GS - TS Nguyễn Thuyết Phong: Cần giảng dạy âm nhạc dân tộc từ tuổi thiếu nhi

25/07/2010 11:50 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Từ ngày 20 đến 23/7/2010, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị chuyên đề lần thứ 6 do Hội đồng Âm nhạc truyền thống quốc tế (ICTM) và Viện Âm nhạc phối hợp tổ chức. Điều quan tâm của ICTM là hành động để thúc đẩy việc nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và thực hành âm nhạc truyền thống các dân tộc trên thế giới. Nhân sự kiện này TT&VH có cuộc trao đổi với GS - TS Nguyễn Thuyết Phong - nhà dân tộc nhạc học - một số vấn đề về âm nhạc truyền thống dân tộc trong đời sống âm nhạc hiện nay.

“Chúng ta thiếu cơ sở lý luận về âm nhạc dân tộc”


GS-TS Nguyễn Thuyết Phong là người Việt Nam duy nhất (cho đến nay) đã nhận được giải thưởng Di sản âm nhạc Hoa Kỳ do Chính phủ Mỹ tặng. GS cũng được xem là người sáng lập ngành Dân tộc nhạc học (Ethnomusicology) tại Học
viện Âm nhạc Quốc gia VN và Nhạc viện TP.HCM.


* Thưa GS, theo ông tại sao giới trẻ đa số thích nhạc pop/rock mà không mặn mà với âm nhạc dân tộc?

- Tôi là người có khá nhiều dịp đi đến nhiều nước trên thế giới, vấn đề như được nêu không chỉ ở Việt Nam mà là tình trạng chung của nhiều nước. Âm nhạc phương Tây được hậu thuẫn bởi cuộc sống vật chất và nền kinh tế khá phát triển. Từ việc nhìn nhận những tiến bộ khoa học của phương Tây nên nhiều người cũng cho rằng âm nhạc của họ ắt hẳn là phải hay hơn...

Ở Việt Nam, chúng ta đã nghe nhạc phương Tây, đặt lời Việt cho các ca khúc phương Tây rồi sáng tác theo ca khúc phương Tây và hình thành nền tân nhạc. Trong lúc đó việc truyền bá sự hiểu biết về âm nhạc truyền thống dân tộc cũng như việc bảo vệ, bênh vực nó không được chu đáo nên âm nhạc truyền thống dân tộc lùi dần.

Chúng ta thiếu cơ sở lý luận về âm nhạc dân tộc, những người nghiên cứu quen nhạc Tây phương hơn nhạc Việt Nam. Trong các nhạc viện, nhạc truyền thống dân tộc cũng chỉ là một bộ phận, nhưng chỉ có “chơi” nhạc dân tộc mà chưa có một hệ thống lý luận, chưa có sách giáo khoa. Vì thế, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan mà âm nhạc truyền thống dân tộc ngày nay ít được biết đến.

* Nhiều người cho rằng những loại hình âm nhạc dân gian, truyền thống như hát giao duyên, hò tát nước, hát ca trù... đã xuất hiện hàng thế kỷ, giờ đây nó không còn phù hợp với tốc độ của nhịp sống hiện đại, tâm sinh lý của người thưởng thức. Ý kiến của GS về điều này như thế nào?

- Chúng ta phải chấp nhận môi trường thay đổi thì những bài hát không còn như xưa, còn nói thể loại âm nhạc đó ra đời cách đây hàng thế kỷ nay không phù hợp với sự thưởng thức của con người hiện tại cũng chưa hẳn chính xác.

Ngày nay, các nước hiện đại phương Tây cũng vẫn nghe nhạc của J.S.Bach, W.A.Mozart cách đây hàng thế kỷ thì sao? Còn nói về tốc độ nhịp sống hiện đại, có lẽ phương Tây họ tốc độ trước và hơn chúng ta rất nhiều, nhưng tại sao họ vẫn thưởng thức nhiều bài nhạc rất “ê a”, chậm rãi (như dạng thức ca trù) và dạy cho học sinh các trường phổ thông và đại học? Tôi thiết nghĩ, âm nhạc không chỉ là âm thanh mà là văn hóa - văn hóa chơi nhạc, nghe nhạc. Phải hiểu âm nhạc trong chiều dài lịch sử, phải hiểu phong cách diễn tấu của từng loại âm nhạc mới có thể biểu diễn hay. Khán giả nghe nhạc cũng cần lắng tâm tìm hiểu và biết quí trọng âm nhạc để thưởng thức được những nét độc đáo của nó; phải ý thức rằng âm nhạc truyền thống là một bộ phận của văn hóa dân tộc, nó có một vị trí quan trọng trong tâm hồn mỗi người.

Dạy âm nhạc cho học sinh: Dạy cái gì và như thế nào?

* Cũng có ý kiến cho rằng, nhìn các nhạc cụ phương Tây như saxophone, violin, clarinet... nó mang dáng dấp của một xã hội công nghiệp, hiện đại, còn nhạc cụ dân tộc thì rất thô sơ, nên bước đầu không hấp dẫn giới trẻ...

- Sự thật là những nhạc cụ phương Tây như vừa nói đã được chế tác tinh vi hơn nhạc cụ dân tộc (cả Việt Nam và nhiều nước trên thế giới) mà chúng ta phải quan tâm học hỏi. Một mặt nào đó nó chịu ảnh hưởng của những yếu tố thị trường (cung - cầu) và sự tiến bộ của khoa học.

Tuy nhiên, cái hay của nhạc cụ là ở giá trị âm thanh của nó chứ chưa hẳn do cái dáng vẻ bên ngoài. Cây đàn tranh, đàn bầu tuy thô sơ những có những âm thanh đặc trưng mà các nhạc cụ “hiện đại” khác không có được. Cây đàn organ hiện đại phải mô phỏng rất nhiều tiếng của các nhạc cụ dân tộc “thô sơ” trên thế giới, điều đó không phải là vô cớ. Mỗi nhạc cụ đều có cái hay khác nhau. Mấu chốt là ở chỗ chúng ta chưa hiểu được giá trị âm thanh, âm sắc, những cái hay, độc đáo, những thủ pháp tinh vi của nhạc cụ dân tộc nên đánh giá sai về nó. Chúng ta cần đẩy mạnh giáo dục âm nhạc truyền thống dân tộc cho rộng rãi quần chúng, nhất là giới trẻ để làm sao hiểu được cái hay đó.

* Theo GS thì đẩy mạnh giáo dục âm nhạc truyền thống dân tộc bằng cách nào?

- Ở Mỹ, ngoài việc giảng dạy cho cho các khóa cao học, tiến sĩ, tôi còn dành thời gian tham gia giảng dạy, viết sách giáo khoa tại các trường mẫu giáo, tiểu học, trung học. Họ mời tôi giới thiệu về âm thanh Việt Nam. Tôi cho học sinh nghe những âm thanh của những nhạc cụ dân tộc Việt Nam, rồi giới thiệu cái hay của tiếng sáo, sự độc đáo của tiếng đàn tranh, đàn nguyệt, đàn bầu... tất cả như một trò chơi âm thanh. Các em nghe và cảm thấy thích thú vì hiểu được cái hay của nó, có nhiều người khi vào học trường đại học gặp lại tôi và tiếp tục nghiên cứu nhạc Việt Nam. Ngày nào họ là những học trò bé bỏng của tôi, giờ đã yêu thích nhạc cụ dân tộc Việt Nam.

Đó cũng chỉ là một cách giáo dục âm nhạc dân tộc trên thế giới. Về giáo dục âm nhạc nói chung, nó là một vấn đề lớn không thể bàn hết trong một cuộc phỏng vấn. Theo tôi biết, hiện nay chúng ta cũng có dạy âm nhạc cho học sinh phổ thông, nhưng quan trọng là dạy cái gì và dạy như thế nào?

Hữu Trịnh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm