21/12/2014 12:10 GMT+7 | Thể thao
(Thethaovanhoa.vn) - Xung quanh Đề án Nâng cao thể lực và tầm vóc con người Việt Nam từ 2011 đến 2030 (gọi tắt Đề án 641), Thể thao & Văn hóa đã có cuộc trao đổi với nguyên phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, nguyên Viện trưởng viện Khoa học TDTT Dương Nghiệp Chí, người biên soạn chính của đề án.
* Là người soạn thảo chính của Đề án 641, ông có thể giới thiệu tóm tắt mục đích của Đề án này?
- GS Dương Nghiệp Chí: Mục tiêu tổng quan của Đề án 641 là góp phần thay đổi thể lực và tầm vóc người Việt Nam, giúp người Việt Nam khỏe và thông minh lên, tăng cường chất lượng cuộc sống. Đó là mục đích chính của Đề án.
Bên cạnh đó, Đề án giúp cho thế hệ trẻ có những sân chơi giải trí, để họ không bị ảnh hưởng từ những tiêu cực của xã hội.
* Một trong những nội dung quan trọng của Đề án 641 là nâng chiều cao người Việt Nam lên 2,5 tới 3,5 cm trong giai đoạn 2011-2030. Nội dung này được xây dựng trên cơ sở khoa học nào, thưa ông?
- Theo tính toán thông thường của quốc tế, cứ 10 năm, chiều cao trung bình của một quốc gia tăng được 0,7 cm. Nhưng nếu chúng ta cố gắng phát triển chiều cao thân thể bằng biện pháp dinh dưỡng và thể thao hợp lý, tốc độ tăng sẽ nhanh hơn. Thêm nữa, ở Việt Nam, sau thời gian chiến tranh, chúng ta luôn có một khoảng tăng trưởng bù cho sức khỏe và chiều cao thân thể.
Vì thế, tốc độ tăng chiều cao thân thể của chúng ta có thể không chỉ là 0,7 cm trong 10 năm mà sẽ là gấp đôi. Vì thế, khả năng chúng ta đạt chiều cao như trong đề án là hoàn toàn có thể.
* Trong quá khứ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã từng thực hiện những Đề án tương tự 641. Việt Nam chúng ta đã học hỏi được gì từ thành công của các nước bạn?
- Nhật Bản đã tiến hành đề án này từ trước. Hàn Quốc đi sau Nhật Bản một chút. Từ năm 1951, người Nhật đã nêu những vấn đề mấu chốt liên quan tới tăng trưởng chiều cao thân thể. Đó là dinh dưỡng và thể dục thể thao.
Sau 20 năm thực hiện, họ đã đạt được chiều cao thân thể lý tưởng. Hiện tại, chiều cao trung bình của nam giới Nhật Bản hơn chúng ta từ 8 tới 10 cm, nữ thì hơn 3 cm. Đó là kết quả của một quá trình kéo dài 20 năm.
* Xin ông cho biết chi tiết 4 chương trình của Đề án 641?
- Đề án 641 thực ra có hai chương trình chủ yếu là chương trình về dinh dưỡng và chương trình về chiều cao, đó là chương trình 2 và chương trình 3. Nhưng chúng ta cũng phải có thêm chương trình 1 là nghiên cứu cơ bản bởi từ xưa tới nay, Việt Nam chưa từng có những nghiên cứu cơ bản về các yếu tố ảnh hưởng tới chiều cao thân thể của người Việt và thực trạng chiều cao hiện tại. Trong suốt một thời kỳ dài, chúng ta đã không để ý tới điều đó. Trong khi đó, chương trình 4 có nhiệm vụ chuyển đổi nhận thức và hành vi của xã hội thông qua truyền thông.
Mục tiêu của 4 chương trình cũng khá rõ ràng. Chương trình 1 sẽ nghiên cứu cơ bản những yếu tố ảnh hưởng tới chiều cao thân thể và sức khỏe người Việt Nam. Chương trình 2 nghiên cứu dinh dưỡng và phổ biến dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và trẻ em từ 2 tới 18 tuổi có một hiểu biết tốt. Chương trình 3 nhằm mục đích phát triển thể chất, thể thao trong trường học từ độ 3 tới 18 tuổi. Chương trình 4 là truyền thông cải thiện nhận thức, hành vi của người dân, nhất là thế hệ trẻ phải có ý thức về sức khỏe thân thể.
* Vậy đối tượng hưởng lợi chủ yếu của Đề án 641 là ai, thưa ông?
- Đối tượng của dinh dưỡng là từ bà mẹ mang thai cho tới 18 tuổi. Lý do là bởi con người phát triển cao ở hai giai đoạn. Giai đoạn một là từ bào thai tới 1 tuổi, giai đoạn hai từ tiền dậy thì tới dậy thì.
* Kinh phí dự tính của Đề án 641 là hơn 6000 tỷ? Xin ông cho biết Ban điều phối đã dựa vào cơ sở khoa học nào để đưa ra con số này?
- 6000 tỷ là một con số ước lượng. Phần lớn kinh phí sẽ lấy từ nguồn xã hội hóa và của gia đình. Còn kinh phí của Nhà nước, tôi có thể khẳng định là rất ít. Chúng ta chưa thể trả lời chính xác kinh phí của Nhà nước sẽ là bao nhiêu bởi từng chương trình sẽ phải làm việc với Bộ Tài chính. Họ sẽ ra một thông tư liên tịch giữa Bộ Tài chính, Bộ VH,TT&DLvà, Bô GDĐT và Bộ y tế để cho phép từng khoản chi của từng chương trình, từ đó, ta mới có con số chính xác.
Nguồn kinh phí chính của chương trình sẽ đến từ xã hội và gia đình. Chuyện dinh dưỡng của từng nhà phải do các gia đình giải quyết cho con em mình. Nhà nước không thể nuôi dạy trực tiếp trẻ em được. Việc luyện tập thể dục thể thao cũng chủ yếu là trách nhiệm của trường học và gia đình. Nhà nước chỉ làm 3 việc hướng dẫn, tổ chức và động viên chứ không làm thay được cho gia đình và xã hội.
* Trong những bước đi đầu tiên, Đề án 641 đã vấp phải những khó khăn nào, thưa ông?
- Chúng ta đã chuẩn bị Đề án 641 từ rất lâu, khoảng đầu những năm 2000. Trước tiên, chúng ta điều tra thực trạng thể chất của người Việt Nam. Bên dinh dưỡng cũng làm những điều tra cơ bản về dinh dưỡng. Trên cơ sở đó, chúng ta mới làm được Đề án này.
Để ra đời, Đề án 641 đã vấp phải rất nhiều khó khăn. Thứ nhất là nhận thức. Người Việt Nam chúng ta hiểu được cần tăng sức khỏe, tăng chiều cao thân thể, tăng trí lực, tăng thể chất. Trong thời đại ngày nay, Việt Nam cũng chưa phải là nước công nghiệp nên ta chưa thấy được tầm quan trọng của nguồn nhân lực. Nhận thức của chúng ta về vấn đề này là yếu.
Thứ hai, kinh phí của chúng ta cũng gặp khó khăn. Nghe tới số tiền ấy (hơn 6000 tỷ đồng), người ta cứ tưởng là tiền Nhà nước nên ai cũng ngại hết. Ngoài ra, chúng ta cũng đối mặt với những vấn đề về tổ chức, hoạt động triển khai này khá chậm chạp. Chúng ta phải để thời gian kéo dài tới 20 năm bởi có thể sẽ mất hàng chục năm để xử lý nhận thức, huy động kinh phí. Chúng ta không thể vội được nên đành phải bình tĩnh.
Chúng tôi cũng đã lường trước mọi thứ sẽ cực kỳ khó khăn đó nên mới đề ra mốc 20 năm từ 2011 tới 2030, nếu không chỉ làm 5 năm thôi.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Thanh Hà (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất