Giám đốc Trung tâm HLTĐ TDTT Hà Nam Phạm Hải Anh: 'Bóng đá nữ cần được nhìn từ cái nôi địa phương'

25/12/2019 07:14 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Những thành quả gần đây của bóng nữ nước nhà đã được ghi nhận, trân quý cũng như tưởng thưởng xứng đáng. Điều đọng lại phía sau tấm huy chương như một trăn trở làm sao có được nguồn lực cho hướng đi bền lâu. Câu chuyện này, Thể thao &Văn hóa đã nhận được những chia sẻ, nghĩ suy của ông Phạm Hải Anh - Giám đốc trung tâm huấn luyện- thi đấu TDTT tỉnh Hà Nam. Ông Hải Anh cũng được biết đến như người “mở đường” gây dựng và phát triển cho bóng đá nữ ở địa phương nhiều năm về trước.

100 tỷ đồng cho giấc mơ World Cup 2026 của bóng đá nữ Việt Nam

100 tỷ đồng cho giấc mơ World Cup 2026 của bóng đá nữ Việt Nam

Giấc mơ tham dự World Cup 2026 của bóng đá nữ Việt Nam vừa được tiếp sức bằng bản hợp đồng tài trợ trị giá 100 tỷ đồng có thời hạn trong 5 năm. VFF và thầy trò HLV Mai Đức Chung không còn lo thiếu tiền trong hành trình chinh phục sân chơi lớn nhất của bóng đá thế giới.

“Tôi vui lắm chứ khi các bạn nữ đã đem về những chiến tích như thế. Vui vì các bạn đã vượt qua được những gian khó, hy sinh để cống hiến hết mình. Vui nhưng cũng ưu tư nhiều lắm, nghĩ suy nhiều lắm. Làm sao để các bạn có được điều kiện tốt hơn, đủ đầy hơn mà theo nghiệp đá bóng. Rồi tìm ra hướng đi, mô hình cho bóng đá nữ chúng ta trong tương lai”. Ông Hải Anh mở đầu cuộc trò chuyện.

Từ trăn trở của người “mở đường’

Mình không muốn nói nhiều về bản thân mình, những điều có được thuộc về chính các bạn cầu thủ cả thôi. Các bạn ấy phải hy sinh nhiều lắm, vượt khó nhiều lắm. Gắn bó với phong trào và dìu dắt các nữ cầu thủ nên tôi hiểu được điều này. Mà để biết cách vượt lên gian khổ như thế để có thành công đáng quý vô cùng.

Những nữ cầu thủ dường như vẫn luôn quen với những thiệt thòi, cũng hiếm khi ca thán. Cho nên, phải cần nhiều hơn nữa những sự quan tâm đến họ. Đó là con người những khi đã chấp nhận theo đuổi con đường bóng bánh cũng là chấp nhận mạo hiểm, rủi ro và cả thiệt thòi rồi. Tôi biết được cảm giác đó của các bạn khi ngồi nghe những tâm sự, trải lòng về nhau và về bóng đá.

Thật sự vui mừng khi gần đây, những quan tâm của của cả Chính phủ, các ban ngành và cộng đồng xã hội, doanh nghiệp cũng như người hâm mộ dành cho bóng đá nữ tăng lên rất nhiều. Đó như sự ghi nhận kịp thời, khích lệ và cảm ơn các bạn rõ ràng, thiết thực nhất.

Nhớ lại hồi tháng 3 năm nay, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, Chủ tịch VFF Lê Khánh Hải khi về thăm và làm việc với ngành TDTT Hà Nam cũng đã có những ghi nhận sự quan tâm của tất cả các bên trong việc phát triển lĩnh vực thể thao, đặc biệt là môn bóng đá nữ ở địa phương. Thứ trưởng Lê Khánh Hải cũng cho rằng, mô hình phát triển bóng đá nữ hiện nay ở Hà Nam là một trong những mô hình điển hình.

Chính vì vậy, thời gian tới sẽ nghiên cứu để phát triển và nhân rộng mô hình này. Ý tưởng thành lập trung tâm đào tạo bóng đá nữ trẻ tại Hà Nam sẽ được VFF nghiên cứu tính khả thi. Ngoài ra, VFF sẽ hỗ trợ cho đội tuyển nữ ở Hà Nam về chuyên môn, giáo án chương trình đào tạo.

Cũng trong khuôn khổ chuyến làm việc, Chủ tịch VFF Lê Khánh Hải cũng trao tặng số tiền 200 triệu đồng cùng nhiều trang thiết bị tập luyện để hỗ trợ phát triển bóng đá nữ Hà Nam. Chính điều này đã động viên rất lớn cho chúng tôi trong câu chuyện quan tâm và tiếp tục gây dựng phong trào bóng đá nữ.

Chú thích ảnh
Bóng đá nữ cần được quan tâm đầu tư từ cơ sở, nơi đóng vai trò nền tảng cho sự phát triển. Ảnh: Hoàng Linh

Với những cơ sở đó, chúng tôi xác định bóng đá nữ là môn thể thao đầu tư trọng điểm của tỉnh nhà, một địa phương có phong trào mạnh, truyền thống và đóng góp nhiều cầu thủ cho các đội tuyển nữ quốc gia thời gian qua. Để làm được điều này phải đầu tư bài bản, có lộ trình các lứa, các tuyến nối nhau và có tính kế thừa.

Trước tiên, trung tâm tập trung mạnh vào huấn luyện, đào tạo lứa tuổi U15, U16, tạo điều kiện thi đấu các giải bóng đá nữ trong hệ thống giải quốc gia để tạo nguồn bổ sung cho tuyển tỉnh. Cùng với đó, tập trung tuyển chọn, đào tạo các lứa U11 -13. Các VĐV được tuyển không chỉ bó hẹp trên địa bàn tỉnh mà thông báo rộng rãi toàn quốc. Hiện trung tâm đã có một số VĐV tuyển năng khiếu đến từ Thanh Hóa, Thái Bình, Sơn La… đăng ký ứng tuyển.

Đến những gợi mở cho tương lai bóng đá nữ nước nhà

Làm bóng đá đỉnh cao trong bối cảnh ngành thể thao nước nhà còn thiếu thốn đã khó, làm bóng đá nữ còn khó khăn hơn. Điều tôi trăn trở suốt những năm tháng gắn bó với bóng đá nữ là chế độ cho các em còn thấp, không thể đảm bảo được điều kiện cuộc sống. Tôi vẫn mong muốn các cầu thủ được tăng thêm chế độ để yên tâm tập luyện, thi đấu, để bóng đá nữ có cơ hội phát triển hơn, rộng rãi hơn.

Chúng ta nói thì thấy đơn giản như thế nhưng xắn tay vào việc mới thấy hết cái khó, cái bất cập. Điều này cần được quan tâm hơn nữa về cả chính sách, chế độ và tìm ra hướng đi. Ngành TDTT hay VFF cũng đã có cố gắng suốt thời gian qua. Bên cạnh đó còn cả sự chung tay của địa phương, doanh nghiệp hay các Mạnh thường quân, các ông bầu tâm huyết.

Thời gian qua, chúng ta đã và đang làm tốt vấn đề này với bóng đá nam, từ đó có thể mở rộng và áp dụng cho bóng đá nữ chẳng hạn. Chúng ta phải xã hội hoá, làm sao để kết hợp được các mặt mới mở mang, phát triển được. Do đó, khi bóng đá nữ nước nhà nhận được khoản hỗ trợ kinh phí 100 tỉ đồng cho các hoạt động của ĐTQG và bóng đá trẻ như thế từ doanh nghiệp thật sự đúng lúc và quý giá vô cùng.

HLV Mai Đức Chung đã có ý tưởng san sẻ phần kinh phí đó về các địa phương để góp phần phát triển phong trào. Cá nhân tôi cho rằng ý nghĩ đó của anh Mai Đức Chung là xác đáng trong bối cảnh này. Chúng ta vẫn chưa hề có các trung tâm đào tạo bóng đá nữ như địa hạt bóng đá nam. Mọi nguồn lực lâu nay góp mặt và cống hiến trên các đội tuyển đều đến từ những địa phương tỉnh lẻ hay các ngành nghề như than khoáng sản chẳng hạn.

Trong khi đó các địa phương thì eo hẹp về kinh phí còn các ngành nghề phải lo nhiều công việc khác. Bên cạnh đó VFF có cố gắng đến mấy cũng chỉ lo được kinh phí hoạt động thường nhật cho đội tuyển. Do đó, việc tìm ra kinh phí để hỗ trợ công tác đào tạo, nhất là đào tạo trẻ còn nhiều khó khăn. Còn ở cấp CLB, địa phương thì câu chuyện thiếu kinh phí đào tạo trẻ lại càng khó khăn hơn.

Vấn đề “đầu tiên” là tiền đâu để góp nhặt hoạt động là như thế. Cá nhân tôi cũng đã trao đổi với các anh ở VFF về chuyện tìm ra mô hình hoạt động. Anh Lê Hoài Anh - Tổng thư ký VFF cũng đã ghi nhận điều này. Nếu mọi việc đúng như dự kiến thì vào tháng 03/2020, VFF sẽ tổ chức hội thảo chuyên đề về câu chuyện xây dựng và phát triển bóng đá nữ nước nhà. Lúc đó, tôi sẽ có những tham luận sâu hơn, cụ thể hơn, với mong muốn góp phần nhỏ gợi mở được hướng đi cho bóng đá nữ chúng ta.

Trần Tuấn (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm