Giao lưu văn hóa Việt - Nga (kỳ 1): Một 'biên niên sử' đặc biệt

19/12/2019 11:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nền văn hóa của Việt Nam và nước Nga đã có một mối quan hệ rất lâu đời, luôn nồng ấm, tin cậy, vượt qua mọi thử thách của thời gian và sự biến động của lịch sử… Để rồi, câu chuyện ấy lại được xới lại trong năm 2019 - năm kỷ niệm 220 năm ngày sinh Đại thi hào A.S. Pushkin, và năm tôn vinh "Việt Nam trong lòng nước Nga và nước Nga trong lòng Việt Nam".

TTXVN và Liên doanh Việt - Nga mở triển lãm ảnh Biển đảo Tổ quốc

TTXVN và Liên doanh Việt - Nga mở triển lãm ảnh Biển đảo Tổ quốc

Sáng nay, tại nhà Triển lãm 45 Tràng Tiền, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, Thông tấn xã Việt Nam phối hợp với Liên doanh Việt – Nga phối hợp tổ chức Triển lãm Ảnh “Biển đảo Tổ quốc”.

Theo dịch giả, nhà thơ Thúy Toàn, nếu nói về quan hệ văn hóa ban đầu giữa hai nước Việt – Nga, đã có những tư liệu cho thấy, từ thế kỷ XV đã có người Nga quan tâm đến Việt Nam. Và ngược lại, từ thế kỷ XVII- XVIII, cũng đã có những người Việt Nam quan tâm đến nước Nga.

Từ thời “chạm ngõ”

Còn ở sự giao lưu trực tiếp giữa những bậc tri thức văn hóa của hai nước có thể kể đến cuộc gặp gỡ thăm hỏi giữa nữ sĩ Nga Tachiana Sepkina Kupernik (1874 – 1952) với vua Hàm Nghi, bị thực dân Pháp đầy sang Algeria, vào năm 1903. Ở góc độ văn học, tác phẩm Việt Nam được giới thiệu sang tiếng Nga đầu tiên, có thể kể đến “ba bài ca dao đồng dao Việt Nam” được nhà thơ Nga nổi tiếng Nikitin Gumiliov (1886-1921) dịch từ tiếng Pháp đăng trong tập thơ mỏng 80 trang có tên Tòa nhà bằng sứ ấn hành năm 1918.

Chú thích ảnh
Hội thảo khoa học Quốc tế “Việt Nam – Liên bang Nga: Giao lưu, đối thoại văn học và văn hóa”

PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp – Viện trưởng Viện Văn học cũng cho biết, những kết nối tư tưởng và văn hóa giữa hai quốc gia dã được đặt nền móng qua hai nguồn mạch: những người cộng sản tìm đường cứu nước và quy luật giao lưu văn hóa. Ở nguồn mạch thứ nhất, Nguyễn Ái Quốc và các nhà cách mạng Việt Nam theo học tại Đại học Phương Đông (1923 - 1930) được coi là những người tiếp xúc rất sớm với văn học và văn hóa Nga. “Về sau đây sẽ là nguồn chính, khi ý thức hệ Mác-xít được truyền bá vào Việt Nam, kéo theo sự xâm nhập mạnh mẽ của tư tưởng văn học Mác-xít qua các bài viết của Hải Triều và nhóm nghệ thuật vị nhân sinh trong thập niên ba mươi của thế kỷ XX” – ông nói.

Chú thích ảnh
PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp – Viện trưởng Viện Văn học

Mặt khác, nhiều bản dịch văn học Nga đã xuất hiện từ trước Cách mạng tháng Tám qua Pháp văn và Trung văn như Người mẹ của M.Gorki, Anna Karenina của L.Tolstoi, Năm đêm trắng của Dostoevsky...

Giao lưu văn học Việt - Nga được phát triển mạnh từ sau 1945, khi thiết chế xã hội cũng như thiết chế văn hóa Việt Nam và Liên Xô đều vận hành trong quỹ đạo chung về hệ tư tưởng. Ngay trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, lượng tác phẩm văn học Nga đã được dịch khá nhiều. Điển hình, thi phẩm Đợi anh về của K.Simonov (Tố Hữu dịch qua bản tiếng Pháp) đã trở thành một hiện tượng văn học nổi bật và được nhiều người yêu thích.

… Đến thời kì hoàng kim

Thời điểm từ giữa những năm 1950 cho đến giữa những năm 1980 của thế kỷ XX có thể coi là thời hoàng kim của văn học Nga Xô Viết ở Việt Nam. So với các quốc gia khác, số lượng ấn phẩm văn học Nga Xô Viết được dịch và giới thiệu ở Việt Nam nhiều hơn hẳn. (Không chỉ trong lĩnh vực văn học mà hầu hết các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật khác đều rất được quan tâm).

Chỉ tính riêng từ năm 1945 đến năm 1987 đã có hơn 900 đầu sách văn học Nga và Xô Viết được dịch và giới thiệu ở Việt Nam. Điều này giúp cho đông đảo độc giả trong nước có cơ hội thưởng thức các tác phẩm văn học kinh điển Nga, cũng như các kiệt tác văn học của nhiều đại văn hào và thi hào Nga như L.Tolstoi, Dostoievski, Pushkin, Lermontov, Trekhov, Gogol, Solokhov, Paustovski...

Chú thích ảnh
PGS.TS. Bùi Nhật Quang (Ủy viên Dự khuyết BCH TW Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Theo nhận định của Viện trưởng Viện Văn học, giao lưu văn hóa là mối tương tác hai chiều. Ở chiều thứ nhất, ảnh hưởng của văn học Nga đến văn học Việt Nam là vô cùng to lớn. Điều này có lý do của nó, bởi lẽ văn học Nga là nền văn học hàng đầu thế giới. Tiếp xúc với những tác phẩm văn học kinh điển Nga, người đọc Việt Nam cảm nhận được vẻ đẹp văn hóa, tâm hồn và tính cách Nga. Mặt khác, nhiều sáng tác nổi bật trong văn học Nga thời Xô viết cũng được độc giả Việt đón nhận nồng nhiệt bởi những chủ đề, hình tượng về tình yêu tổ quốc, tinh thần chiến đấu, xả thân về lý tưởng. Nói cách khác, đây là sự cộng hưởng mang tính “thời sự" rõ nét giữa văn học Việt Nam thời chiến và văn học Nga thời Xô viết.

Tuy nhiên, bên cạnh tính sử thi mãnh liệt, những sắc thái trữ tình say đắm trong văn học Nga cũng tạo ảnh hưởng lớn. Văn học thiếu nhi Nga cũng được bạn đọc Việt Nam yêu thích. Sau này, trong bối cảnh lịch sử văn hóa mới, nếu những tác phẩm văn học quá đậm tính thời sự trong thời đại Xô viết không còn hấp dẫn thế hệ trẻ, nhất là những người chưa từng trải qua chiến tranh thì những kiệt tác như Chiến tranh và hòa bình, Anna Karenina của L. Tolstoi, Tội ác và trừng phạt, Những kẻ tủi nhục của F.Dostoevsky, thơ của A.Pushkin, A.Blok, S.Esenin, ...vẫn được yêu mến và ngưỡng mộ.

Cũng cần nói thêm rằng, không chỉ miền Bắc Việt Nam mà ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954 – 1975, văn học Nga vẫn được dịch và giới thiệu. Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng văn hóa phương Tây, đặc biệt văn hóa Mỹ, việc giới thiệu văn học Nga Xô viết ở các đô thị miền Nam Việt Nam, tuy không nhiều, nhưng đã góp phần tạo nên sự đa dạng của đời sống văn học.

Chú thích ảnh
Bà Natalia Shafinskaya - Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội phát biểu tại hội thảo

Khôi phục và nhiều khởi sắc

Sau khi Liên Xô tan rã, sự hợp tác giữa hai nước gặp hàng loạt khó khăn. Giao lưu văn hóa và văn học vì thế không tránh khỏi tình trạng sút giảm, ngưng trệ. Ở Việt Nam từ sau 1986, văn học Âu – Mỹ và Trung Hoa ngày càng lấn lướt, chiếm thị phần lớp trong văn học đương đại. Tuy nhiên, bước sang thế kỷ mới, quan hệ văn hóa giữa Việt Nam – Liên bang Nga đã được khôi phục và có nhiều khởi sắc trong quan hệ hợp tác. Vì thế, các hoạt động trao đổi, hợp tác văn hóa giữa hai nước đã được tăng cường trở lại. Cụ thể, liên tục từ năm 2001 đến năm 2008, việc tổ chức thành công "Những ngày văn hóa Nga", "Những ngày Moskva ở Hà Nội”, "Những ngày văn hóa Việt Nam" tại Nga đã góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và quảng bá, giới thiệu văn hóa Việt – Nga đến với đông đảo nhân dân hai nước.

Chia sẻ về hoạt động giao lưu giữa hai nước Việt – Nga, bà Natalia Shafinskaya- Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội cho biết: như thực tiễn thế giới cho thấy, cách hiệu quả nhất để đối thoại bình đẳng cùng có lợi giữa các quốc gia là dùng phương pháp nhân văn. Sự tương tác trong các lĩnh vực văn hóa và văn học trở thành nền tảng cho sự phát triển quan hệ giữa hai nước Việt – Nga trong nhiều lĩnh vực. Điều này có được do sự hiểu biết lẫn nhau về bối cảnh lịch sử, đặc điểm tinh thần và văn hóa giữa hai quốc gia.

Hội thảo Việt - Nga về "đối thoại văn học và văn hóa”

Mới đây, tại Hà Nội, Viện Văn học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Viện Văn học thế giới mang tên M. Gorki thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga tổ chức Hội thảo khoa học Quốc tế “Việt Nam – Liên bang Nga: Giao lưu, đối thoại văn học và văn hóa”.

Có thể coi Hội thảo lần này tại Hà Nội là sự tiếp nối của hội thảo đã diễn ra tại Moskva do Viện Văn học thế giới M. Gorki và Viện Văn học tiến hành hồi tháng 6/2019.

Hội thảo là một diễn đàn học thuật đối thoại cởi mở và thẳng thắn, thu hút 50 tham luận của các chuyên gia hai nước.

Công Bắc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm