11/05/2021 18:45 GMT+7 | Giải trí
(Thethaovanhoa.vn) - Cho tới thời điểm này, MV lyric Tháng mấy em nhớ anh? của Hà Anh Tuấn đến với công chúng được hơn 1 tháng (ra mắt tối 1/4) nhưng vẫn chễm trệ vị trí thứ 4 trong top 10 bảng xếp hạng nhac.vn tuần này (tính đến 9/5). Dù đã tụt 2 bậc so với tuần liền kề trước đó, vị trí thứ 2 trong top 10 (tính đến 2/5) cũng ở bảng xếp hạng này.
Tháng mấy em nhớ anh? không mới lạ nhưng có một vài điểm khá thú vị.
Một bản balladman mác buồn
Tháng mấy em nhớ anh? đưa người nghe vào miên man những cảm xúc nội tâm của một tâm hồn vẫn còn đang ngập tràn cung bậc tình yêu.
Nếu để tìm một cái gì đó mang tính đột phá, hay những tuyên ngôn nghệ thuật gì lớn lao thì điều đó sẽ không ẩn chứa trong MV này. Không có gì bất ngờ khi Tháng mấy em nhớ anh? là một bản ballad, bởi đó là dòng nhạc sở trường của Hà Anh Tuấn. Đây chính là dòng nhạc mà Hà Anh Tuấn đã chinh phục được khán giả.
Cũng không có gì bất ngờ khi bản hòa âm của ca khúc này không quá phức tạp mà dường như chỉ nổi bật 2 âm sắc chính là piano và guitar. Không có gì bất ngờ khi Hà Anh Tuấn hát ca khúc này như thể anh đang tự sự với chính mình, anh kể câu chuyện của tâm hồn mình cho những tri âm. Đây chính là những nét nổi bật nhất trong âm nhạc của Hà Anh Tuấn đã và đang đi. Đồng thời, nó tạo nên thứ âm nhạc gần gũi nhất, thật nhất cho khán giả. Tuy nhiên, chính điều này tạo sự khác biệt của Hà Anh Tuấn so với mặt bằng chung của âm nhạc đại chúng đang được công chúng quan tâm hiện nay.
Về thủ pháp sáng tác, ca khúc có bố cục 2 phần gồm phần thứ nhất và phần thứ 2 (cao trào). Thông thường những ca khúc mang tính trữ tình tự sự rất ít khi giữa các đoạn nhạc cấu thành tác phẩm có sự tương phản về màu sắc âm nhạc. Ở Tháng mấy em nhớ anh? của Hà Anh Tuấn cũng vậy, phần thứ 2 giữ vai trò là cao trào của tác phẩm. Nó là sự phát triển tiếp theo các chất liệu âm nhạc đã có từ phần thứ nhất, phần trình bày. Ca khúc được xây dựng mang màu sắc của giọng thứ. Toàn bộ diễn tiến của tác phẩm với 4 câu nhạc chia cho 2 phần đều mang tính bình ổn từ hòa âm cho đến giai điệu âm nhạc.
Song điều gì tạo nên ấn tượng để Tháng mấy em nhớ anh? được công chúng đón nhận? Tất nhiên, 1 trong những yếu tố quan trọng là Hà Anh Tuấn đã định hình phong cách, thế mạnh trong âm nhạc và mang đúng những điều đó vào Tháng mấy em nhớ anh?. Bên cạnh đó, bản thân nam ca sĩ cũng đã có cộng đồng khán giả riêng nên những sản phẩm anh giới thiệu dễ dàng tiếp cận được với công chúng. Tuy nhiên, bản thân Tháng mấy em nhớ anh? có một điều rất thú vị góp phần tạo nên giá trị mang tính nghệ thuật của tác phẩm, đó chính là nội dung ca từ.
MV “Tháng mấy em nhớ anh?”:
Sự lưng chừng thú vị
Có lạ không khi một bài hát kể đủ 12 tháng nhưng lại được bắt đầu từ tháng 4, một tháng rất lưng chừng? Và có lạ không khi vẫn đủ 12 tháng nhưng không chia thành 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông đúng quy luật tự nhiên mà lại chia thành 3 vùng đầy yếu tố cảm xúc cá nhân?
Ngay sau ca từ mở đầu với “Tháng Tư về”, một phần của thế giới cảm xúc đã được hé lộ“cánh hoa phai tàn” và liên tiếp sau đó là “mắt ướt nhòe nỗi đau vô lường”. Tháng năm cũng chẳng vui lên chút nào mà vẫn loang loáng nỗi buồn: “Buồn vương những phố phường, thấp thoáng bóng người thương”. Và vì thế, tháng 6 một mình “bước trong cơn mưa rào” vẻ như nỗi buồn còn buồn hơn, để rồi dẫn người nghe sang tháng tiếp theo “chợt nhớ tới khi xưa tháng 7 mưa ngâu”. Có 1 tình yêu trong cổ tích mỗi năm 2 người chỉ gặp nhau 1 lần vào tháng ngâu nên hễ nhắc đến tháng 7 nhiều người sẽ nghĩ thật là buồn. Nhưng tháng 7 ở Tháng mấy em nhớ anh? có vẻ vui hơn những tháng trước đó, bởi nó mang theo hy vọng của người trong cuộc rằng “từ bao lâu rồi ta đã quen không nhìn thấy nhau?”. Rõ ràng đây là 1 câu hỏi nhưng đồng thời lại tựa như lời giải đáp cho nỗi buồn miên man.
Những tháng tiếp theo, vẫn mạch cảm xúc đó: “Lá thư tình gửi chiều tháng 8 còn dấu vết môi son của ngày Thu qua/ Để rồi như tháng 9 hoa buồn tím tương tư/ Lá xác xơ tháng 10 vẫn thế, còn lây lất trong tim mười một vẫn thế/ Để lại cơn mưa cuối Đông muộn màng”. Chẳng biết việc gộp tháng 4 đến tháng 7 vào làm 1 vùng,vùng thứ 2 từ tháng 8 tới những tháng tiếp theo nhưng chỉ đến tháng 11 mà không phải 12 là vô tình hay có chủ ý nhưng nó lại rất hợp với logic của mạch nội dung về tình yêu trong tâm trạng buồn.
Xưa nay, mùa Xuân luôn là sứ giả của tình yêu, mùa mang những điều tươi mới thì việc “gạt” tháng “mười hai đi qua tim vụn vỡ” sang mở đầu vùng thứ 3, vùng này kéo dài tới hết tháng 3 đã khiến người nghe quên đi thiên chức của tháng Giêng. Nhưng những tháng tiếp theo cũng chẳng vui gì hơn: “Tháng 2 ngu ngơ, tháng 3 chơ vơ”. Tới đây thì có thể hiểu tại sao tác giả lại chia 12 tháng thành 3 vùng.
Mượn thời gian để diễn tả tâm trạng là điều không mới và thường với những mốc thời gian định hình cụ thể sẽ được khai thác ở hai góc độ khác biệt. Một là gắn liền với sự kiện lịch sử do con người tạo ra. Hai là mượn những đặc trưng của tự nhiên trong khoảng thời gian nào đó trong năm để diễn tả tâm trạng con người. Tháng mấy em nhớ anh? đương nhiên là ở góc độ thứ 2.
Với cảm xúc dựa vào thời tiết, mỗi tháng ẩn chứa một cảm xúc riêng. Chẳng hạn tháng 6 phù hợp tâm trạng lãng mạn; tháng mùa Thu của sự xao xuyến; tháng mùa Đông của nỗi buồn; tháng mùa Hạ của rạo rực cuồng say; mùa Xuân mang theo hạnh phúc. Và theo lẽ đó, ngay cả với những ca khúc trình bày đủ 12 tháng trong năm thì tháng đầu tiên được trình bày dường như giữ vai trò định hình màu sắc cho ca khúc đó. Chẳng hạn Hà Nội 12 mùa hoa của nhạc sĩ Giáng Son dẫu không viết riêng cho mùa Xuân nhưng việc bắt đầu bằng “Tháng Giêng hoa đào bừng nở” nó nghiễm nhiên ngập tràn sắc Xuân.
Với tháng 4, thời điểm giao mùa giữa Xuân và Hạ, giữa mùa nắng với mùa mưa, thời tiết 1 ngày không ổn định, mang lại cho ta nhiều cảm xúc đan xen lẫn lộn. Và có lẽ điều này cũng chính là câu trả lời tại sao tháng 4 được chọn để mở đầu câu chuyện trong ca khúc Tháng mấy em nhớ anh?, một ca khúc mang tính tự sự nói về cảm xúc tình yêu trong sự xa cách, niềm vui trong sự khoắc khoải về một cuộc hội ngộ nhưng không biết chắc chắn nó có diễn ra hay không.
Hà Anh Tuấn là trường hợp rất đáng nhắc đến hiện nay. Ở giai đoạn dường như cả showbiz trong lĩnh vực âm nhạc đang cuốn theo những mới mẻ trước một làn sóng mới do các nghệ sĩ trẻ mang tới. Ở đó ngập tràn tiết tấu, ngập tràn những phong cách, lối hát, cách phát âm - nhả chữ rất riêng. Ngay cả những bản ballad của giới trẻ cũng rất khác so với những gì đã có trong âm nhạc Việt đại chúng trước đó. Điều này đã khiến không ít nghệ sĩ trưởng thành sẽ có những phút giây phải đứng trước những lúng túng, có những nghệ sĩ tự khu biệt mình vào bộ phận công chúng mình đã có từ trước, lại có những nghệ sĩ cuốn theo âm nhạc của giới trẻ...
Và vì thế, việc một Hà Anh Tuấn vẫn đậm chất trữ tình, âm nhạc không màu mè mà thậm chí rất mộc từ cách hát, cách thể hiện của dàn nhạc cho đến hình thức thể hiện khi tiếp cận với công chúng vẫn vững vàng bước đi trong đời sống âm nhạc. Không những chiếm được cảm tình của những người nghe, mà trong đó còn có một lượng rất đông đảo công chúng trẻ tuổi, thể hiện qua việc Tháng mấy em nhớ anh? liên tục có tên trong top 10 bảng xếp hạng nghe nhạc vốn hầu như chỉ là sân chơi của những nghệ sĩ và tác phẩm âm nhạc trẻ, là điều rất đáng nói. Và điều này đã được Hà Anh Tuấn đi suốt cả một chặng đường liên tục những năm qua chứ không phải chỉ với Tháng mấy em nhớ anh?.
Tất nhiên, các nghệ sĩ theo hướng nào cũng có những cống hiến của mình cho nghệ thuật, nhưng ở đây người viết muốn nhấn mạnh trường hợp Hà Anh Tuấn đã thành công với hướng đi riêng, vừa phát huy thế mạnh sở trường vừa dung hòa được yếu tố công chúng, đặc biệt là công chúng trẻ, ở thời điểm hiện tại. Và vì thế, Tháng mấy em nhớ anh? là một ca khúc mang đặc trưng của Hà Anh Tuấn, chứa đựng giá trị nghệ thuật lại dung hòa được với “gu” nghe nhạc của giới trẻ hiện nay.
Điểm Cống hiến: 8/10 |
Nguyễn Quang Long
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất