Đô thị cổ Phố Hiến, Hội An và Malacca (*)

15/01/2012 13:30 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Tiếp theo kỳ 1 trên TT&VH số Chủ nhật tuần trước (8/1), nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng tiếp tục đưa ra một cái nhìn so sánh giữa Phố Hiến, Hội An và cả Thăng Long nữa với đô thị cổ Malacca của Malaysia.

1. Quy hoạch kiến trúc của cả ba đô thị Phố Hiến, Hội An và Malacca đều có những đặc điểm chung, và đều thịnh vượng trong thế kỷ 17.

Ở Hội An kiến trúc vì kèo gỗ phố biến hơn, trong khi đó ở Phố Hiến và Malacca kiến trúc vì kèo phối hợp với kiến trúc gạch là nét chính, khiến người ta có thể xây được nhà hai và ba tầng, hoặc xây cao hơn. Những ngôi nhà ở Hội An và Malacca có hệ thống vì kèo khá thoáng rộng, và người ta thường ghép hai ba ngôi nhà liên tiếp kéo thành một dãy dài sâu tít vào trong, đôi khi xuyên sang mặt phố bên kia và dài đến cả trăm thước.


Một cửa hàng của tại thị xã Hội An.

Trong cái trục dài đó có vài khoảng sân giãn cách làm vườn và mở ánh sáng. Ngôi nhà mặt ngoài là nơi bán hàng, giao tiếp, ngôi nhà thứ hai làm gian trưng bày và để hàng, rồi sân nghỉ và nhà trong nơi sinh hoạt của gia chủ, kho tàng ở tít trong sâu, gác hai là nơi bày biện, thờ cúng, cất đồ quý, và các phòng riêng của gia đình.

Nhiều căn nhà chỉ có gác hai ở nhà mặt tiền, rồi vào trong cũng chỉ là một tầng. Với người Hoa, bán hàng ăn là một hoạt động thương mại tốt, nhất là với dân buôn bán đi lại cần nhà trọ và nơi ăn uống thường xuyên. Nhiều ngôi nhà được gọi là cao lâu, tửu điếm, thấp hơn là quán trọ, nơi du khách có thể nghỉ chân và ăn uống. Gian ngoài mặt tiền là nơi tiếp khách và ăn nhẹ, thực khách ăn nặng cho các bữa trưa và tối và bàn công chuyện thường lên lầu hai, do đó ngôi nhà gỗ được thiết kế tốt hơn, với hệ thống khung gác khỏe.

Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng

2. Nếu so với Thăng Long cổ trước khi Pháp đô hộ, phố phường có được quy hoạch ở phía đông bắc so với ngôi thành, nhưng sự phát triển của nhà ở trong các phường (phố) mang tính tự nhiên nhiều hơn. Các ngôi nhà chú ý đến mặt tiền để buôn bán, giếng trời ở giữa và gian trong, rồi khu phụ, và khoảng đất trống trong cùng. Bốn mặt của một khu vực đều phát triển như vậy, nên khu trống chung phía trong người ta thường phóng uế và đổ rác bừa bãi. Dần dà dân cư đông đúc, người ta tiến vào phía trong, nhà nào tiến trước thì dài hơn nhà phía đối diện, một vài xóm ngõ hình thành, và nói chung không có cái nào thẳng hàng, đôi khi rất ngóc ngách, ở các góc phố thì đâm vào theo đường chéo. Trong phố phường lại xen kẽ nhiều ao hồ, làng mạc, nên có vẻ Thăng Long hơi lộn xộn.

Chuyên mục do nhà phê bình Phan Cẩm Thượng thực hiện, xuất hiện vào số Chủ nhật hàng tuần


Phố Hiến và Hội An lại rõ hơn cùng vì nó chỉ có vài con phố song song thẳng hàng, nhưng hình như được quy hoạch rõ như thế ngay từ đầu.

Malacca nằm trong một khu vực hơi vuông có kênh chạy vòng quanh và đường phố mang nhiều nét châu Âu do từng bị Bồ Đào Nha, Hà Lan rồi Anh quản lý (Malacca từng là một pháo đài do người Bồ Đào Nha xây dựng vào đầu thế kỷ 16 để chống lại triều đình người bản địa và để kiểm soát thương mại đường biển trong khu vực).



Cầu Chùa, cây cầu người Nhật Bản xây dựng vào thế kỷ 17, cũng là nơi ngăn cách hai khu phố buôn bán của thương gia Tàu và Nhật trong thời gian đó

3. Chưa có những nghiên cứu về thương mại của những đô thị trên, ngoài nghiên cứu các di tích kiến trúc. Về Malacca xa xôi chúng ta không rõ và cần rất nhiều thời gian để tìm hiểu, riêng thương mại Việt Nam trong những thế kỷ 17 -18 của Phố Hiến và Hội An, cùng Thăng Long nói chung có những đặc điểm của thói quen bán hàng cho người nước ngoài khi đến Việt Nam.

Đa phần họ đều kêu ca rằng họ mất rất nhiều thời gian đợi người bản xứ tập trung hàng hóa và không thể không biếu xén cho quan lại. Và để có hàng những lái buôn phải đưa tiền trước và được hẹn đến một thời gian nào đó rồi mới có hàng để nhận. Như vậy những thương nhân nước ngoài sống ở Phố Hiến và Hội An chính là những người thu gom hàng hóa trong nội địa rồi có thể bán ngay cho các tầu buôn nước ngoài thay vì họ mất rất nhiều thời gian đợi người bản xứ.

Hàng hóa Việt Nam lúc đó, chắc cũng giống bây giờ, tức là chủ yếu là nguyên liệu, hương liệu, chứ không có mấy hàng sản xuất. Đồ gốm, gia vị, gỗ quý, trầm hương, đồi mồi, ngà voi, chim thú quý, tơ tằm (chứ không phải lụa).

Công nghệ thủ công của Đại Việt có thể so sánh với bất cứ nơi nào, nhưng nó lại không hề có sẵn, mà chỉ được làm khi các gia chủ đặt hàng, và người thợ đến nhà gia chủ ở vài năm để làm xong một bộ đồ thờ hay đồ thủ công gì đó. Điều đó hoàn toàn không thích hợp với thương mại xuất khẩu. Chắc chắn Phố Hiến và Hội An đóng một vai trò quan trọng hơn thế bởi nó là cầu nối và bù đắp cho cái nền thương mại phong kiến không được coi trọng.

    Phan Cẩm Thượng


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm