20/09/2019 19:08 GMT+7 | Giải trí
(Thethaovanhoa.vn) - Cô gái trên sông đã đi vào lịch sử điện ảnh Việt Nam như một tác phẩm mang tính đột phá lớn về nội dung tư tưởng và nghệ thuật. Bộ phim từng được khán giả đón nhận nồng nhiệt chưa từng có ngay khi vừa ra mắt.
Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh chia sẻ với Thể thao và Văn hóa (TTXVN) những kỷ niệm đáng nhớ về bộ phim Cô gái trên sông và lý giải về sự thành công của những bộ phim Việt Nam những năm nửa cuối thập niên 1980.
“Cô gái trên sông” tạo cơn sốt tại Đà Nẵng
Đạo diễn Đặng Nhật Minh bắt đầu làm phim từ những năm 1970 nhưng thực sự đạt đến đỉnh cao trong sự nghiệp điện ảnh vào thời kỳ Đổi mới. Ông được đánh giá là một trong những đạo diễn tiên phong và sung sức, sáng tạo nên những tác phẩm xuất sắc được ghi nhận cả trong và ngoài nước như: Bao giờ cho đến tháng 10 (1985) Cô gái trên sông (1988), Trở về (1994), Thương nhớ đồng quê (1996), Mùa ổi (2000), Đừng đốt (2009)... Trong số đó, Cô gái trên sông (1987) là tác phẩm gây sự chú ý hơn cả từ dư luận.
Cô gái trên sông do Đặng Nhật Minh đạo diễn và viết kịch bản, ra mắt đúng dịp Liên hoan phim Việt Nam 1988. Ông cho biết: “Tại Đà Nẵng, bộ phim ra mắt và tạo cơn sốt chưa từng có. Phim chiếu rạp 5 suất/ngày mà vẫn chật cứng khán giả.
Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20 vừa rồi diễn ra ở Đà Nẵng, nhiều khán giả lớn tuổi vẫn còn nhớ cái cảm xúc khi được xem bộ phim Cô gái trên sông cách đây hơn 30 năm, họ đã từng yêu mến bộ phim như thế nào. Tôi thực sự cảm ơn khán giả ở Đà Nẵng. Đối với những người làm phim thì điều đó thật cảm động và hạnh phúc” - NSND Đặng Nhật Minh, nhớ lại.
Dù vậy, khi ra đời bộ phim ngay lập tức gây tranh cãi về nội dung tư tưởng. Trong phim, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã thể hiện mặt trái ích ỷ, vô ơn của nhân vật người chiến sĩ cách mạng từng được cô gái giang hồ cứu giúp trong chiến tranh, rồi nhanh chóng quên ơn khi đã là một cán bộ cao cấp sau hòa bình.
Cùng với đó, đạo diễn lại cảm thông với Nguyệt (diễn viên Minh Châu) - cô gái có quá khứ bùn nhơ nhưng vẫn giữ bản chất lương thiện và đặc biệt xây dựng một nhân vật lính Ngụy biết chung thủy với người yêu - một điều chưa từng thấy trong các phim chính thống của ta từ trước. Đó là chưa kể, phim còn có những cảnh nóng khá táo bạo lần đầu xuất hiện trên màn ảnh Việt.
Sau những cuộc tranh luận gay gắt và những ý kiến trái chiều, Cô gái trên sông đã giành giải Bông sen Bạc cho Phim truyện điện ảnh cũng như giải Bông sen Vàng cho Nữ diễn viên chính (NSND Minh Châu) tại Liên hoan phim Việt Nam 1988. Tác phẩm sau đó được một hãng phát hành phim Đức mua lại, công chiếu trong tuần phim các nước XHCN tại Cottbus (Đức) và tiếp tục lưu hành tới Nhật Bản, Mỹ, Canada, Ấn Độ…
Một kỷ niệm đáng nhớ đối với đạo diễn Đặng Nhật Minh là Cô gái trên sông cùng 7 bộ phim khác của ông (Thị xã trong tầm tay, Bao giờ cho đến tháng 10, Trở về, Thương nhớ đồng quê, Hà Nội Mùa đông năm 46, Mùa ổi, Đừng đốt) được chiếu giới thiệu tại LHP Quốc tế Amiens (FIFAM) năm 2016. Tại FIFAM lần thứ 36, đạo diễn Đặng Nhật Minh được vinh danh và nhận cúp Kỳ lân danh dự (Licorne d’Or d’honneur) cho toàn bộ sự nghiệp điện ảnh của mình.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh tâm sự: “Tôi hồi hộp không biết khán giả Amiens đón nhận như thế nào. Nhưng đáng mừng là khán giả đến xem rất đông, buổi chiếu sau đông hơn buổi trước. Xem xong phim Cô gái trên sông nhiều khán giả Pháp còn bày tỏ sự ngạc nhiên: Sao ông dám làm phim này? Không bị kiểm duyệt à? Họ ngạc nhiên về sự mạnh bạo, thẳng thắn trong phim của tôi. Dù trước đây phim có gây tranh cãi nhưng càng ngày nó càng chứng minh rằng nội dung của phim vẫn có ý nghĩa cho cả hôm nay”.
Nghệ sĩ được “nâng đỡ”
Mới đây, khi chiếu tại Không gian văn hóa Ơ kìa Cinema, trong tuần phim “1988 - Năm ấy phim gì?”, vẫn có nhiều khán giả yêu điện ảnh tới thưởng thức Cô gái trên sông. Bản thân đạo diễn cũng chia sẻ rằng: “Phim làm đã hơn 30 năm rồi, mỗi lần xem lại tôi cũng thấy ngạc nhiên, hồi đó còn trẻ mà tại sao mình lại làm được phim như thế? Tôi cũng ngạc nhiên về chính mình, đó là cảm xúc thật, không chỉ riêng với Cô gái trên sông mà là cảm giác bao trùm khi tôi xem lại những bộ phim cũ mình đã làm. Hiện giờ, có cho tiền người ta cũng không dám làm những bộ phim như vậy”.
Vào những năm cuối 1980, cảnh làm tình của những cô gái giang hồ, hay hình ảnh Nguyệt khỏa thân trong thuyền… trong phim Cô gái trên sông được cho là táo bạo. Thế nên khi nhắc tới bộ phim, nhiều khán giả vẫn không quên “chuyện hậu trường” rằng, diễn viên Minh Châu từng giận đạo diễn vì buộc nữ diễn viên đóng những cảnh hở hang mà lúc đầu được cho biết sẽ có người đóng thế.
“Tôi phải thuyết phục Minh Châu đóng một số cảnh được cho là nhạy cảm, như cảnh tắm trên sông… mà không cần người đóng thế. Những cảnh đó ngày ấy được coi là ghê gớm, táo bạo lắm, chứ hiện nay thì quá bình thường. Việc mâu thuẫn giữa đạo diễn với diễn viên về chuyện đó cũng không phải điều gì nghiêm trọng lắm, nhất là sau vai diễn đó nữ diễn viên Minh Châu nhận được giải Nữ diễn viên xuất sắc trong LHP Việt Nam tại Đà Nẵng” - ông nói.
Lý giải về thành công của bộ phim Cô gái trên sông nói riêng và những phim Việt Nam thành công thời kỳ nửa cuối thập niên 1980 nói chung, đạo diễn Đặng Nhật Minh nhận xét: “Là vì phim đề cập tới những vấn đề mà khán giả quan tâm”.
“Cuối những năm 1980, Nhà nước chìa tay nâng đỡ điện ảnh, không có sự giáo điều mà cảm thông với những suy tư trăn trở của người nghệ sĩ và để cho họ được sáng tạo. Vai trò của người “cầm trịch” ngành điện ảnh rất quan trọng, phải tạo điều kiện cho người nghệ sĩ sáng tạo, đồng thời phải biết chấp nhận những chủ đề được cho là nhạy cảm thì mới có Cô gái trên sông hay là Tướng về hưu. Sự ủng hộ của Nhà nước và bản thân người làm phim là hai yếu tố hàng đầu. Nhà nước ủng hộ mà không có những nghệ sĩ tài năng thì cho tiền tỷ cũng không làm được phim hay” - đạo diễn Đặng Nhật Minh khẳng định.
Ông cũng thừa nhận, thời đó điện ảnh Việt Nam có những thế hệ diễn viên được đào tạo bài bản. Trường Điện ảnh khóa đầu tiên có các diễn viên Trà Giang, Tuệ Minh, sau có Minh Châu, Phương Thanh… Họ đã góp phần tạo nên những bộ phim thành công, để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả.
“Phim phải phản ánh được điều khán giả quan tâm” “Ở thời nào cũng vậy, phim muốn được khán giả đón nhận, điều quan trọng nhất là phải phản ánh được điều mà khán giả quan tâm. Mỗi một giai đoạn có những tiêu chí khác nhau, những mối quan tâm khác nhau. Hiện giờ mục tiêu chính của phim ảnh là giải trí, thương mại. Người làm phim phải tính toán làm đề tài gì để có đông người xem, thu được nhiều tiền? Đối tượng khán giả xem phim đa phần là những người trẻ, thị hiếu của họ luôn thay đổi, kéo theo định hướng nội dung của các phim Việt Nam cũng phải thay đổi” - theo đạo diễn Đặng Nhật Minh. |
(Còn nữa)
Bảo Anh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất