01/07/2022 09:05 GMT+7 | Giải trí
Bị tật nguyền từ lúc lên 3, năm lên 10 tuổi mẹ mất, cha bỏ đi, tuổi thơ đầy bất hạnh nhưng anh Trương Tấn Dũng (sinh năm 1982) không để điều đó ngăn cản ước mơ của mình. Với một bàn tay co quắp và phải ngồi xe lăn, anh Dũng không chỉ vẽ được tranh, viết nhạc, thông thạo tin học, vi tính, mà còn trở thành thầy giáo của rất nhiều em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt. Điều gì đã giúp cuộc sống của anh Dũng đầy màu sắc và sự lạc quan như vậy?
Không gian Trạm yêu thương tuần này mở ra với những bức tranh đầy màu sắc của các em nhỏ được nuôi dưỡng tại Trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh (quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng). Những nét vẽ thơ ngây, nguệch ngoạc là biết bao cố gắng của các em cùng sự nỗ lực hướng dẫn của một người thầy đặc biệt: anh Trương Tấn Dũng.
Kể về cuộc đời mình, ánh mắt anh Dũng không giấu được vẻ đượm buồn: "Mình sinh ra là một đứa trẻ bình thường nhưng năm lên 3 tuổi, sau một cơn sốt nặng, cơ thể mình trở nên biến dạng, chân không di chuyển được và tay bị co quắp. Vài năm sau đó thì mẹ qua đời, cha mình vì quá đau buồn nên đã bỏ đi".
Cậu bé Dũng ngày đó may mắn khi được bà ngoại đón về chăm sóc và ở bên cho đến bây giờ. Thiếu thốn tình cảm gia đình từ nhỏ nên với anh Dũng, khoảnh khắc ở bên bạn bè người thân luôn được anh trân trọng.
Khi được hỏi sẽ lựa chọn 3 màu nào để nói về cuộc đời mình, anh Dũng tâm sự tuổi thơ của anh gắn liền với màu u tối, nhưng bây giờ thì ngập tràn sắc màu tích cực. Bởi cuộc sống không cho mình được chọn nơi sinh ra nhưng sẽ được chọn nơi bước đến.
Phải ngồi xe lăn và chỉ sử dụng được một tay, thế nhưng anh Dũng vẫn tìm mọi cách để thực hiện những đam mê của mình. Anh chia sẻ thích xem nhất là bóng đá và muốn làm cầu thủ. Nhưng vì hạn chế của cơ thể nên anh đã nghĩ ra cách chia quân cờ tướng thành hai đội để tự thiết kế một trận đấu cho bản thân.
Không chỉ vậy, anh Dũng còn tìm cách để học chữ để có nhiều cơ hội làm việc. Gia đình không có điều kiện cho đi học, anh Dũng học từ người em. Khi đã có chút “vốn liếng” chữ nghĩa trong đầu, anh đã nghĩ đến việc phải làm được việc gì đó để đỡ đần cho bà ngoại.
Anh xin ngoại đi bán vé số để trang trải cuộc sống và tới gần ước mơ hội họa của mình. Không chỉ học vẽ, anh Dũng còn học tin học và sử dụng thành thạo máy vi tính.
Một tay không dùng được, một tay thì lóng ngóng, anh Dũng luôn cố gắng nhiều hơn mọi người, thường xuyên thức đến 4-5h sáng để luyện tập. Và nỗ lực ấy đã được đền đáp, điểm các bộ môn của anh ngày đó đều cao nhất lớp.
Vừa vẽ đẹp, vừa biết hát, anh Dũng dễ dàng hòa nhập với mọi người. Sau này anh có cơ hội làm việc tại Trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh Đà Nẵng.
Dù lớp học của anh toàn học sinh đặc biệt, công việc giảng dạy không đơn giản, để các em khuyết tật học được một chữ phải mất 1 tháng, có khi bị học sinh đánh nhưng anh Dũng vẫn hết sức kiên trì, vì anh muốn các em nhỏ không may mắn sẽ tìm được những gam màu tích cực giống như mình.
Chia sẻ về ước mơ, anh Dũng hy vọng trong tương lai sẽ mở được xưởng in để tạo điều kiện cho các em ở trung tâm anh dạy có thêm thu nhập, tự nuôi sống bản thân. Món quà của Trạm yêu thương sẽ phần nào tiếp thêm sức mạnh cho anh Dũng trên hành trình biến mơ ước đầy nhân văn của mình trở thành hiện thực.
Trạm yêu thương chủ đề "Tô màu cuộc sống" phát sóng 10h thứ Bảy ngày 2/7 trên kênh VTV1.
Tiểu Phong. Ảnh: VTV
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất