, Khởi sinh của cô độc đến với độc giả Việt Nam qua bản dịch của dịch giả Phương Huyên.

Khởi sinh của cô độc không hề khó đọc như cái tên nghe khá "hàn lâm" của nó. Văn phong của cuốn sách rất hấp dẫn, mô tả hành trình người con trở về ngôi nhà nơi người cha quá cố đã sống và cố hình dung ra sự cô độc của người cha.

Cuốn sách khiến người tù xúc động

Cánh cửa mở rộng là tủ sách dịch có nhiều tựa sách hay, bản in đẹp của NXB Trẻ. Về tủ sách này, nhà văn Phan Việt đã trả lời phỏng vấn TT&VH trong bài “Cánh cửa mở rộng phải hài hước và điên rồ hơn (đăng trên TT&VH Cuối tuần ra ngày 26/7).

Cánh cửa mở rộng là một kỷ niệm đẹp với GS Châu. Anh nói, anh thích sách, đặc biệt là sách văn học, từ nhỏ và luôn tò mò về quá trình người ta xuất bản sách. Quá trình làm bộ sách Cánh cửa mở rộng thì anh đã thỏa mãn được sự tò mò này.

"Thỉnh thoảng tôi cũng dịch chơi vài bài thơ. Khi dịch, tôi thấy rất thú vị, chỉ tiếc là không có thời gian. Một ngày nào đó, khi đã về hưu và không làm toán nữa, có lẽ tôi sẽ dịch sách hoặc bán sách vì đó là những công việc mà tôi rất muốn làm" - GS tâm sự.

Trong buổi tọa đàm, công chúng vẫn băn khoăn về sự đón nhận của độc giả với bộ sách, trong đó có những cuốn đậm chất tri thức. GS Châu kể ra hai kỷ niệm khiến anh tin rằng tủ sách được đón nhận tích cực. Một lần hiếm hoi đến phố sách Đinh Lễ ở Hà Nội, anh thấy sách Cánh cửa mở rộng vẫn được bày bán ở nhiều hàng, ở những vị trí tương đối dễ nhìn. "Có lẽ bán cũng được" - anh nói.

Kỷ niệm thứ hai là với một người bạn thân của GS. GS từng đến thăm bạn và mang tặng 5 cuốn của bộ sách. Đến khi quay lại, lời đầu tiên người bạn nói là cảm ơn anh về cuốn Phải trái đúng sai (tác giả: Michael Sandel, dịch giả: Hồ Đắc Phương). Đây là một cuốn sách triết học viết theo kiểu "mặc thường phục", dễ hiểu và dễ đi vào lòng người.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm