Gian nan phía sau cánh cửa đại học

26/09/2018 07:21 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 25/9/2018 tại Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM đã diễn ra buổi tọa đàm về sinh viên sau khi ra trường do CLB Sách vàng tổ chức, với 3 diễn giả gồm giảng viên Phạm Quỳnh Giang, tác giả Phi Tuyết và tác giả Dương Duy Bách.

Đây là cuộc tọa đàm mở rộng nhiều chủ đề, bổ ích và thiết thực với sinh viên, vì thật sự đến nay đại học không còn là cánh cửa chỉ màu hồng, mà khi bước qua đó sẽ gặp con đường thênh thang, nhung lụa.

Phần lớn những người thực sự bước qua cánh cửa đại học đều nhớ về thời khắc thi vào đại học rất khó khăn, rồi những tháng ngày sinh viên sống thiếu thốn nhưng vui vẻ, những tình bạn ngắn dài, những mối quan hệ và yêu đương có thể chưa trọn vẹn. Và quan trọng hơn, khi bước qua cánh cửa đại học, con đường để tìm việc làm đúng chuyên môn, có thu nhập phù hợp còn khó khăn hơn cả việc thi vào đại học.

Nhiều tân cử nhân đã chạm phải cú sốc không hề nhẹ, khi mà trong trường họ học khá học giỏi, nhưng khi chạm vào thực tế khắc nghiệt, đôi khi phũ phàng, lại bị bẽ bàng.

Chú thích ảnh
Buổi tọa đàm. Ảnh: CLB Sách vàng

Mang tên Đi tìm hạnh phúc sau cánh cửa đại học, cuộc toạ đàm đã đem đến nhiều thông tin bổ ích. Làm sao để những tháng ngày đáng nhớ của thời sinh viên trở thành nền tảng cho một cuộc sống vững vàng về sau là câu hỏi được nhiều sinh viên đặt ra? Rồi làm sao để an phận làm trái nghề? Làm sao để chấp nhận thất nghiệp ngắn hạn hoặc dài hạn? Làm sao để xem việc học đại học chỉ là một nền tảng lớn của đời người, chứ không phải là tất cả? Vì người ra trường phải tiếp tục học và cập nhật, thì mới mong không lạc hậu, mới mong giữ được việc, mới mong tiến bộ.

Rồi tâm lý phải có tấm bằng đại học mới có cơ hội tìm việc làm ổn định vẫn còn chi phối đại đa số. Trong khi có nhiều ngành nghề chỉ cần trung cấp, cao đẳng - nếu học đúng, học tốt - thì cơ hội việc làm đã là rất nhiều, thậm chí sớm phát huy được sở trường riêng. Thậm chí, khi hiểu về năng lực bản thân và sự học, nếu xác định tâm lý từ sớm, thì chỉ cần tốt nghiệp THPT là đã có vô số nghề để theo học, để đi làm. Thà trở thành một người thợ lành nghề còn hơn một cử nhân có năng lực hạn chế.

Tại một thảo luận có chủ đề làm sao để ngày tốt nghiệp không phải là ngày thất nghiệp, Đại học Greenwich (Việt Nam) tổng kết có 4 cách chính.

Đầu tiên, sinh viên phải có định hướng nghề nghiệp trước khi đi học. Việc hướng nghiệp không phù hợp, dẫn đến xác định sai ngành học, sẽ khó học tốt, khó xin việc. Thứ hai, phải tránh học thụ động. Những sinh viên chọn ngành không phù hợp, rất dễ rơi vào tình trạng học thụ động, dẫn đến lười nhác, thiếu cầu tiến, sẽ khó xin việc. Một lý do tạo nên làn sóng cử nhân thất nghiệp là yếu kém tiếng Anh. Các công ty nước ngoài, các nước trong khu vực Đông Nam Á liên tục tuyển dụng người Việt, nhưng do yếu tiếng Anh, đành chấp nhận ngồi nhìn việc trôi qua trước mắt. Cuối cùng, đó là thiếu trang bị các kỹ năng mềm, thì dù học chăm học giỏi cũng khó xin việc hoặc khó cạnh tranh. Các kỹ năng như giao tiếp, hùng biện, đàm phán, thuyết trình, chữ tín, quản lý thời gian… thực sự là những yếu tố tạo nên sự khác biệt và hiệu quả. Nếu hai cử nhân giỏi ngang nhau về chuyên môn, ai có chữ tín và cách quản lý thời gian tốt hơn, cơ hội giữ việc và thăng tiến cao hơn rõ rệt.

Chú thích ảnh
Ảnh: CLB Sách vàng
Chú thích ảnh
Ảnh: CLB Sách vàng
Chú thích ảnh
Ảnh: CLB Sách vàng

Vô Ưu

Nhân chuyện 'xuất khẩu' cử nhân

Nhân chuyện 'xuất khẩu' cử nhân

Xin bắt đầu bài viết bằng một thông tin mới: Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang xây dựng dự thảo Đề án đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2025.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm