'Il Postino': Câu chuyện thương tâm đằng sau một kiệt tác

12/09/2020 06:26 GMT+7 | Giải trí

(Thethaovanhoa.vn) - Trong lịch sử điện ảnh, có lẽ chưa phim nào lại xảy ra một câu chuyện hậu trường đau lòng như Il Postino (Người đưa thư) - Một trong những kiệt tác lớn của điện ảnh Italy cuối thế kỷ 20.

Chiếu miễn phí 11 phim Italy xuất sắc tại Hà Nội

Chiếu miễn phí 11 phim Italy xuất sắc tại Hà Nội

Từ 21 đên 26/7, Liên hoan phim Italy Moviemov sẽ diễn ra tại Hà Nội như một "bữa tiệc bánh ngọt" với các "món bánh điện ảnh" ngon nhất từ đất nước Địa Trung Hải.

Pablo Neruda - Nhà thơ quốc dân của Chile - người được văn hào Marquez gọi ông là "Nhà thơ vĩ đại nhất thế kỷ 20 bất kể ngôn ngữ nào".

Từ "Người đưa thư" của Antonio Skármeta...

Ngược trở lại năm 1952, Neruda từng có một chuyến viếng thăm và lưu trú ngắn tại Capri - một hòn đảo ở vịnh Naples, Italy. Chính nơi đây đã tạo cảm hứng để ông sáng tác The Captain's Versus (Những vần thơ của thuyền trưởng) - Áng thi ca đã mang đến cho Pablo Neruda giải Nobel văn chương năm 1971.

Nhiều năm sau, vào năm 1985, quãng thời gian mà Neruda lưu trú ở Capri đã trở thành chủ đề cho cuốn tiểu thuyết của nhà văn Chile, Antonio Skármeta - Ardiente Paciencia (Sự kiên nhẫn bùng cháy), sau này được đổi tựa là El cartero de Neruda (Người đưa thư của Neruda), với câu chuyện rất đơn giản về chàng trai Mario mù chữ, sống ở ngôi làng chài nhỏ Isla Negra, trên bờ biển Chile. Mario từ chối làm nghề đánh cá và nhận công việc đưa thư. Sau đó, Mario được địa phương giao nhiệm vụ chuyên giao thư từ và bưu phẩm cho nhà thơ nổi tiếng Neruda đang sống ở đó. Dần dà giữa Neruda và Mario trở thành đôi bạn tốt, và Neruda đã giúp Mario thoát mù chữ và khơi dậy trong anh ấy tình yêu thơ ca.

Năm 1988, nhà văn Antonio Skármeta đã đưa Ardiente Paciencia lên màn ảnh do chính ông chuyển thể kịch bản kiêm đạo diễn. Phim chỉ đạt thành công khiêm tốn ở Chile, và chủ yếu phát hành ở những nước nói tiếng Tây Ban Nha.

... đến "Người đưa thư" của Massimo Troisi

Massimo Troisi, một diễn viên và nhà làm phim nổi tiếng Italy - nhưng thế giới dường như chẳng ai biết đến anh ta. Troisi đã mua bản quyền cuốn sách Ardiente Paciencia của Antonio Skármeta và có ý định chuyển thể nó thành phim truyện với bối cảnh ở Italy. Kịch bản chuyển thể được mang tên Il Postino (Người đưa thư), và chính Troisi sẽ làm đạo diễn kiêm thủ vai chính, anh chàng đưa thư mù chữ hiền lành chất phác Mario.

Chú thích ảnh
Cảnh trong phim “Người đưa thư”

Năm 1983, Troisi đã xem và rất thích bộ phim Another Time, Another Place nói về những tù binh Italy ở Scotland trong Thế chiến II của đạo diễn người Anh, Michael Radford. Troisi quyết định mời Radford cùng đạo diễn với mình, và đã gửi kịch bản Il Postino cho Radford.

Radford nhận lời và đánh giá cao sự nhiệt tình của Troisi, nhưng ông lại không hài lòng với kịch bản. Cùng với bạn gái cũ của Troisi là Anna Pavignano, 3 người hẹn gặp nhau ở trong một khách sạn bên bờ biển Santa Monica (Mỹ) và viết lại một kịch bản mới.

Trong số những thay đổi quan trọng được thực hiện từ cuốn tiểu thuyết gốc là thay đổi bối cảnh từ Chile đương đại 1970 trở về Italy những năm 1950, và nhân vật Mario từ một cậu ngư dân 17 tuổi thành một người đưa thư 40 tuổi cho phù hợp với Massimo Troisi.

Một thay đổi quan trọng nữa, lấy cảm hứng từ sự kiện có thật là Pablo Neruda từng phải sống lưu vong ở Buenos Aires (Argentina) 3 năm, rồi sau đó ông ngao du khắp nơi trên thế giới (1952 có ghé chơi đảo Capri, Italy như đã kể ở trên). Các nhà làm phim Il Postino đã hư cấu thành Neruda phải sống lưu vong ở Italy, trên đảo Salina, gần Sicily.

"Người đưa thư" và cuộc chạy đua với thần chết!

Có một chi tiết lúc đó ít người biết về bệnh tình của Massimo Troisi. Hồi còn thiếu niên Troisi bị bệnh sốt thấp khớp dẫn đến tổn thương tim và bệnh tim của anh trở nên nghiêm trọng khi anh ở tuổi trung niên.

Khi tiến độ triển khai dự án Il Postino sắp hoàn tất, Troisi đã quay lại Houston (Mỹ) để kiểm tra sức khỏe, thì bệnh tim của anh bắt đầu trở nặng. Troisi buộc phải ở lại Mỹ 6 tháng để theo dõi bệnh tình. Khi Troisi quay lại Italy, mọi người sửng sốt vì dường như gương mặt và ngoại hình của Troisi không còn giống như trước đây nữa. Nhưng Il Postino vẫn phải quay vì mọi thứ chuẩn bị đã xong xuôi chỉ chờ Troisi về.

Troisi dự định ban đầu sẽ đồng đạo diễn bộ phim với Michael Radford, nhưng giờ không thể làm điều đó vì sức khỏe không cho phép. Anh chỉ cố dồn hết sức cho vai diễn mà thôi. Tuy nhiên, mới đến ngày quay thứ 3, Troisi đã gục ngã trên phim trường trong tình trạng sức khoẻ vô cùng tồi tệ. Bác sĩ đã được mời tới, và một bản án giáng xuống bộ phim: Hoặc dừng vĩnh viễn bộ phim, hoặc thay vai.

Không ai muốn làm việc nhẫn tâm như thế, và sau khi tham khảo với bác sĩ, chiếu theo tình hình thực tế thì Troisi chỉ có thể quay phim khoảng 1 giờ mỗi ngày. Không còn sự lựa chọn, tất cả lịch trình quay được thiết kế để cho phép đoàn phim vận động xoay quanh sức khoẻ của Troisi. Hầu hết các cảnh của anh chỉ được quay trong 1 hoặc 2 lần.

Điều này được hỗ trợ rất nhiều bởi đoàn phim đã rất may mắn khi chọn được một người đóng thế có ngoại hình tương đồng với Troisi. Anh ta được sử dụng cho tất cả các cảnh quay Troisi từ phía sau, các toàn cảnh, trung cảnh và hầu hết các cảnh đạp xe. Sau này chính đạo diễn Michael Radford phải công nhận trên bàn dựng rằng, không thể phân biệt được đâu là Troisi, và đâu là người đóng thế cho anh.

Chú thích ảnh
Đạo diễn Michael Radford

Để phòng ngừa sự cố, trước và trong khi bộ phim bắt đầu quá trình sản xuất. đạo diễn Radford đã yêu cầu Troisi vào phòng thu của phim trường Cinecitta (Roma) để ghi âm lại tất cả các đoạn hội thoại của mình, ngừa trường hợp lỡ Troisi bị chết trước khi quay xong, để hậu kỳ còn có thể hoàn thành bộ phim.Đạo diễn Michael Radford

Khúc vĩ thanh bi tráng của "Người đưa thư"

Bộ phim lấy bối cảnh và được quay trên đảo Procida, ở vịnh Napoli, một số quay phim bổ sung đã diễn ra trên đảo Salina. Corricella là bối cảnh cho một số cảnh quay bên bờ sông trong phim. Sau 11 tuần quay trong... hồi hộp và nghẹt thở, chỉ có nghỉ 1 ngày dịp lễ Phục sinh, Il Postino đã hoàn tất phần ghi hình, mà theo đạo diễn Radford là vượt tiến độ nếu so với tình trạng sức khỏe thập tử nhất sinh của diễn viên chính.

Còn Massimo Troisi, sau ngày quay cuối cùng của mình, anh đến ở với em gái mình ở Ostia (Roma), thì ngay hôm sau anh đột ngột lên một cơn đau tim và chết ngay trên giường trước khi bác sĩ kịp tới. Đạo diễn Radford lúc ấy đang nghe radio trong căn hộ của mình ở Rome, thì đột nhiên nghe đài thông báo rằng Troisi đã chết. Radford lập tức nhảy lên xe chạy thẳng đến nhà em gái Troisi mà nước mắt chảy đầm đìa trên tay lái.

Đám tang của Massimo Troisi được tổ chức ở quê nhà Naples. Khi linh cữu được khiêng đi trên đường phố, người dân Napoli sửng sốt khi thấy... Troisi đi sau linh cữu của anh. Một số người mê tín đã phát hoảng, cho rằng đó là linh hồn của Troisi hiện về! Nhưng thực chất "linh hồn" ấy chỉ là... người đóng thế của Troisi trong phim Il Postino, đến đưa tang anh!

Ông trùm điện ảnh Mỹ, Harvey Weinstein sau khi xem xong Il Postino đã mua bộ phim để phân phối. Harvey đã nói với đạo diễn Radford: "Tôi sẽ bán “bài thơ” này cho người Mỹ." Và kết quả sửng sốt đã đến ngay sau đó. Với chiến dịch quảng bá tài tình cho Il Postino của Harvey Weinstein, bộ phim thực sự là một "quả bom" phòng vé với doanh thu 21 triệu USD, khiến Il Postino trở thành bộ phim nói tiếng nước ngoài có doanh thu cao nhất mọi thời đại ở Mỹ (năm 1994) - Đặc biệt, bộ phim được yêu thích đến mức đã lập kỷ lục trụ rạp ở thành phố New York gần 2 năm, mặc dù lúc đó phim đã phát hành ra video và truyền hình cáp!

Chưa hết, chiến tích nổi bật nhất của Il Postino là được 5 đề cử Oscar 1994 (Phim hay nhất, Đạo diễn, Nam chính, Kịch bản chuyển thể, Nhạc nền), trong đó lần đầu tiên trong lịch sử, một bộ phim không nói tiếng Anh đã phá vỡ mọi thông lệ khi được đề cử Oscar Best Picture danh giá (chỉ dành cho phim nói tiếng Anh). Tuy đây là một vinh dự rất lớn, nhưng chính vì điều đó đã cướp đi cơ hội của Il Postino ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài, bởi bộ phim sẽ chắc chắn thắng nếu được đề cử ở hạng mục truyền thống này!

Ngoài 24 giải thưởng điện ảnh quốc tế các loại, Il Postino được đón nhận rất nồng nhiệt ở Ấn Độ - mặc dù đạo diễn Radford cho rằng chắc họ xem đĩa lậu chứ không có ai mua bản gốc để xem! Radford cũng tự hào kể rằng, anh nhận được một lá thư từ đại văn hào Nhật Haruki Murakami, nói rằng Il Postino là bộ phim yêu thích của ông ấy.

1 trong 7 diễn viên đã khuất trước khi được đề cử Oscar

Massimo Troisi là 1 trong 7 diễn viên đã khuất trước khi được đề cử Oscar diễn xuất. (Những người khác là Jeanne Eagels, James Dean, Spencer Tracy, Peter Finch, Sir Ralph Richardson và Heath Ledger). Một quảng trường công cộng trên đảo Procida, Italy (một trong những hòn đảo mà bộ phim quay ở đấy) đã được đặt theo tên của Massimo Troisi để tôn vinh bộ phim cuối cùng của anh.

BÁ VŨ

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm