13/01/2021 06:57 GMT+7 | Giải trí
(Thethaovanhoa.vn) - Có thể khẳng định, các nghệ sĩ K-pop rất hiểu biết về công nghệ. Họ đã tạo dựng được “fandom” toàn cầu nhờ vào việc sử dụng YouTube và mạng xã hội để tương tác với người hâm mộ của họ ở nước ngoài.
Bởi thế, không có gì lạ nếu trong năm 2021 này, K-pop vẫn phát triển mạnh mẽ bất chấp đại dịch Covid-19.
“Bạo tay” sử dụng công nghệ
Lee Gyu Tag, Phó giáo sư nghiên cứu văn hóa tại Đại học George Mason Hàn Quốc, giải thích rằng hơn 10 năm hoạt động quảng bá tích cực ở châu Á đã đặt nền móng cho sự thành công trên toàn thế giới của K-pop.
“Danh tiếng của K-pop đã tăng lên ở châu Á vào cuối những năm 2000 và ngày càng lớn hơn vào những năm 2010, khi K-pop trở thành một phần của xu hướng chính trong âm nhạc thế giới” - Lee Gyu Tag nói. “Vào những năm 2000, có nhiều người Đông Nam Á trưởng thành và xuất hiện ở châu Âu. Bởi thế, từ giới trẻ Đông Nam Á, cơn sốt K-pop lan sang đây”.
Lee Gyu Tag cũng cho rằng chiến lược truyền thông xã hội của K-pop, chẳng hạn như việc sử dụng các nền tảng khác nhau để quảng bá nội dung của họ, đã lôi cuốn thành công thế hệ Z (sinh vào cuối những năm 1990), những người không chỉ xem nội dung trực tuyến mà còn "tham gia" thông qua phát trực tiếp và bình luận. Họ trở thành thành viên của một cộng đồng K-pop lớn trên YouTube và Twitter và tự nguyện sản xuất, chỉnh sửa và tải lên các video.
“K-pop và các nền tảng của nó, chẳng hạn như Twitter, phụ thuộc lẫn nhau. Twitter Hàn Quốc thừa nhận rằng K-pop là nhân tố chính trong việc tạo dựng sức hút của nền tảng này. Người hâm mộ đã tải lên hàng loạt những thứ hấp dẫn như video ghi lại cảm xúc, video nhái vũ đạo và bản cover các bài hát K-pop” - Lee Gyu Tag nói thêm.
Theo dữ liệu từ Twitter, BTS là nghệ sĩ được “tweet” nhiều thứ 6 trên toàn cầu vào năm 2020. BTS cũng đứng đầu về số lượng tài khoản K-pop được “tweet” nhiều nhất trên toàn thế giới trong năm 2020 và là năm thứ 4 liên tiếp. Tiếp theo là EXO và Blackpink.
So với các lĩnh vực khác, K-pop dễ dàng thích nghi hơn với việc phát trực tuyến vì sự quen thuộc của nền âm nhạc với công nghệ. Bởi thế, khi các buổi hòa nhạc ngoại tuyến trở nên bất khả thi trong thời đại dịch, các công ty quản lý và nghệ sĩ đã linh hoạt tổ chức các buổi hòa nhạc trực tuyến, mời khán giả tham gia vào trải nghiệm ảo sống động.
Điển hình, SM Entertainment, công ty quản lý các nhóm nhạc nổi tiếng như Super Junior, EXO, NCT127 và Red Velvet, đã tạo ra một video concert mới có tên Beyond LIVE kết hợp màn trình diễn của nghệ sĩ với tương tác thực tế ảo (AR), đồ họa và cuộc gọi video trực tiếp giữa nghệ sĩ và người hâm mộ.
Trong khi đó, hồi tháng 6/2020 BTS đã tổ chức buổi hòa nhạc trực tuyến dài 90 phút BANG BANG CON: The Live và buổi “livestream” kéo dài 2 ngày rưỡi mang tên BTS Map of the Soul ON: E vào hồi tháng 10/2020. Sự kiện trước đã bán được hơn 756.000 vé trong khi buổi biểu diễn sau đã bán được hơn 993.000 vé, trở thành buổi hòa nhạc ảo bán chạy nhất với lợi nhuận ước tính hơn 50 tỷ won (45 triệu USD).
Theo Gaon Chart, trang web chuyên theo dõi doanh số bán album thực ở trong nước và nước ngoài, năm 2020 tổng doanh số của 400 album K-pop ăn khách nhất đạt hơn 40 triệu bản, tăng 64% so với năm trước đó, tức là 25 triệu bản.
Mở rộng hình thức kết nối
Trong khi các ngôi sao tiếp tục phát hành các bài hát mới để kết nối sâu rộng hơn với người hâm mộ của họ, K-pop cũng tăng tốc mở rộng sang các hình thức khác, chẳng hạn như phim tài liệu và phim ảnh. Chẳng hạn, các cô nàng Blackpink là nhân vật chính trong bộ phim tài liệu BLACKPINK: Light Up The Sky của Netflix, trong khi nhóm tân binh P1Harmony ra mắt thông qua bộ phim K-pop P1H: A New World Begins.
Phó giáo sư Lee Gyu Tag dự đoán, K-pop sẽ phát triển và đạt mức cao mới vào năm 2021 vì lý do này. “Trong thập kỷ đầu của những năm 2000, Clon và NRG đã gây tiếng khi Big Bang và Super Junior “nổi như cồn”. Cho đến gần đây khi BTS vang danh toàn cầu, mọi người đều đặt câu hỏi liệu cơn sốt K-pop như vậy có còn kéo dài không?” - ông khẳng định. “Nhìn lại việc ngành công nghiệp này vẫn phát triển mạnh mẽ trong 2 thập kỷ qua bất chấp mọi hoài nghi, tôi tin vào tương lai của nó”.
Đáng nói, chính phủ Hàn Quốc cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ xuất khẩu nội dung hallyu trong năm 2021. Cụ thể, theo ông Kim Hyun Hwan, Tổng giám đốc Cục Chính sách Nội dung thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc, Chính phủ Hàn Quốc đang lên kế hoạch tăng cường hỗ trợ tài chính cho các công nghệ mới nổi như AR và nội dung thực tế ảo (VR).
“Theo cuốn sách K-Pop Innovation của Lee Jang Woo, các nhà điều hành trong ngành K-pop được mô tả là hiện thân của ý tưởng khởi nghiệp và đổi mới” - Kim Hyun Hwan nói. “Nền K-pop cũng đi đầu bằng cách tổ chức buổi hòa nhạc trực tuyến trả phí đầu tiên trên thế giới. Với tư duy này, tôi tin rằng K-pop sẽ tiếp tục phát triển”.
Kim Hyun Hwan nói tiếp: “Chính phủ dự kiến sẽ mở rộng các địa điểm tổ chức hòa nhạc trực tuyến vào năm 2021. Chúng tôi sẽ rót 29 tỷ won vào việc xây dựng một phòng thu cho các buổi hòa nhạc trực tuyến như một phần của dự án “sản xuất nội dung K-pop trực tuyến”, đồng thời sẽ tu sửa lại những địa điểm cũ để mở rộng địa điểm tổ chức các buổi hòa nhạc thuộc hình thức này”.
Còn ông Kim Dong Won, Phó chủ tịch Taewon Entertainment và Giám đốc điều hành của Yoondang Arthall, nhắc lại rằng K-pop sẽ tăng tốc mở rộng bằng cách tự tái tạo và sử dụng các chiến thuật của fandom.
"Tôi thực sự tin tưởng rằng K-pop sẽ bùng nổ hơn nữa trong tương lai. Những người trong cuộc biết chính xác đối tượng cần nhắm đến và phải làm thế nào” - ông nói. “Tấm gương của BTS về hoạch định nội dung và chiến lược tiếp cận người hâm mộ trên khắp thế giới là một ví dụ”.
Việt Lâm
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất