23/11/2020 16:00 GMT+7 | Giải trí
(Thethaovanhoa.vn) - Sau đêm Chung kết Hoa hậu Việt Nam 2020, nhiều luồng ý kiến trái chiều về màn đăng quang của Tân Hoa hậu trong trang phục áo dài trắng cho rằng phần này "kém sang", nhạt nhòa và giống giải hoa khôi cấp trường. Nhưng ẩn ý đằng sau màn đăng quang này thực sự là gì?
Trong mọi cuộc thi sắc đẹp, phần đăng quang ngôi vị cao nhất của Tân Hoa hậu luôn được khán giả mong chờ nhất. Ở các kỳ thi trước đây của Hoa hậu Việt Nam, các người đẹp đều đăng quang trong trang phục dạ hội thiết kế kiêu sa, lấp lánh, đính kết hay họa tiết, hay có kiểu dáng vô cùng cầu kì, rực rỡ. Thế nhưng, chung kết Hoa hậu Việt Nam 2020 gây tranh cãi khi đi ngược lại số đông, chọn trang phục truyền thống: Áo dài trắng.
Trong giờ khắc trao vương miện để kết thúc nhiệm kì, hoa hậu Tiểu Vy cũng chọn cho mình chiếc áo dài trắng có hình ảnh Hội An – Quảng Nam, nơi cô sinh ra và lớn lên. Chiếc áo được NTK Ngô Nhật Huy lên thiết kế gấp trong vài ngày cận kề.
Tiểu Vy chia sẻ: “Mặc chiếc áo dài có hình ảnh chùa Cầu Hội An làm em cảm thấy tự hào về quê mình Quảng Nam, nhớ ơn gia đình đã sinh ra và nuôi dưỡng em nên người như hôm nay”.
Trên trang cá nhân, đạo diễn Hoàng Nhật Nam nêu quan điểm của riêng anh về vấn đề này: “Bạn có ủng hộ Hoa hậu Việt Nam 2020 đăng quang trong tà áo dài trắng nguyên sơ đầy lãng mạn của dân tộc mình? Không rực rỡ, lộng lẫy lấp lánh, nhưng đây là tà áo cần khẳng định của Việt Nam riêng có! Không có 1 đất nước nào khác sở hữu Áo Dài như một tài sản quý giá!
Năm 2020 cũng là một năm với nhiều dấu lặng buồn, nhiều thử thách và khó khăn. Nhưng qua đó mới thấy chúng ta đã đoàn kết, mạnh mẽ, kiên cường và nghĩa đồng bào luôn quá đẹp vời. Mặc chiếc Áo dài cảm nhận được hồn dân tộc, buồn vui, thăng trầm, hạnh phúc đủ đầy trong đó...Các cô gái hãy với nhan sắc, trái tim và hào quang của chính mình toả sáng cùng chiếc áo chân phương kia nhé!”.
Quả thực đặt trong bối cảnh của năm 2020, cuộc thi hoa hậu Việt Nam diễn ra sau khi cả nước trải qua các đợt dịch bệnh, bão lũ liên tiếp…Nhiều lần ban tổ chức tạm hoãn, dời lịch và đổi lịch trình liên tục, dự định sẽ không thể diễn ra. Nhiều ý kiến cho rằng không nên tổ chức cuộc thi hoa hậu, nhưng đó cũng chính là động lực để cuộc thi đã có những hành động thiết thực dành cho cộng đồng như quyên góp, đi thiện nguyện miền Trung nhiều đợt liền, dự án bán nến gây quỹ vì miền Trung đến nay đã hơn 14 tỷ đồng và sẽ còn nhiều đợt công tác tiếp theo của top 3 năm 2020 tiếp nối hành trình nhân ái.
Đây cũng là một nỗ lực đáng ghi nhận khi hình ảnh cuộc thi nhan sắc hài hòa với bầu không khí của cả nước bằng lòng nhân ái, sự sẻ chia. Hình ảnh áo dài trắng lặp đi lặp lại từ buổi họp báo công bố, trên các ấn phẩm quảng bá, và cả đến đêm chung kết cho thời khắc quan trọng nhất. Đó cũng là một ý đồ nghệ thuật có sự tính toán kĩ lưỡng không chỉ riêng tổng đạo diễn Hoàng Nhật Nam, mà cả ban tổ chức và ban giám khảo của HHVN 2020 trăn trở.
Đạo diễn Hoàng Nhật Nam chia sẻ thêm: “Khi trao đổi với ban tổ chức, ban giám khảo về vấn đề này, nhà sử học Dương Trung Quốc đã gật đầu và cho rằng đây là một ý tưởng tốt, đậm tính nhân văn cần phải làm”. Bên cạnh đó, màn thi áo dài mang tên “Thập kỷ hương sắc” gồm 5 bộ sưu tập áo dài lấy cảm hứng từ sự kiện văn hóa nổi bật của 5 cựu hoa hậu đăng quang trong thập kỷ như: Nghìn năm Thăng Long (NTK hoa hậu Ngọc Hân), Văn hóa Hùng Vương (NTK Song Toàn và hoa hậu Thu Thảo), Đờn ca tài tử (NTK La Sen Vũ và hoa hậu Kỳ Duyên), Tín ngưỡng đạo Mẫu & Du lịch (NTK Trần Thiện Khánh và hoa hậu Mỹ Linh), Bóng đá Việt Nam (NTK Ngô Nhật Huy và hoa hậu Tiểu Vy), như để ngợi ca cho những thành tựu của Việt Nam.
Thời gian gần đây báo chí Việt Nam và khán giả cũng bất bình khi biết rằng có thí sinh Trung Quốc lấy áo dài trắng dự thi Miss Earth 2020 và PR là trang phục truyền thống. Chưa hết, có show thời trang tại Trung Quốc cũng lấy áo dài trình diễn và truyền thông đó là sáng tạo của các NTK "made in China".
Chính vì những lẽ đó, ý đồ của đạo diễn hay ban tổ chức chương trình Hoa hậu Việt Nam 2020 không chỉ dừng lại ở yếu tố đẹp mắt, lộng lẫy ở hình thức mà chú trọng vào nội dung, thông điệp sâu xa bên trong mà hình ảnh trên truyền thông không chỉ trong nước và lan ra quốc tế sẽ là đích đến của họ: Áo dài Việt Nam riêng có!
Thảo Anh. Ảnh: BTC
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất