Kỷ lục gia Giản Thanh Sơn: “Chuyển thể” kỷ lục ảnh thành… tranh!

29/05/2009 11:02 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Đang nắm giữ 2 Kỷ lục Việt Nam nhờ nhiếp ảnh, Giản Thanh Sơn bỗng chuyển sang vẽ tranh và gấp rút chuẩn bị triển lãm. Tranh của Giản Thanh Sơn sẽ như thế nào so với những bức hình ông chụp?

Từng vẽ tranh… cổ động

 Giản Thanh Sơn tự họa 
Giản Thanh Sơn nhận Kỷ lục Việt Nam lần thứ nhất khi triển lãm bộ ảnh Chân dung chính khách, gồm các bức hình ông chụp các nhà chính trị của Việt Nam và thế giới ngay trên lãnh thổ nước ta. Lần thứ hai ông nhận kỷ lục này khi triển lãm bộ ảnh Việt Nam nhìn từ không trung, gồm những bức hình chụp lãnh thổ Việt Nam từ trên máy bay.

Để thực hiện được hai bộ ảnh như vậy thật không dễ dàng, đầu tiên là điều kiện để tiếp cận nhân vật, phong cảnh mà mình muốn chụp. Sau đó, là ý thức nghề nghiệp, chụp để phục vụ cho một ý tưởng đã nung nấu từ lâu. Cả hai bộ ảnh trên, Giản Thanh Sơn đều phải chắt lọc hơn chục năm ròng và tranh thủ mọi lúc, mọi hoàn cảnh có thể để phục vụ cho ý tưởng của mình.

Giản Thanh Sơn cho biết ông đã học vẽ từ hơn 20 năm trước ở một khóa học của trường Văn hóa thuộc Bộ Văn hóa Thông tin lúc đó. Sau khi học xong ở trường này, ước mơ cầm cọ luôn cháy bỏng, nhưng vì điều kiện công việc nên ông chỉ vẽ tranh cổ động chứ chưa khi nào được vẽ những điều mình thích. Khoảng 10 năm nay, ông Sơn vẫn túc tắc vẽ tranh nhưng là vẽ trên máy vi tính. Việc vẽ tranh của ông được thực hiện khá im lặng, im lặng như chính sự cô đơn của sáng tạo, cho đến ngày ông quyết định mang tranh ra triển lãm. Hỏi ông vì sao không vẽ bằng sơn dầu hay trên một chất liệu “có thật” nào đó mà lại dùng “con chuột”? Ông cười hiền lành như bản tính vốn thế: “Nhà mình chật, không bày biện khung giá vẽ được”.

Sáng tạo hai lần

Nhưng chính hoàn cảnh “khách quan” của đời sống gia đình, Giản Thanh Sơn mới có được những họa phẩm “kỹ thuật số” như ý mình. Nếu vẽ bằng sơn dầu hay những chất liệu “có thật”, thì cùng lắm ông Sơn cũng chỉ cho ra những bức tranh bình thường như nhiều bức tranh khác. Tranh ông Sơn được vẽ dựa trên những bức hình mà ông đã chụp với đủ loại đề tài. Từ những bức hình này, ông dùng kỹ thuật của máy vi tính để bố cục lại, thêm màu bớt sắc để cho ra một họa phẩm theo trí tưởng tượng của riêng mình. “Suy cho cùng, vẽ bằng chất liệu gì đi chăng nữa cũng chỉ là công cụ để đạt đến hiệu quả nghệ thuật mình mong muốn” - Giản Thanh Sơn cho hay.


Nhà nhiếp ảnh Võ An Ninh

Xem lại những bức hình trong bộ ảnh Việt Nam nhìn từ không trung của ông, thấy rằng mỗi tác phẩm như một bức tranh với những sắc màu thiên nhiên hoàn chỉnh. Thì nay, trên những bức hình như thế, ông thêm vào những màu sắc, đường nét của riêng mình không gì khác hơn là mong muốn bức tranh “thiên nhiên” hoàn thiện hơn. Nói cho đúng hơn, ông Sơn muốn ngắm nhìn để sáng tạo lần thứ hai cho những gì đã sáng tạo lần thứ nhất bằng ngôn ngữ nhiếp ảnh. Chẳng hạn như, khi chụp một công trình kiến trúc cổ, ông Sơn nhìn công trình bằng mắt thông qua ống kính với những góc độ của ánh sáng khác nhau. Giờ mang những bức hình như vậy ra vẽ, ông muốn nhìn lại công trình kiến trúc đó, hay phong cảnh đó thông qua một “giấc mơ” hay là sự “ám ảnh” mà một ngôn ngữ nghệ thuật chưa “giải mã” hết. Những giấc mơ, sự ám ảnh được ông giải bày khi nửa đêm về sáng, lúc những xáo trộn của ngày đã tạm ngủ yên, đó cũng là cách lựa chọn của những tâm hồn nhạy cảm, dễ tổn thương.

Cuộc chơi màu sắc

Nhận xét về những bức tranh của Giản Thanh Sơn dưới góc nhìn chuyên môn, xin mượn lời họa sĩ Đỗ Duy Ngọc - người lâu năm gắn bó với tranh kỹ thuật số: Biến ảnh thành tranh. Bằng những bộ lọc (filter) thông dụng của phần mềm Adobe Photoshop, anh đã làm một cuộc chơi màu sắc nhiều thú vị. Nhiếp ảnh chỉ còn là chất liệu, là cái cớ để tạo một cuộc chơi mới. Ánh sáng và hình ảnh của tấm ảnh được xử lý một cách ngẫu nhiên và tài tình để trở thành những sắc màu của hội họa. Sáng tạo vốn là sự ngẫu nhiên, vấn đề của người nghệ sĩ là nắm bắt được sự tình cờ để biến khoảnh khắc vô tình đó trở thành vĩnh cửu. Giản Thanh Sơn đã làm được điều này với tâm thế của một người nghệ sĩ sáng tạo.


Nét cổ

Trong loạt ảnh này, những mảng màu chìm nổi, những đường nét cắt chia, những dòng suối màu nhảy múa đã mang lại cho tác phẩm sự sinh động lạ kỳ như được vẽ bằng chất liệu sơn dầu trên bố. Những bức tranh này được thực hiện không theo một trường phái nghệ thuật. Do vậy ta sẽ bắt gặp Paul Klee, Miro cùng sánh bước với Gauguin, Degas. Ta cũng đồng cảm với những hình ảnh méo mó, dị dạng giống tranh của Savador Dali và những sắc màu của không gian Pop Art. Người thưởng ngoạn sẽ đi từ trường phái Ấn tượng (Impressionism) đến sắc độ của nhóm Tân cổ điển (Newclassics), từ khối màu của hội họa Trừu tượng (Abstract) đến nét gãy hình học phi lý của hội họa Lập thể (Cubism)... Thế giới hiện thực của nhiếp ảnh qua bàn tay và khối óc nghệ sĩ đã trở thành những tác phẩm của một thế giới khác, một không gian khác làm ta tưởng rằng hình như nó phi hiện thực.

Đối với người nghệ sĩ đồ họa, xử lý hình ảnh là công việc bình thường. Nhưng dùng chính những tác phẩm nhiếp ảnh của mình để rồi biến nó thành một không gian và đường nét khác... thì công việc này không còn là vấn đề sử dụng công cụ mà là một công việc sáng tạo nhiều hứng thú.

Hoàng Nhân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm