30/11/2014 14:49 GMT+7 | Di sản
(Thethaovanhoa.vn) - Bảo tồn di sản là việc vừa gian nan vừa “tế nhị”, nhiều khi chỉ thừa vài đoàn mối là Phu Văn Lâu (cố đô Huế) bị sập, nhiều khi thiếu vài viên gạch mà đền tháp thánh địa Mỹ Sơn thành dở dang.
Hiện nay, việc bảo tồn quần thể di tích cố đô Huế và thánh địa Mỹ Sơn được tăng cường và đẩy mạnh. Chẳng hạn, Thiệu Phương, khu vườn ngự nổi tiếng thuộc cố đô Huế, được vua Thiệu Trị xếp vào “cung trung thập cảnh” (mười cảnh đẹp nhất trong cung cấm), và “thần kinh nhị thập cảnh” (20 thắng cảnh đất thần kinh) đã được phục dựng thành công. Thừa Thiên-Huế cũng đang tu bổ tổng thể di tích Ngọ Môn…
“Chảy máu”di sản ở Huế!
Nhưng thứ tự ưu tiên trong bảo tồn và việc thiếu nguồn kinh phí đã làm cho các kiến trúc vừa và nhỏ trong quần thể di tích ít được quan tâm. Hệ quả là ngày 15/5/2014, một phần mái của Phu Văn Lâu bị sạt và đổ sụp xuống. Nhìn bề ngoài, Phu Văn Lâu trước khi xảy ra sự cố có vẻ vững chắc, còn khá mới. Tuy nhiên, ít ai biết được một số cấu trúc đã bị mối ăn rỗng ruột.
Một số đoạn thuộc vòng ngoài kinh thành Huế đang bị xuống cấp nghiêm trọng bởi tình trạng cư trú của người dân cũng là một vấn đề khá nhức nhối. Đặc biệt, ở phía Đông kinh thành, tại khu vực phòng lộ và hộ, có hơn trăm nhà dân sinh sống chen chúc. Trên mặt tường thành khu vực cửa Nhà Đồ và cửa Hữu còn có những thửa ruộng trồng hoa màu trải dài hàng trăm mét. Chính quyền cùng Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế từng nỗ lực giải quyết tình trạng này, nhưng không thành công.
Bên cạnh đó, các nhà vườn, nhà rường cổ tại Huế đã bị “biến mất”. Tuy chúng không thuộc quần thể di tích cố đô Huế nhưng đây lại là các công trình có giá trị về mặt di sản kiến trúc, thể hiện một cách sinh động và chân thực về đời sống của người Huế xưa, là thành tố rất quan trọng.
Theo số liệu khảo sát năm 2002 thì toàn TP Huế có 4.228 nhà vườn, trong đó có 705 nhà rường và 150 nhà cổ tiêu biểu được đưa vào danh sách bảo tồn đặc biệt. Đến thời điểm hiện tại, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết chỉ còn 1.778 ngôi nhà vườn, 85 vương phủ trong TP Huế.
Tại sao chủ nhân các nhà vườn, nhà rường cổ ở Huế lại thường bán chúng đi thay vì tu sửa? Ông Trần Duy Tịnh (Giám đốc DNTN đồ gỗ Duy Tịnh, Khu công nghiệp làng nghề Hương Sơ), người tái tạo và tái dựng nhiều nhà rường tại Huế, cho biết: “Dư luận thường chỉ trích những doanh nghiệp như chúng tôi về việc mua lại những nhà rường cổ sẽ làm mất đi những giá trị văn hóa truyền thống của Huế. Nhưng vì hiểu được giá trị thực của những ngôi nhà rường cổ sắp lụi tàn và có nguy cơ biến mất vì đô thị hóa nên chúng tôi mới gắng công thuyết phục chủ nhân của nó để mua lại và đặt chúng vào những địa điểm thích hợp để lưu giữ. Bởi trên thực tế, việc phục chế, gia công nội thất nhà rường là một cách bảo tồn nhà cổ ở Huế. Tuy nhiên, điều này lại thường nằm ngoài khả năng của chủ nhân những ngôi nhà cổ đó”.
Mỹ Sơn - đầu tiên vẫn là… gạch!
Năm 2003, Lê Văn Chỉnh (nguyên cán bộ Bảo tàng tỉnh Quảng Nam) sử dụng kỹ thuật “mài chập” đã xây thành công mô hình tháp Chăm cao 6,7m tại nhà hàng ẩm thực Apsara (Đà Nẵng) và một mô hình cao 10m ở Khu du lịch Suối Lương, Nam Hải Vân (Đà Nẵng). Mài chập là kỹ thuật mài nhẵn hai viên gạch để tạo ra hỗn vị là bột gạch - chất kết dính hai viên gạch với nhau.
Năm 2005, các chuyên gia kỹ thuật Italy đã thuê dân địa phương lấy đất ở khu vực ao Vuông thuộc xã Duy Phú (Duy Xuyên, Quảng Nam), cách thánh địa Mỹ Sơn vài km. Tương truyền đây là nơi lấy đất làm gạch xây tháp Chăm. Trên cơ sở đó, đã thử nghiệm sản xuất mẻ gạch đầu tiên gồm 7.000 viên để đưa vào phục vụ việc gia cường, gia cố bên trong chân móng ngôi tháp G3 ở thánh địa Mỹ Sơn.
Năm 2006, Trung tâm Quản lý di tích - di sản tỉnh Quảng Nam công bố thông tin đã nhận biết được loại vật liệu kết dính gạch Chăm là nhựa cây dầu rái theo kết quả nghiên cứu khoa học của các chuyên gia trong và ngoài nước thực hiện tại Mỹ Sơn từ năm 2004. Cây dầu rái mọc rất nhiều tại đập Thạch Bàn, cách khu thánh địa Mỹ Sơn khoảng 7 km.
Tuy nhiên, đến năm 2008, động thái trả lại cụm tháp Khương Mỹ (Quảng Nam) của Viện Công nghệ vật liệu xây dựng vì không thể xử lý được vật liệu và phương pháp trùng tu tương đồng với nguyên bản, gần như đặt một dấu chấm hết cho công cuộc giải mã viên gạch Chăm, sau hơn nửa thế kỷ tìm kiếm.
Bởi vậy, trong một hội thảo về Champa được tổ chức tại Đà Nẵng vào tháng 7/2012, GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính cho rằng: “Ngay cả vấn đề giải quyết hiện tượng rêu phong cho các khối gạch xây mới, mà người Chăm xưa kia đã giải quyết được, vẫn còn là một thách đố”.
Đây cũng là vấn đề hóc búa mà ông Hồ Xuân Tịnh (Phó giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Quảng Nam) đưa ra: “Một câu hỏi được đặt ra là tại sao với loại đất sét ở địa phương mà người Chăm ngày xưa đã sử dụng làm gạch xây tháp, những công trình đó đã tồn tại hàng ngàn năm, ngày nay chúng ta cũng sử dụng chính loại đất sét đó để làm gạch tu bổ tháp thì lại xảy ra hiện tượng mũn gạch hoặc muối hóa? Phải chăng có một thành phần phụ gia nào đó trong nguyên liệu làm gạch của người Chăm ngày xưa sử dụng để khử mặn trong đất sét mà hiện nay các nhà chuyên môn vẫn chưa tìm ra? Nếu đất sét nhiễm mặn thì tại sao cũng với nguyên liệu đó, khi ta dùng để sản xuất gạch theo cách bình thường của người Việt thì xây nhà vẫn tốt?”. Và theo ông: “Trả lời được câu hỏi này sẽ giúp sản xuất ra những viên gạch đạt tiêu chuẩn dùng tu bổ tháp Chăm”.
PGS-TS Trương Quốc Bình (ủy viên Hội đồng di sản Quốc gia) cho rằng: “Việc tu bổ các kiến trúc Chăm bằng gạch hoàn toàn không giống như tu sửa, phục hồi các công trình di tích kiến trúc bằng gỗ của người Việt hiện đang là thế mạnh của các cơ quan tu sửa di tích Việt Nam. Yêu cầu cơ bản đối với các di tích và phế tích Chăm là gia cố, tu sửa và có thể khôi phục từng phần song chưa nên phục hồi di tích nếu chưa có các tư liệu xác thực của di tích”.
Nguyễn Văn Toàn
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất