23/03/2021 19:24 GMT+7 | Giải trí
(Thethaovanhoa.vn) - Lee Isaac Chung (42 tuổi) từng nghĩ tới việc từ bỏ việc làm phim trước khi anh quyết định dồn hết sức vào dự án điện ảnh Minari (Khát vọng đổi đời). Song thật không ngờ, bộ phim mang tính bán tự truyện của anh - kể về sự lớn lên của người Mỹ gốc Hàn ở xứ cờ hoa - đã gặt hái thành công ngoài sức mong đợi.
Bên cạnh giải Quả cầu Vàng Phim tiếng nước ngoài hay nhất năm nay, Minari vừa được đề cử được 6 đề cử giải Oscar năm 2021. Trong số đó, với vai diễn người cha, Steven Yeun đã làm nên lịch sử với tư cách là người Mỹ gốc Á đầu tiên được đề cử Nam diễn viên chính xuất sắc nhất, còn nữ diễn viên gạo cội Youn Yuh Jung cũng trở thành nữ diễn viên Hàn Quốc đầu tiên được đề cử Oscar Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất.
Cảm hứng từ cuộc đời thật
Vào năm 2018, khoảng 1 thập niên sau khi tác phẩm điện ảnh đầu tiên của Lee Isaac Chung -Munyurangabo- nhận được nhiều lời khen ngợi tại LHP Cannes, anh đã gần như từ bỏ công việc của một nhà làm phim độc lập để có cuộc sống thoải mái hơn ở vai trò một giảng viên điện ảnh. “Thời điểm đó, tôi đã chạm ngưỡng 40 tuổi và nhận ra mình cần phải tiếp tục cuộc sống và làm điều gì đó thiết thực” - Lee Isaac Chung chia sẻ.
Lúc đó, Lee Isaac Chung dù đảm nhận vị trí giảng dạy biên kịch tại Đại học Utah Hàn Quốc ở Incheon nhưng vẫn ấp ủ một kịch bản mà anh muốn hoàn thành. “Tôi nghĩ rằng đây là bộ phim cuối cùng mình sẽ làm. Và nó phải mang đậm dấu ấn cá nhân, với tất cả những gì tôi đang cảm nhận được từ cuộc sống” - anh nói.
Kịch bản đó cuối cùng mang tên Minari - một câu chuyện dành cho lứa tuổi mới lớn, lấy cảm hứng từ những trải nghiệm của Lee Isaac Chung trong quá trình trưởng thành từ thân phận con trai của một người nhập cư Mỹ gốc Hàn trong những năm 1980.
Trong phim, Steven Yeun (từng thủ diễn trong phim The Walking Dead) và nữ diễn viên Hàn Quốc Yeri Han vào vai cặp vợ chồng nhập cư Jacob - Monica. Họ chuyển từ thành phố California về vùng nông thôn bang Arkansas để theo đuổi ước mơ “điên rồ” của người chồng: điều hành trang trại trồng rau của riêng mình, kiếm thật nhiều tiền để thoát kiếp làm thuê đầy tủi nhục. Ở xa thành phố, cặp vợ chồng trẻ quyết định đón thêm người mẹ từ Hàn Quốc sang để trông cháu. Mái ấm 3 thế hệ xảy ra nhiều mâu thuẫn, bất đồng, nhưng bên trong vẫn luôn có sợi dây gắn kết tình cảm gia đình thiêng liêng bền chặt.
“Chúng tôi đã làm phim như một gia đình. Tôi cảm thấy thật tự hào cho cả gia đình đằng sau Minari ” - Lee Isaac Chung chia sẻ khi hay tin Minari được 6 đề cử Oscar.
Bên cạnh sự công nhận từ giải Oscar, Minari còn chiến thắng tại phòng vé ở xứ sở kim chi trong suốt 20 ngày qua, kể từ khi được công chiếu hôm 3/3. Phim đã “bỏ két” được hơn 5,9 tỷ won (5,2 triệu USD), đón hơn 650.000 lượt khán giả.
Từ bỏ công việc “dao kéo” để làm phim
Lee Isaac Chung sinh ra ở Denver. Năm 2 tuổi, anh cùng gia đình chuyển đến một trang trại nhỏ ở vùng nông thôn có tên Lincoln, Arkansas. Lincoln ngoài đời cũng rất nhỏ như trong phim của anh. “Đó là một thị trấn gây buồn ngủ” - nhà làm phim thừa nhận.
Lee Isaac Chung từng là một học sinh giỏi, thích viết lách, để rồi nhận ra mình là một “nhà văn tệ hại” khi vào Yale - ngôi trường mà anh cảm thấy mình bị lu mờ trước những học sinh khác. Là một sinh viên dự bị y khoa trong năm cuối cấp nhưng khi được tiếp xúc với điện ảnh thế giới, anh đã bỏ kế hoạch học trường y để theo đuổi công việc làm phim.
Người hướng dẫn cho anh là một đạo diễn có tiếng và bắt các sinh viên của mình mỗi tuần phải sản xuất một video thử nghiệm.“Tôi nhớ bạn cùng lớp xem phim Seven Samurai và tôi không thể hiểu tại sao họ lại xem nó” - Lee Isaac Chung kể. Nhưng chẳng bao lâu sau, Lee Isaac Chung thấy mình bị cuốn vào các bộ phim của Vương Gia Vệ, Terrence Malick và Akira Kurosawa - đạo diễn của Seven Samurai. “Đây như một trải nghiệm đặc biệt” - Lee Isaac Chung bộc bạch.
Khi học thạc sĩ về làm phim tại Đại học Utah, Lee Isaac Chung tiếp tục xem nhiều phim hơn và có thêm kinh nghiệm về nghề làm phim. Nhưng, sau thời gian học ở trường điện ảnh, Chung cùng vợ đến Rwanda - nơi cô làm cho một tổ chức tình nguyện. “Đó là điều tôi đã hứa với cô ấy khi kết hôn” - Lee Isaac Chung kể.
Tìm kiếm việc gì đó để làm ở đất nước châu Phi này, Lee Isaac Chung đã mở một lớp học làm phim cho 15 sinh viên địa phương. Thật ý nghĩa, ngay sau đó các học trò của Lee Isaac Chung đã tham gia vào ê-kíp làm bộ phim đầu tay của anh - Munyurangabo. Munyurangabo gặt hát thành công tại Cannes và những lời ca ngợi đặc biệt và khiến Lee Isaac Chung cảm thấy sốc. “Lúc đó tôi 29-30 tuổi” - Lee Isaac Chung nói - “Và tôi nghĩ sẽ có rất nhiều điều sẽ xảy ra trong sự nghiệp của mình sau này”.
Lee Isaac Chung tiếp tục làm 2 phim nữa là Lucky Life (2010) và Abigail Harm (2013). Nhưng theo anh, cả 2 đều được làm một cách ngẫu hứng và không hoàn hảo. “Tôi làm phim chỉ để làm phim” – anh nói.
Sự cộng hưởng từ câu chuyện gia đình
Minari được bấm máy vào năm 2019,quy tụ dàn diễn viên là những gương mặt kỳ cựu như Yuh Jung Youn (73 tuổi), nữ diễn viên điện ảnh và truyền hình Hàn Quốc mà Chung đã gặp khi giảng dạy ở Incheon, và những gương mặt mới như Alan S. Kim (8 tuổi). Quá trình quay phim kéo dài 5 tuần vào giữa mùa Hè ở Oklahoma, thường nóng và ẩm.
Theo nhiều nhà phê bình, giống như các bộ phim mang tính tự truyện hay nhất, nội dung Minari cuốn hút bởi những câu chuyện về mối quan hệ trong gia đình. Điển hình, trong phim, một cậu bé sinh ra ở Mỹ (Alan Kim) cố gắng tìm điểm chung với bà mình từ Hàn Quốc sang, trong khi người cha phải chật vật để phát triển một “vườn địa đàng” cho vợ và con mình. Câu chuyện này có thể xuất phát từ những hồi ức cụ thể, cá nhân của nhà làm phim nhưng cũng minh họa cho những mối quan hệ gia đình vẫn thường xuyên được biết tới.
Lee Isaac Chung tỏ ra rất vui khi cộng đồng người Hàn Quốc và châu Á nói chung có thể đồng cảm với bộ phim.
“Với đại dịch Covid -19 trong thời gian qua, có lẽ yếu tố giúp phim gây được tiếng vang là cảm giác muốn kết nối. Tôi làm phim không phải để cố gắng thể hiện cuộc đời của tôi hoặc đại diện cho người Mỹ gốc Á” - anh nói - “Tôi muốn kể câu chuyện về con người, đằng sau những gì tôi đã trải qua. Và tất cả những suy nghĩ về nước Mỹ, môi trường, sinh thái, tôn giáo chỉ là những yếu tố dẫn dắt câu chuyện”.
Trailer phim "Minari":
Việt Lâm (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất